Theo PGS Nguyễn Văn Hùng, hiện nay, khi làm đường chúng ta mới chỉ tính đến đơn giá xây dựng con đường mà chưa nghĩ đến việc làm sao tận dụng quỹ đất 2 bên đường… dẫn đến mặt phố thường bị “băm nát”.

Không phải bây giờ mới có, câu chuyện nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội đã diễn ra nhiều năm nay gây bức xúc trong xã hội và làm xấu bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị Thủ đô. Đặc biệt, trong khoảng 15 năm trở lại đây, trước việc liên tiếp các con đường mới được mở ra, nhất là các tuyến đường “đắt nhất hành tinh” thì các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo cũng đua nhau nở rộ.

Có một thực tế là, hiện nay hầu hết các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo đang tồn tại ở Thủ đô đều nằm trên mặt phố và vị trí đẹp có thể kinh doanh kiếm từ vài trục triệu đến trăm triệu đồng một tháng cho nên rất nhiều gia đình đã tận dụng để mở các cửa hàng: bán điện thoại, sim thẻ, cửa hàng bia, cửa hàng quần áo… Những căn nhà siêu mỏng, siêu méo ấy đang mang lại siêu lợi nhuận cho gia chủ.

Có lẽ cho đến bây giờ, ít ai sống trên phố Khâm Thiên (Hà Nội) lại không biết về câu chuyện của 3 chị bán hàng vỉa hè tại tuyến phố này. Trên diện tích chỉ khoảng 2m2 vỉa hè, cạnh một con ngõ nhỏ mặt phố, mỗi ngày được luân phiên cho 3 người bán hàng khác nhau: sáng bán xôi; trưa, chiều bán chè, bánh rán; tối bán bún phở… nhưng mỗi chủ hàng đều lãi hơn 10 triệu đồng một tháng. Thế nên, trong cái cảnh tấc đất tấc vàng ở Thủ đô, việc những mảnh đất nhỏ xíu còn lại sau thu hồi để mở đường được tận dụng xây nhà, cửa hàng không có gì lạ.

Thời điểm này, ngay trên đường Trường Chinh hiện tồn tại 2-3 căn nhà siêu mỏng siêu méo có diện tích chưa đầy 2m2 nhưng được gia chủ cho thuê mở cửa hàng bán sim, thẻ điện thoại. Đáng chú ý, những cửa hàng này đã tồn tại nhiều năm nay, bất chấp nỗ lực dẹp bỏ của thành phố.

Ngay mặt phố Lê Duẩn cũng có một ngôi nhà siêu mỏng với bề rộng chỉ khoảng 1m nhưng cũng được gia chủ xây lên 2 tầng kèm một tum để kinh doanh bia hơi các món nhậu.

Để có thể mở cửa hàng trên diện tích này, chủ cửa hàng khi xây nhà lên cao thì đổ mái thò ra ngoài vỉa hè tới nửa mét. Thế nhưng, quán bia “siêu mỏng” này mỗi ngày cũng thu hút rất đông khách. Đáng tiếc là trên nhiều tuyến phố của Hà Nội hiện nay lại đang nhan nhản những cửa hàng, hàng quán…kinh doanh “méo mó” như vậy.

{keywords}

Bức tường dài 1,7m được rao bán 1 tỷ đồng ở đường "đắt nhất hành tinh" - Nguyễn Văn Huyên kéo dài. (Ảnh: Tuấn Minh)

Theo báo cáo mới nhất của UBND TP Hà Nội, sau nhiều năm triển khai “trảm” nhà siêu mỏng, siêu méo đến thời điểm tháng 5/2015, trên địa bàn thành phố còn 174 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện diện tích để xây dựng hoặc đã xây thành những công trình có hình thù kỳ quái, làm xấu cảnh quan đô thị, nhưng chưa xử lý được. Ngoài ra, trên một số tuyến đường mới mở đã phát sinh thêm 442 nhà siêu mỏng, siêu méo.

