Tiến sỹ Phạm Đắc Bi, một trong những chuyên gia đầu tiên nghiên cứu về truyền hình kỹ thuật số ở Việt Nam đã đưa ra lộ trình tắt sóng truyền hình analog giai đoạn 2 như sau: Những tỉnh nào hiện nay đã có sóng DVB-T2 thì nên cho cắt luôn sóng analog. Ví dụ, ở đồng bằng Sông Hồng có Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định và Bắc Ninh.
Theo phân tích của ông Phạm Đắc Bi, chương trình của Đài PT-TH Thái Bình hiện đang có tới 3 đơn vị phát sóng, gồm: RTB, VTV (phát từ máy K25 từ Nam Định), VTC (phát từ máy phát đặt tại Đài PT-TH Thái Bình). Chương trình của Đài PT-TH Nam Định, VTV đang phát từ máy phát K25 từ cột 160m tại Đài PT-TH Nam Định. Chương trình của Đài PT-TH Hà Nam đã được RTB phát từ máy phát K48 đặt tại Đài PT-TH Hà Nam.Do vậy, Nhà nước chỉ cần sớm hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo và cận nghèo ở các tỉnh này là có thể tắt sóng analog được. Công ty RTB cũng cần khảo sát nơi nào còn vùng lõm, người dân không thu được sóng của tỉnh họ, thì nên có trạm phát công suất nhỏ.
Một lãnh đạo của công ty AVG cũng đề nghị, Bộ TT&TT cần xem xét phủ sóng kết hợp giữa truyền hình mặt đất và truyền hình vệ tinh ngay từ khi triển khai giai đoạn 2 này. Theo vị lãnh đạo này, chi phí để triển khai phát sóng truyền hình số qua vệ tinh không quá nhiều, thấp. Đặc biệt là các tỉnh có địa hình phức tạp, như có cả đồng bằng và miền núi, thì chỉ nên lắp trạm phát sóng truyền hình mặt đất ở các điểm gần trung tâm, còn những khu vực thưa dân cư thì dùng luôn truyền hình vệ tinh.
Vị lãnh đạo này cũng cho hay, hiện nay ở Khánh Hòa AVG chỉ có 1 trạm phát chính mà cũng không triển khai thêm các trạm lặp. Vì do đặc điểm ở Khánh Hòa mật độ dân số rất thưa. Trong khi để duy trì vận hành cho một trạm phát sóng cần phải có 5.000 thuê bao mới đủ để duy trì cho chi phí vận hành cho hệ thống, chưa kể phần phải đầu tư ban đầu.
Vì vậy, một số khu vực như ở Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Thuận, Bình Thuận, và các tỉnh miền núi và Tây Nguyên cần tính đến việc số hóa truyền hình vệ tinh thay vì phải chi phí đầu tư lớn để thiết lập các trạm phát sóng mặt đất, mà khai thác lại không hiệu quả.
Tại khu vực phía Nam, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, do đặc thù ở phía Nam phần lớn là đồng bằng, cho nên có một số tỉnh thuộc giai đoạn 2 nhưng hiện nay đã phủ sóng truyền hình số DVB-T2. Ví dụ, tại Đồng Nai đã tắt sóng truyền hình analog từ hơn 1 năm nay. Còn hai Đài PT-TH Bạc Liêu và Cà Mau (thuộc giai đoạn 3) cũng chính thức đề nghị SDTV phát sóng số DVB-T2 cho các đài này ngay từ giai đoạn 2 để đẩy nhanh tiến độ số hóa truyền hình. Ông Hòa đề xuất, gộp giai đoạn 2 và giai đoạn 3 làm một ở khu vực đồng bằng Nam Bộ, bởi vì theo kế hoạch SDTV sẽ hoàn thành phủ sóng toàn bộ khu vực đồng bằng Nam Bộ vào cuối năm nay.
Sau khi ICTnews đăng ý kiến của các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng đề nghị chia nhỏ lộ trình tắt sóng truyền hình analog giai đoạn 2, có rất nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất này. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến còn tỏ ra băn khoăn khi cho rằng: Tắt sóng analog làm nhiều giai đoạn sẽ xảy ra tình trạng nhiễu sóng giữa những khu vực chồng lấn sóng. Thêm vào đó, khi vùng phủ sóng số DVB-T2 mà chất lượng chưa tốt thì khi tắt sóng analog sớm người dân khá giả sẽ chuyển sang dùng truyền hình trả tiền luôn. Vì hiện nay các đơn vị phát sóng số DVB-T2 chưa lắp trạm phát sóng đầy đủ mà chỉ có các thành phố lớn. Nhiều thành phố lớn cũng có nhiều nơi bị lõm sóng vì bị vướng núi, nhà cao tầng.
Theo đề xuất mới đây của Cục Tần số Vô tuyến điện, giai đoạn 2 sẽ thực hiện số hóa truyền hình tại 12 tỉnh có thuận lợi trong triển khai truyền hình mặt đất gồm: Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang. Số hóa truyền hình một phần các tỉnh đang được phủ sóng truyền hình analog mặt đất bằng các trạm phát chính tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Phúc.
Các địa bàn sẽ số hóa sau giai đoạn 2 (có thể là giai đoạn 3 hoặc giai đoạn 4) bao gồm: toàn bộ 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và các địa bàn đang phủ sóng truyền hình analog bằng các trạm phát lại tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Phúc.