Buýt thường chạy vào làn BRT sẽ phải liên tục 'đánh võng', gây nguy hiểm cho ô tô xe máy khác

Vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đề xuất UBND TP Hà Nội điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên tuyến buýt nhanh BRT 01 có lộ trình bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông. Đây là tuyến có tổng chiều dài 14km, đi qua những tuyến đường thường xuyên đông đúc như: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Quang Trung, Lê Trọng Tấn. 

Cụ thể, Sở đề xuất trên làn đường dành riêng cho xe buýt BRT (làn BRT) cho phép các phương tiện khác lưu thông vào gồm xe khách 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường. Đề xuất này đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận trong bối cảnh đường BRT được coi là để lại nhiều hệ luỵ, thất bại sau 6 năm triển khai. Nhiều ý kiến những ngày qua còn đề xuất bỏ hẳn làn BRT.

Sở GTVT đề xuất nhiều loại xe khác, trong đó có xe buýt thường được sử dụng làn đường BRT để giảm ùn tắc giao thông.

Trong khuôn khổ Toạ đàm trực tuyến "Giải pháp cho giao thông bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030" được Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức sáng 28/6, GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp trường ĐH Giao thông vận tải đã thẳng thắn phản đối việc cho xe buýt thường chạy vào làn đường BRT.

Vị chuyên gia này cho rằng, xe buýt thường và buýt nhanh BRT khác hoàn toàn nhau về cách thức di chuyển. Trong khi buýt thường bố trí cửa và đón khách ở bên phải thì BRT lại có cửa, di chuyển và đón khách phía bên trái đường. Do vậy, để các loại phương tiện này chạy chung một làn đường là rất không hợp lý.

"Chúng ta hình dung mỗi bến xe buýt thường chỉ cách nhau khoảng 500-600m, nếu xe buýt thường chạy làn bên trái rồi mỗi khi đón khách lại đánh võng sang phải sẽ xung đột giao thông nghiêm trọng với dòng phương tiện khác, gây nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao", GS.TS Từ Sỹ Sùa nói. 

GS.TS Từ Sỹ Sùa không đồng tình với đề xuất cho xe buýt thường chạy chung làn với BRT.

Theo GS.TS Sùa, nếu Hà Nội cho các phương tiện khác sử dụng chung làn đường BRT, nên chăng chỉ cho các xe ưu tiên (xe cứu hoả, cứu thương, quân đội, công an làm nhiệm vụ,...), ngoài ra có thể nghiên cứu cho thêm xe taxi bởi đây là loại hình vận tải hành khách công cộng chiếm số lượng rất đông và lộ trình khá rõ ràng.

"Nếu xe taxi được đi vào làn BRT cũng sẽ làm giảm áp lực đáng kể cho các loại ô tô xe máy khác. Nhưng lưu ý là chỉ các xe taxi có mào mới được đi vào cho dễ quản lý, còn taxi công nghệ không có mào thì vẫn đi như bình thường", vị chuyên gia này nêu ý kiến.

Hà Nội sẽ phát triển xe buýt sạch, hạn chế dần xe cá nhân

Cũng tại buổi toạ đàm, các chuyên gia cũng như các nhà quản lý đều thừa nhận, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thường xuyên ùn tắc như hiện nay cũng có lý do xuất phát từ quy hoạch đô thị, sự phát triển của hạ tầng giao thông chưa bắt kịp sự phát triển của xã hội, hệ thống phương tiện công cộng không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân dẫn tới xe cá nhân gia tăng rất nhanh.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý và các doanh nghiệp đã đưa ra ý kiến trong buổi toạ đàm.

Ông Nguyễn Tuyển - Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, TP. Hà Nội có định hướng phát triển phương tiện sử dụng năng lượng sạch. Hiện nay, đã có 8 tuyến xe buýt chạy bằng điện ( xe VinFast), 7 tuyến chạy bằng CNG.

"Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu với thành phố thay thế những tuyến xe buýt trong nội đô trở thành những chiếc xe năng lượng sạch. Đồng thời, tiếp tục phát triển những phương tiện với sức chứa nhỏ hơn như xe đạp công cộng, xe điện cỡ nhỏ để tăng cường kết nối mạng lưới phương tiện tiện công cộng. Mục tiêu là đến năm 2030, vận tải hành khách công cộng sẽ đạt từ 40-45% nhu cầu di chuyển của người dân", ông Tuyển nói.

Về giải pháp phát triển phương tiện công cộng, trong đó có xe buýt, GS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng, muốn thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng thì đầu tiên phương thức giao thông đó phải có chất lượng dịch vụ tốt và giá cả hợp lý. Nếu đáp ứng được 2 tiêu chí trên, người dân sẽ tự nguyện tìm đến với phương tiện giao thông công cộng và bỏ dần phương tiện cá nhân.

Các xe buýt điện được VinFast đưa vào sử dụng tại Hà Nội và TP. HCM phần nào giúp người dân có cái nhìn thiện cảm hơn về phương tiện vận tải hành khách công cộng. (Ảnh VinBus)

"Thời gian di chuyển của phương tiện công cộng theo phương pháp OD, tức là từ lúc xuất phát đến lúc kết thúc phải đảm bảo nhanh hơn đi xe đạp (vận tốc tiêu chuẩn của xe đạp hiện nay là 12km/h) và giá thành rẻ hơn xe máy. Khi đó người ta sẽ bỏ xe máy, xe đạp để đi xe công cộng", GS.TS Từ Sỹ Sùa nói. 

Vị chuyên gia giao thông này cũng cho rằng, việc hạn chế ô tô xe máy cá nhân cần phải thực hiện bài bản, có lộ trình chứ không nên cấm phương tiện trên một vài tuyến đường hoặc thu phí vào nội đô ở vùng có diện tích quá rộng như một số đề xuất trước đây được. 

"Hạn chế phương tiện cá nhân phải theo nguyên lý “vết dầu loang”, phải từ trong ra chứ không phải từ ngoài vào. Ví dụ hạn chế khu vực bờ hồ rồi mở rộng dần ra khu vực lân cận. Ngoài hạn chế theo không gian, có thể hạn chế theo thời gian như ngày chẵn, ngày lẻ, khoanh giờ hoạt động...", GS.TS Từ Sỹ Sùa nêu giải pháp.

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!