Làn sóng dịch lần thứ tư ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế TP.HCM, như Chủ tịch TP Phan Văn Mãi cho hay, sau 35 năm đổi mới, kinh tế TP lần đầu tăng trưởng âm (-6,7% năm 2021).

Từ phục hồi đến tăng tốc

Theo TS. Trần Du Lịch, dịch bệnh Covid-19 đã làm gãy đổ nền kinh tế của thành phố quá lớn, ảnh hưởng lên mọi mặt của đời sống xã hội. Ông cho biết, trong quý IV/2021, do tuân thủ nguyên tắc an toàn tới đâu, mở cửa tới đó nên nền kinh tế chỉ mới được phục hồi sơ bộ. 

{keywords}
TS Trần Du Lịch nói về kỳ vọng phát triển kinh tế của TP.HCM tại buổi gặp mặt các chuyên gia với lãnh đạo TP.

“Tới thời điểm này, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát rất tốt, nhất là khi các địa phương khác tuân thủ tốt hơn Nghị quyết 128 của Chính phủ thì hệ thống chuỗi phân phối cả nước tốt hơn, kinh tế TP.HCM đang có dấu hiệu phục hồi”, ông Lịch chia sẻ.

Về triển vọng 2022, ông Trần Du Lịch cho biết, với nền tảng tăng trưởng kinh tế chung của cả nước, nền tảng tài chính, ngân hàng đang lấy lại nhịp độ bình thường; việc thành phố tập trung gỡ vướng về thể chế; tăng đầu tư công và đặc biệt là gói hỗ trợ phục hồi và phát triển bền vững mà TP.HCM đang triển khai, ông tin rằng, năm 2022 kinh tế thành phố sẽ phát triển và tăng trưởng trở lại.

Theo ông Trần Du Lịch, quan trọng nhất trong việc phục hồi nền kinh tế năm 2022 là phải hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi. Phục hồi không phải trên trạng thái cũ mà phải trên tinh thần mới. Nghĩa là, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đi sâu và nhanh vào công nghệ số; cơ cấu lại doanh nghiệp để cạnh tranh tốt hơn.

“Năm 2022 vẫn chỉ là thời gian để phục hồi kinh tế tạo đà tăng trưởng từ năm 2023”, TS Trần Du Lịch cho hay.

Giữa tháng 9 vừa qua, tại hội nghị với Bộ KH-ĐT, Phó Chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan dẫn một nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế - Luật cho biết, để phục hồi kinh tế, thành phố cần khoảng 8 tỷ USD và cần từ 6-9 tháng để phục hồi kinh tế.

Còn TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế TP nhìn nhận, thành phố cần nguồn lực đủ lớn để đảm bảo khả năng phục hồi và phát triển bền vững. Theo ông Ngân, Quốc hội đã thông qua điều tiết tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại cho thành phố từ 18 lên 21% (tương đương 6.000 tỷ đồng).

Với tỷ lệ này, thành phố được giữ lại hơn 41.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các khoản thu ngân sách địa phương được hưởng 100% là gần 42.600 tỷ đồng. Tổng phần địa phương được hưởng theo phân cấp sẽ là hơn 84.120 tỷ đồng, tăng gần 22% so với dự toán 2021.

"Đây là nguồn động lực lớn để thành phố có thêm ngân sách phục vụ các mục tiêu", ông Ngân nói. 

Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, ông Ngân cho hay, thành phố phải khôi phục lại mọi hoạt động, kể cả trong nhà và ngoài trời, du lịch trong nước và quốc tế.

TS Ngân cho rằng, chỉ cần y tế được kiểm soát tốt, mọi hoạt động phục hồi lại thì kinh tế thành phố tự động bật dậy. Bởi thành phố vốn năng động, con người bươn chải, quen với “sóng gió”.

Nhưng ông Ngân cũng chỉ ra điểm vướng hiện nay chính là thủ tục hành chính. “Thành phố phải cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Khi thành phố làm tốt cải cách hành chính thì khu vực dân doanh sẽ bùng lên”, ông Trần Hoàng Ngân cho biết.

Hai giai đoạn phục hồi kinh tế

Để vực dậy nền kinh tế từ tăng trưởng âm, mới đây, UBND TP đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với 19 chỉ tiêu. Trong đó, thành phố đề ra tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) đạt 6 - 6,5%.

{keywords}
Hai kịch bản đưa TP.HCM trở lại ngôi vị “đầu tàu” kinh tế

Từ kế hoạch xây dựng trên, UBND TP chia thành hai giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế TP.

Giai đoạn 1: Phục hồi (từ nay đến hết năm 2022), khắc phục các hệ lụy, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa - xã hội trên cơ sở "Thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19".

Giai đoạn 2: Phát triển (từ năm 2023 đến năm 2025), tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố; tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh: trung tâm kinh tế, tài chính; trung tâm thương mại - mua sắm; trung tâm dịch vụ logistics; trung tâm du lịch; trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ; trung tâm dịch vụ chất lượng cao về y tế, giáo dục; trung tâm văn hóa của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Mục tiêu lớn nhất của kế hoạch này là từng bước khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội gắn với “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp từng giai đoạn.

Cụ thể, tập trung khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng từ lưu thông đến sản xuất, phân phối tiêu dùng; đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu, giao thông thuận lợi, nhanh chóng, an toàn cho người dân, người lao động; hạn chế tối đa những đứt gãy chuỗi cung ứng không đáng có.

Ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các ngành kinh tế, các động lực tăng trưởng kinh tế từ đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu tăng tốc trở lại.

Song song đó, thành phố phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. 

Đặc biệt, thành phố sẽ ưu tiên, giải quyết nhanh nhất thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ trên cơ sở đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Hồ Văn

Chủ tịch Quốc hội: Tận dụng mọi cơ hội để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội

Chủ tịch Quốc hội: Tận dụng mọi cơ hội để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội

Chủ tịch Quốc hội gợi mở, Cà Mau cần bám sát yêu cầu của gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ phục hồi kinh tế, xã hội và tình hình cụ thể để tận dụng tối đa nguồn lực.