Nhận định này được ông Vũ Minh Đức, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) đưa ra tại buổi tọa đàm “Trường học hạnh phúc” do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Quỹ Happy Lof Schools tổ chức ngày 25/10. Tại tọa đàm, nhiều thầy cô, nhà quản lý giáo dục cùng đưa ra những “hiến kế” nhằm biến mô hình trường học hạnh phúc không còn là “mô hình trường học mơ ước” mà sẽ xuất hiện rộng khắp trên cả nước.
“Mong muốn về ngôi trường hạnh phúc không còn là sự mơ mộng”
Là người thuộc thế hệ 8X, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết khi còn đi học, anh và các bạn của mình không được nghe nhiều về khái niệm “trường học hạnh phúc”. Dẫu vậy, anh nói mình may mắn khi được học cạnh một ngôi trường luôn đề cao việc “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
“Sau này, tôi có hỏi bố rằng tại sao không cho tôi học ngôi trường ấy. Bố nói dù nghe “trường học hạnh phúc” có vẻ rất hay, nhưng ông lo khi vào đấy, không biết tôi sẽ được học gì và phát triển tương lai ra sao?”, GS.TS Lê Anh Vinh kể.
Anh cho rằng, quả thực thời điểm ấy, nghe về trường học hạnh phúc có vẻ mộng mơ, nhưng giờ đây nhắc đến việc phải xây dựng nên một ngôi trường hạnh phúc, không ai còn nói đó là mơ mộng nữa.
“Trường học hạnh phúc trước hết phải hướng đến việc học sinh được là chính mình, được phát triển theo khả năng của mình. Sẽ không có một lời giải duy nhất áp dụng cho các trường, nhưng sẽ có những giá trị chung nhất.
Để xây dựng được một ngôi trường hạnh phúc không phải là vai trò, trách nhiệm của riêng ai. Chính thầy cô, nhà trường, phụ huynh… đều góp phần tạo nên không gian, môi trường để trẻ con được là chính mình và phát triển theo năng lực và ước mơ của bản thân”, GS.TS Lê Anh Vinh nói.
Ông Vũ Minh Đức, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT đồng tình rằng với thế hệ 6X như ông, được đến trường đã là một niềm hạnh phúc. Nhưng ngày nay, trẻ em và thầy cô đến trường đều rất áp lực.
“Trong thời kỳ bùng nổ công nghệ và mạng xã hội, mỗi hành vi của thầy cô - dù chỉ là sơ suất rất nhỏ - cũng có thể là cơn bão trên mạng xã hội. Vì thế, các thầy cô e dè, không dám bộc lộ cảm xúc thực sự của bản thân”, ông Đức nói.
Do đó ông cho rằng, trường học hạnh phúc phải được xây dựng trên 3 tiêu chí cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Việc xây dựng trường học hạnh phúc phải xuất hiện từ nhu cầu tự thân, vì mục tiêu mang lại hạnh phúc cho học sinh chứ không phải theo phong trào hay tiêu chí thi đua, bởi điều này vô hình lại tạo thêm áp lực cho giáo viên.
“Muốn trở thành nhu cầu tự thân, việc xây dựng nội dung, cách làm, mô hình cũng cần phải tôn trọng sự khác biệt của từng đối tượng”, ông Đức nói.
‘Đứa trẻ hạnh phúc sẽ trở thành người lớn hạnh phúc’
Bà Louise Aukland, đồng tác giả môn Wellbeing của chương trình Quốc tế Oxford, cho rằng khiến học sinh hạnh phúc không chỉ là làm các em cười mà phải cho các em cảm giác thuộc về. “Ví dụ, một số trường học thường đính ảnh của học sinh lên một cái cây chung. Điều này cho các em thấy mình cũng là một phần của nhà trường”.
Ngoài ra theo bà, mô hình trường học hạnh phúc cũng cần xây dựng đủ 4 yếu tố gồm: Process (Hệ thống); People (Con người); Place (Môi trường); Principles (Nguyên tắc).
Bà Lê Thị Quỳnh Nga, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng để học sinh hạnh phúc phải đảm bảo hai yếu tố bên ngoài và bên trong. Các yếu tố bên ngoài liên quan đến sự an toàn, sạch đẹp của cảnh quan, cơ sở vật chất và các mối quan hệ xung quanh.
“Điều này sẽ phụ thuộc vào tài năng của thầy cô trong việc sử dụng các phương pháp tích cực nhằm khơi dậy sự chủ động của các em, khơi dậy giá trị về lòng nhân ái… để khiến học sinh cảm thấy hạnh phúc.
Tuy nhiên, hạnh phúc cũng là trạng thái cảm xúc của cá nhân nên hạnh phúc còn nằm trong tay các em. Do đó, học sinh cũng cần phải khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, từ đó có tư duy, hành động tích cực và lan tỏa được sự hạnh phúc tới các mối quan hệ xung quanh”, bà Nga nói.
Trong khi đó, theo bà Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Thực nghiệm, mỗi trường có thể xây dựng quy tắc ứng xử riêng tùy thuộc vào giá trị nhà trường theo đuổi. Tuy nhiên, việc xây dựng quy tắc và cách làm sẽ thể hiện sự hạnh phúc hay không.
“Ví dụ tại Trường Thực nghiệm, quy tắc ứng xử là do học sinh và thầy cô cùng xây dựng. Khi học sinh được hỏi ý kiến, các con sẽ có trách nhiệm thực hiện, còn nếu nhà trường đưa ra chưa chắc các con đã muốn thực hiện”, bà Hương nói.
Bà cũng cho rằng, tâm lý chính là cơ sở. Do đó, giáo viên cần thấu hiểu ở độ tuổi này, học sinh có tính cách như thế nào, sẽ phát triển những gì để có kế hoạch giảng dạy phù hợp. Ví dụ thay vì học liên tục, khoảng 20 phút giáo viên có thể dừng lại cho học sinh chơi trò chơi, từ đó khơi gợi cảm hứng và sự vui vẻ ở trẻ.
Các chuyên gia đều đồng tình rằng việc xây dựng một trường học hạnh phúc là điều cần thiết, bởi một đứa trẻ hạnh phúc sẽ trở thành người lớn hạnh phúc.