Hôm qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chủ trì Hội nghị lắng nghe ý kiến chuyên gia về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế.
Góp ý tại hội nghị, hầu hết các chuyên gia đồng tình quan điểm nên dừng xét nghiệm diện rộng, vì quá tốn kém, chỉ nên xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm. Việc truy tìm F0 để tách khỏi cộng đồng cũng là cách làm không phù hợp trong tình hình hiện nay.
Chuyên gia TP.HCM không đồng tình việc xét nghiệm diện rộng |
Cụ thể, GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Y Dược TP.HCM đề xuất TP.HCM nên thảo luận với Bộ Y tế để có biện pháp phù hợp hơn với TP.HCM.
Ông cho rằng, rất khó quét sạch F0 ra khỏi cộng đồng, nên việc tiếp tục xét nghiệm đi lại nhiều lần vừa tốn kém, vừa không hiệu quả. Trong giai đoạn này, theo ông Tuấn, TP chỉ nên xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm các ca nghi ngờ, có triệu chứng và có nguy cơ cao.
“TP.HCM nên tập trung cho việc nới lỏng giãn cách sau 30/9 với hai cách tiếp cận là đẩy nhanh bao phủ vắc xin và can thiệp sớm khi phát hiện F0. Nên tập trung nguồn lực cho việc bao phủ vắc xin để tạo ra miễn dịch cộng đồng”, ông Tuấn đề xuất.
Còn TS. Lê Trường Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định, tình hình hiện nay đã khác, TP.HCM nên tập trung phòng, chống dịch với thông điệp là "Thuốc + vắc xin + 5K".
Theo ông, xét nghiệm là để tìm ra F0 can thiệp sớm, tránh chuyển nặng, giảm tử vong. Do đó, xét nghiệm chỉ tập trung vào nhóm nguy cơ (người già, bệnh lý nền) và có triệu chứng để điều trị kịp thời.
Đồng quan điểm trên, PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược TP.HCM để nghị thành phố không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng vì rất tốn kém, chỉ tập trung lấy mẫu những người nguy cơ cao, triệu chứng.
Theo ông Dũng, thay vì xét nghiệm diện rộng, TP nên tập trung tiêm vắc xin cho nhóm nguy cơ cao; phát triển mô hình chăm sóc, điều trị F0 tại nhà hiệu quả và đảm bảo cơ sở y tế đủ ô xy cho người bệnh. Cách làm này thời gian qua đã kéo giảm số bệnh nhân tử vong rõ rệt.
Nhiều chuyên gia khác cùng nhận định, việc xét nghiệm trên diện rộng là để tách và chuyển F0 đi nơi khác nhằm giữ khu dân cư xanh. Tuy nhiên, việc truy vết phải thực hiện nhiều vòng vì kết quả xét nghiệm chỉ giá trị trong 3 ngày.
Nếu cứ thực hiện mãi cách này cũng không thể quét sạch F0, lãng phí nguồn lực, cần phải tập trung chiến lược bao phủ vắc xin, tập trung chăm lo an sinh xã hội.
Qua lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, TP sẽ tiếp thu để xây dựng chiến lược phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình.
Trên quan điểm của nhiều chuyên gia, ông Nên nhận định, tình hình hiện nay TP không thể không mở cửa vì sức chịu đựng của xã hội đã đến giới hạn, nền kinh tế đã bị tổn thương.
“Không thể đóng mãi, phải mở cửa phục hồi kinh tế. Mở cửa trên nguyên tắc an toàn tới đâu, mở cửa tới đó. Đi kèm là củng cố hệ thống y tế tận cơ sở, chăm lo an sinh cho người dân”, Bí thư TP nhấn mạnh.
Bí thư TP.HCM: Cần phục hồi kinh tế, không thể 'đóng cửa' mãi
Đồng tình với nhận định sức chịu đựng của xã hội đến hạn, nền kinh tế cũng tổn thương, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, phải chuẩn bị kỹ chiến lược y tế trong thời kỳ bình thường mới để "mở cửa" phục hồi kinh tế.
Hồ Văn