Chiều nay (22/9), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì giao ban giữa Sở Chỉ huy TP với Sở Chỉ huy các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn về triển khai thực hiện Chỉ thị 22 của UBND TP.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Đoàn Bổng |
Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay, đến thời điểm này, dịch bệnh của Hà Nội không bùng phát lên đã là một thành công.
Tuy nhiên, để trở về “Zero Covid” là rất khó, bởi dịch vẫn còn lẩn khuất trong cộng đồng; đã xâm nhập vào các chuỗi như lái xe, shipper… Hơn nữa, tình hình dịch trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp.
Ông Phu phân tích, sau khi tiêm 1 mũi vắc xin thì miễn dịch còn kém, tiêm đủ 2 mũi mới đủ miễn dịch, nhưng cũng chỉ giảm lây nhiễm, giảm nguy cơ trở nặng chứ không đảm bảo hoàn toàn không lây nhiễm và khả năng truyền bệnh giữa người tiêm và chưa tiêm là giống nhau, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm cho trẻ em, người già, người có bệnh nền,...
Trước ý kiến Hà Nội nên nghiên cứu cấp thẻ xanh cho người tiêm đủ 2 mũi vắc xin, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng TP không nên nóng vội, cần cân nhắc kỹ lưỡng để giữ vững thành quả phòng, chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, từ ý kiến chia sẻ của các chuyên gia y tế cho thấy, việc tiêm vắc xin là cần thiết để tạo miễn dịch cộng đồng, song không vì thế mà người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin lại chủ quan, lơ là.
Ông Dũng nhấn mạnh, việc người dân và phương tiện đổ về các tuyến phố trung tâm của Hà Nội để vui Tết Trung thu trong tối 21/9 là hình ảnh không đẹp đối với công tác phòng, chống dịch của TP. Qua việc này cho thấy một số địa phương của TP chưa thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch.
Phó Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thành, xây dựng kế hoạch và triển khai Chỉ thị 22 của UBND TP, đảm bảo rõ người, rõ việc, trong đó phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, cần tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, thông điệp 5K, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Các địa phương cần tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát tại khu dân cư để nắm tình hình di biến động.
Chỉ thị 22 cũng nêu rất rõ, các quận, huyện phải triển khai nghiêm túc, tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý các trường hợp vi phạm; nhất là tại các trung tâm thương mại, các cửa hàng, dịch vụ trong trung tâm thương mại chỉ được hoạt động theo đúng danh mục tại Chỉ thị 22 và cần đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch, giữ khoảng cách, thực hiện 5K, phải có quét mã QR Code, cơ sở nào vi phạm kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động.
Ông Chử Xuân Dũng cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, triển khai kế hoạch tiêm vắc xin. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tác dụng của tiêm vắc xin, tránh chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch sau khi đã tiêm vắc xin theo khuyến cáo của các cơ quan y tế.
Kiện toàn Ban Chỉ đạo TP Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19 Ngày 22/9, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo TP Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19. Ban Chỉ đạo gồm 21 thành viên, do Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh làm Trưởng ban; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo. Quyết định cũng bao gồm thành lập 6 tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo TP, gồm: Tiểu ban Y tế; Tiểu ban An ninh, trật tự xã hội; Tiểu ban Tài chính, hậu cần; Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa; Tiểu ban Dân vận, vận động, huy động xã hội và an sinh xã hội; Tiểu ban Truyền thông. |
Hương Quỳnh
Phó Bí thư Hà Nội: Sau tối Trung thu, thành quả chống dịch bị thách thức
Theo Phó Bí thư Hà Nội Nguyễn Văn Phong, việc tối Trung thu người dân đổ ra đường đông thể hiện sự chủ quan, coi thường sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.