Đây là lưu ý của BS CK1 Trần Nhân Nghĩa, Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp, Khoa Nội Tim mạch - BV ĐKKV Thủ Đức về nhồi máu cơ tim cấp.

Thêm cơ hội nhờ phát hiện sớm

Bệnh nhân nam 50 tuổi, có tiền sử bệnh tăng huyết áp uống thuốc thường xuyên. Khoảng 2 giờ sáng ngày 5/2/2021 bệnh nhân đang ngủ tại nhà thì đột ngột đau ngực dữ dội kèm khó thở, được người nhà đưa vào phòng cấp cứu Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức.

Bác sĩ tại phòng cấp cứu khám và ghi nhân bệnh nhân có tình trạng đau ngực nhiều sau xương ức, đau kiểu đè nặng tức kèm vã mồ hôi, tay chân lạnh, mạch chậm khoảng 35 - 40 lần/phút, huyết áp thấp (80/50). Đặc biệt trên điện tâm đồ đo tại phòng cấp cứu, bác sĩ  phát hiện có dấu hiệu của bệnh lí nhồi máu cơ tim cấp thành dưới kèm theo biến chứng tắc nghẽn hoàn toàn dẫn truyền dòng điện giữa tâm nhĩ và tâm thất (Block AV độ III).

Nhận định đây là một trường hợp đặc biệt nặng, có nguy cơ tử vong cao nếu không xử trí can thiệp kịp thời, các bác sĩ cấp cứu đã nhanh chóng xử trí hồi sức bước đầu và cố gắng kiểm soát tình trạng rối loạn tuần hoàn của bệnh nhân.

Dựa vào mốc thời gian khởi phát triệu chứng đau ngực tại nhà, các bác sĩ cấp cứu xác định đây là một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp đến bệnh viện sớm trong khung “giờ vàng”, toàn bộ ekip bác sĩ và điều dưỡng thuộc đơn vị Tim mạch can thiệp đã tham gia hội chẩn và thông báo khẩn và quy trình chụp, can thiệp mạch vành cấp cứu của bệnh viện đã được kích hoạt ngay lập tức. Sau khi có được sự đồng ý của đại diện người nhà thì bệnh nhân được chuyển vào phòng chụp mạch máu số hoá xoá nền để tiến hành can thiệp mạch vành cấp cứu ngay trong đêm.

{keywords}
Điện tim đồ có dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp

Tại phòng thủ thuật chụp mạch máu số hoá xoá nền (DSA), các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành đặt máy tạo nhịp tim tạm thời qua đường tĩnh mạch song song với việc chụp mạch vành để xác định tình trạng tắc nghẽn của các  mạch máu nuôi tim.

Kết quả chụp mạch vành phát hiện có tình trạng tắc nghẽn hoàn toàn đoạn giữa  động mạch vành phải do các cục máu đông chèn vào trên nền tảng mạch máu bị xơ vữa hẹp nặng. Các bác sĩ can thiệp đã hút ra nhiều cục máu đông trong lòng mạch vành tim, đây chính là thủ phạm gây nhồi máu cơ tim cấp và đồng thời thực hiện đặt một stent có phủ thuốc vào tổn thương hẹp khít trong lòng mạch, tái thông hoàn toàn được dòng máu nuôi tim.

{keywords}
Mạch vành phải bị tắt hoàn toàn đoạn giữa (mũi tên đỏ)

 

{keywords}
Hình ảnh cục máu đông được hút ra từ trong lòng mạch vành (trong vòng tròn vàng)

Ngay sau khi can thiệp đặt stent thành công, tình trạng lâm sàng bệnh nhân cải thiện rõ rệt, nhịp tim phục hồi hoàn toàn về nhịp xoang, huyết áp tăng dần trở về mức  bình thường mà không cần phải sử dụng các thuốc vận mạch. Bệnh nhân tỉnh táo, hết đau ngực, hết khó thở. Trên điện tim đồ đo lại ngay sau can thiệp đặ stent ghi nhận dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp gần như biến mất so với lúc mới vào. Bệnh nhân được tiếp tục theo dõi sát tại phòng hồi sức tim mạch trong tình trạng sức khoẻ ổn định hoàn toàn.

{keywords}
Hình ảnh tái thông hoàn toàn mạch vành phải sau can thiệp đặt stent (mũi tên đỏ)

Tầm soát bệnh mạch vành miễn phí ở bệnh viện ĐKKV Thủ Đức

Nhồi máu cơ tim cấp là một tình trạng bệnh lí cấp cứu có tỉ lệ tử vong rất cao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hiện nay với sự phát triển của chuyên ngành tim mạch can thiệp, đặc biệt là kỹ thuật can thiệp mạch vành cấp cứu đã góp phần làm giảm được đáng kể tỉ lệ tử vong của nhồi máu cơ tim, đồng thời cải thiện được tiên lượng sức khoẻ của người bệnh về lâu dài.

Tại bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức trong gần một năm qua đã triển khai thường quy các kĩ thuật chụp và can thiệp mạch vành chương trình và cấp cứu 24/7. Bệnh viện đã thực hiện tổng cộng hơn 900 lượt chụp và can thiệp mạch vành, trong đó có gần 30 trường hợp can thiệp cấp cứu nhồi máu cơ tim cấp, đặc biệt có những trường hợp bệnh nhân đến trễ, lớn tuổi, có rối loạn huyết động như tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim nguy hiểm, suy tim, đe doạ tử vong trước và trong lúc làm thủ thuật…. đã được can thiệp mạch vành thành công. Sau can thiệp đặt stent, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn và quay trở lại sinh hoạt, lao động làm việc như trước.

Tuy nhiên, với bệnh lí nhồi máu cơ tim cấp, nếu bệnh nhân đến bệnh viện trễ trên 12 giờ hoặc sau 24 giờ kể từ khi có triệu chứng khởi phát đầu tiên như đau ngực, khó thở, vã mồ hôi, choáng váng… việc điều trị sẽ phức tạp và tốn kém hơn nhiều, kết quả sau cùng chưa hẳn đã như mong đợi. Do đó mỗi người dân phải thường xuyên lưu ý các dấu hiệu cảnh báo, phải tìm ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ khám và phát hiện sớm tình trạng nhồi máu cơ tim cấp và được điều trị thích hợp theo các hướng dẫn của Bộ y tế trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải không quên phòng bệnh bằng cách nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, xây dựng một lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, hạn chế rượu bia, tuyệt đối không hút thuốc lá. Thường xuyên đi khám bệnh định kì, tuân thủ đúng các phác đồ điều trị của bác sĩ, kiểm soát thật tốt  bệnh lí nền như béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh mạch vành mạn…

{keywords}
 

Nhằm tăng cường công tác phòng bệnh và hỗ trợ giáo dục sức khoẻ cho cộng đồng, tại bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức đang tổ chức định kì chương trình khám tầm soát bệnh mạch vành miễn phí vào mỗi cuối tháng, dành cho những người bệnh đái tháo đường đang khám chữa bệnh ngoại trú tại bệnh viện.

Mỗi bệnh nhân trong chương trình khám tầm soát bệnh mạch vành miễn phí đều được xét nghiệm máu, siêu âm tim màu, đo điện tim đồ và được các bác sĩ tim mạch thăm khám trực tiếp nhằm phát hiện sớm bệnh lí mạch vành, từ đó giúp cho người bệnh được chăm sóc và  điều trị một cách tốt nhất.

BS CK1 Trần Nhân Nghĩa

(Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp, Khoa Nội Tim mạch - BV ĐKKV Thủ Đức)