TS Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyen), chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai vừa có những nhận định ban đầu về đợt mưa lớn sắp tới xảy ra suốt dọc miền Trung.
VietNamNet xin đăng tải để bạn đọc có thể tham khảo và có kế hoạch phòng chống cũng như ứng phó hợp lý, không để bị động.
Tôi nhận thấy mưa lớn có thể gây ngập lụt diện rộng ở miền Trung, khu vực từ Khánh Hoà trở ra tới Quảng Trị trong giai đoạn từ 25/11 đến 6/12/2023.
Đợt mưa này đã được tôi nhắc đến từ 10/11 (trước đợt lụt ở Huế vừa qua). Tôi có khuyên mọi người là nếu đã kê cao đồ đạc thì khoan đưa xuống, vì chúng ta phải đón một đợt mưa lớn mới từ khoảng 25/11.
Trong đợt mưa này, mưa lớn bắt đầu xuất hiện từ Khánh Hòa vào khoảng tối 24 và ngày 25/11, sau đó lan dần ra các tỉnh Trung và Bắc Trung Bộ.
Mưa theo hình thức “cuốn chiếu” từ Nam Trung Bộ ra Trung Bộ tới Bắc Trung Bộ và lặp lại từ Bắc Trung Bộ vào Nam Trung Bộ. Mưa có thể tập trung nhất vào khoảng các ngày 26 - 27/11 ở khu vực Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, TT-Huế và có thể tới Quảng Trị. Mưa lớn có thể lan tới cả Quảng Bình và Hà Tĩnh trong giai đoạn này. Ở mỗi tỉnh thành, mưa lớn có thể xảy ra trong khoảng 2-3 ngày liên tục sau đó lại lặp lại tương tự vòng tiếp theo.
Hình thái mưa của đợt này rất giống với đợt mưa gây lụt diện rộng vào tháng 10/2020. Mưa do đới gió Đông Nam mang hơi ẩm từ Biển Đông đi vào đất liền gặp không khí lạnh và địa hình núi cao chắn lại.
Nguy cơ ngập lụt rất cao có thể xảy ra khi mà các ngày 27-28/11 rơi đúng vào khoảng thời gian trăng tròn, thuỷ triều đang rất cao khiến nước lụt từ trong đất liền khó thoát ra biển nhanh được.
Nguy cơ sạt lở đất cũng xảy ra rất cao vì mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Đất ở các quả đồi ngấm đủ nước trở nên nặng và nhão khiến việc xảy ra sạt lở cao hơn.
Lập kế hoạch kê cao đồ đạc và phương án chạy lụt
Bà con sống ở vùng thấp trũng từ Khánh Hoà tới Quảng Trị, nơi đã từng ngập lụt năm 2020 lưu ý lập kế hoạch kê cao đồ đạc. Kê cao hơn mức lụt năm 2020. Đặc biệt chú ý lập phương án để di chuyển các tài sản có giá trị như ô tô, xe máy, thóc lúa, nông sản, gia súc, gia cầm.
Khi nhận thấy mưa lớn và nguy cơ ngập lụt xảy ra thì hành động theo kế hoạch. Lưu ý là lập phương án và kế hoạch trước, hành động ngay khi nguy cơ sắp xảy ra.
Bà con có ao nuôi thuỷ sản, lồng bè nuôi thuỷ sản ven sông, ven biển lưu ý phương án neo đậu, đánh tỉa thuỷ sản có kích thước lớn. Đề phòng thuỷ sản bị sốc nước ngọt và nước lũ về.
Tôi mong muốn các hồ chứa thuỷ lợi và thuỷ lợi có kế hoạch hạ mực nước hồ chứa theo kịch bản lượng mưa để khi mưa lớn xảy ra nước hồ chứa không đầy và có thể tham gia quá trình vận hành cắt lũ. Không đợi nước tràn hồ mới xả, khi đó, mưa lớn đang xảy ra dưới hạ lưu kết hợp thuỷ triều đang cao thì nước không thể thoát ra biển kịp
Các công trình thuỷ lợi lớn, nhỏ đang xây dựng dở dang cần khơi thông các đập tạm để nước chảy tự nhiên, tránh tích nước ở các đập tạm sẽ gây lũ liên hoàn trên sông.
Người dân tham gia cùng chính quyền địa phương khơi thông các cống rãnh ở khu dân cư để hệ thống thoát nước vận hành tốt trong khi mưa lũ xảy ra.
Ở các vùng trung du và miền núi, khi nhận thấy mưa lớn xảy ra quá 3 ngày thì đề phòng sạt lở nếu ở các khu vực có taluy âm và taluy dương.
Tích trữ nhu yếu phẩm gồm: chất đốt, nước uống, lương thực, thực phẩm ăn nhanh, đèn pin, thiết bị lưu trữ điện cho sạc điện thoại và đèn chiếu sáng,… Khi lụt xảy ra thường mất điện nên việc lưu trữ điện để giữ thông tin liên là rất quan trọng.
Sử dụng các vật nổi như can nhựa, bình chứa nước từ 10 lít trở lên, phao từ săm ô tô,.. khi có sự cố mưa lụt xảy ra.
Lưu ý rằng các việc trên cần được lên kế hoạch trước. Khi thấy nguy cơ gần xảy ra thì hành động theo kế hoạch.
Dù việc lũ lụt chưa xảy ra và có thể không, nhưng việc đề phòng và lên kế hoạch là cần thiết. Bà con lưu ý theo dõi các bản tin cập nhật để có các hành động sớm ứng phó thiên tai.
Lưu ý theo dõi các bản tin cập nhật vì lượng mưa, thời gian mưa và vùng mưa có thể thay đổi và được cập nhật ở các bản tin sau.
Bà con cũng không nên lo lắng! Chúng ta đón nhận bản tin dự báo rủi ro thiên tai là để có cách phòng chống và ứng phó tốt hơn.
Việc đầu tiên là lập kế hoạch, sau đó mới hành động. Có những việc nhỏ mà không tốn tiền có thể làm liền. Những việc lớn hơn và tốn tiền tốn sức thì cân nhắc về cách làm và chỉ làm khi nguy cơ xảy ra rõ ràng hơn. Tính toán kỹ khoảng thời gian cần làm việc đó mất bao lâu và quyết định làm trước khi lụt xảy ra.
Lưu ý ưu tiên bảo vệ tính mạng, sau đó đến tài sản trong nhà và tài sản bên ngoài nhà.