Không thể “trảm” nhà siêu mỏng siêu méo do… "đất vàng"

Trao đổi với phóng viên Infonet, PGS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng cho biết, để giải quyết nhà siêu mỏng siêu méo, thành phố có thể hợp khối lại. Có nghĩa là nhà mặt tiền mà bé thì có thể thỏa thuận với nhà phía sau để hợp khối.

Tuy nhiên, để thỏa thuận được thì không hề đơn giản, một anh thì muốn bán cao và một anh thì muốn mua thấp. Vì thế, chính quyền địa phương, đoàn thể phải tham gia vào cuộc cùng với họ để có thể giải quyết vấn đề nhẹ nhàng và hòa thuận nhất.

“Khi đã có sự thỏa thuận mà không được, chúng ta có thể dùng người thứ ba đến đấu thầu và mua cả khối. Đây không chỉ vì tình làng nghĩa xóm, đây còn là vì lợi ích chung của toàn xã hội”, PGS Nguyễn Văn Hùng nói.

{keywords}

PGS Nguyễn Văn Hùng trao đổi với phóng viên Infonet. (Ảnh: Tuấn Minh)

Theo nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng, để tránh những ngôi nhà siêu mỏng siêu méo mọc ra sau mỗi dự án mở đường, khi quy hoạch con đường cần phải quy hoạch cả cảnh quan hai bên đường; phải quy hoạch tổng thể và đồng bộ.

PGS Nguyễn Văn Hùng cho rằng, hiện nay, khi làm đường chúng ta mới chỉ tính đến đơn giá xây dựng con đường mà chưa nghĩ đến làm sao tận dụng các quỹ đất ở hai bên đường để có thể bù đắp một phần hoặc toàn bộ cho chi phí đó, thậm chí là có lãi, nhất là đường đô thị. Vì những con đường mà mở ra thường đi qua những làng xóm hoặc là thôn ngõ, đất trong ngõ có đơn giá bồi thường thấp.

Khi có đường mới thì giá đất ở 2 bên đường sẽ lên rất cao. Nếu ta lấy được dải đất 2 bên đường rồi cho đấu thầu. Lượng tiền chênh lệch ấy sẽ không hề nhỏ. Nếu làm tốt sẽ có lãi mà không phải lấy tiền đầu tư công, cảnh quan 2 bên đường cũng sẽ rất đẹp và cũng không còn hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo. Để làm được điều này, trước tiên, cần phải thành lập quỹ giải phóng mặt bằng và quỹ tái định cư sớm hơn thì lúc ấy đường ra đường mà phố sẽ ra phố.

“Để có thể xóa bỏ triệt để các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ từ thực hiện đến đảm bảo quyền lợi của người dân. Hiện nay, nhiều mảnh đất, ngôi nhà tuy nhỏ nhưng có thể coi là “đất vàng”, kinh doanh mỗi tháng có thể lãi hàng chục triệu đồng. Đây là nguồn sống của không ít gia đình cho nên khi giải tỏa, thành phố phải có những chính sách hợp lý, hợp lòng dân, được nhân dân đồng thuận thì mới có thể giải quyết được vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo”, PGS Nguyễn Văn Hùng nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, để tránh những trường hợp tương tự, đơn vị làm đường phải tính đến cải tạo đô thị hai bên đường.

Cụ thể, khi mở rộng hay mở mới tuyến đường đô thị phải giải phóng 2 bên đường một khoảng đất rộng. Lúc đó sẽ xây dựng nhà cao tầng tái định cư cho dân ở vào khoảng đất rộng mỗi bên đường.

Số đất hai bên đường còn lại (có giá trị cao) cho các doanh nghiệp bất động sản vào kinh doanh. Như vậy, nhà nước vừa có nguồn thu từ các doanh nghiệp bất động sản để bù chi phí làm đường, vừa xây dựng được con đường, đồng thời có con phố đẹp, văn minh.

Theo Tuấn Minh (Infonet)