Ngày 1/11, Alpha Books tổ chức sự kiện ra mắt cuốn sách Văn hóa số - Gỡ bỏ rào cản trong chuyển đổi số. Tọa đàm do dịch giả Trần Hoàng Hà dẫn dắt, có sự tham gia của tác giả Lê Quang Vũ cùng nhiều nhà quản trị và lãnh đạo từ các tập đoàn lớn.

z5989523651780_39a12c05416905bdd1961fa4ca468b25.jpg

Trong bối cảnh "chuyển đổi số" trở thành từ khóa quen thuộc ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc xây dựng văn hóa số hiệu quả. Câu nói "Văn hóa xơi tái chiến lược" (Culture eats strategy for breakfast) được nhấn mạnh trong buổi tọa đàm, khẳng định rằng văn hóa là yếu tố then chốt cho thành công của chuyển đổi số. Văn hóa số không chỉ tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu suất mà còn khơi dậy tiềm năng sáng tạo, thúc đẩy đổi mới trong kinh doanh và đời sống.

Chuyên gia Lại Tiến Mạnh phân chia sự trì trệ trong chuyển đổi số của lãnh đạo thành 3 cấp độ: chưa từng nghĩ đến, nhận thức được tầm quan trọng nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu và có ý định nhưng chưa thực hiện thực sự.

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT của Alpha Books nhấn mạnh sự cần thiết của một "cẩm nang" văn hóa số, được viết dựa trên trải nghiệm thực tiễn trong nước và kết hợp kiến thức từ các chuyên gia quốc tế.

Chính từ nhu cầu đó, ông Lê Quang Vũ đã viết Văn hóa số - Gỡ bỏ rào cản trong chuyển đổi số. Là CEO của công ty tư vấn văn hóa doanh nghiệp và truyền thông nội bộ, tác giả thường xuyên gặp những câu hỏi tuy đơn giản nhưng chạm đến giá trị cốt lõi về chuyển đổi số. Động lực này đã thôi thúc ông viết cuốn sách, với nội dung được đúc kết từ kinh nghiệm tư vấn cùng nghiên cứu các tài liệu quốc tế của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, TMForum và những chia sẻ từ các chuyên gia như David Rogers, Josh Bersin, Jacob Morgan.

Ông bắt đầu viết từ Tết 2024, dành trọn thời gian sáng tạo. Chỉ 200 trang với ngôn từ đơn giản, dễ hiểu và súc tích, cuốn sách giải đáp hầu hết thắc mắc về chuyển đổi số. Hình ảnh minh họa sinh động đem đến góc nhìn mới mẻ, truyền cảm hứng cho cá nhân và tổ chức muốn tối ưu quy trình và phát huy sáng tạo trong kỷ nguyên số.

Điều mà Lê Quang Vũ tâm đắc nhất ở cuốn sách chính là những trang viết về việc học: "Học tập là một hành trình liên tục và phải diễn ra mỗi ngày, ở mọi nơi – từ sếp, đồng nghiệp, khách hàng, đến gia đình và cả những người lạ trên đường. Quan trọng nhất là luôn sẵn sàng thích ứng nhanh, để nắm bắt và phát triển trong thời đại đòi hỏi sự tự học không ngừng".

Trước câu hỏi về mối quan hệ giữa đổi mới sáng tạo và rủi ro, tác giả khẳng định: "Giá trị của sáng tạo dựa trên ba hành vi cốt lõi: thử - sai - sửa, nghĩ - làm mới, và học liên tục. Nếu không học liên tục, chúng ta sẽ bỏ lỡ những điều quan trọng. Ba yếu tố đó cần kết hợp, đảm bảo sáng tạo hiệu quả và thực tế, cần sẵn sàng đón nhận những thất bại trong hành trình này".

Ảnh: BTC