Tại thời điểm viết bài, đồng tiền mã hoá lớn nhất thị trường đang giao dịch quanh 20.100 USD. Trường hợp Bitcoin về giá 13.000 USD sẽ tương đương mức sụt giảm gần 40% so với hiện tại.
“Chúng tôi cho rằng lực bán sẽ tiếp tục diễn ra với các tài sản mã hoá trong bối cảnh hiện nay”, Ian Harnett, CEO đồng thời là trưởng nhóm đầu tư của ASR cho biết. “Chúng tôi nhận thấy Bitcoin không phải tiền tệ, cũng không phải hàng hoá và chắc chắn không phải là nơi lưu trữ giá trị”.
Giải thích về dự báo này, Harnett nói rằng sau các đợt tăng giá, Bitcoin thường có xu hướng giảm 80% từ đỉnh cao vừa lập. Chẳng hạn, trong năm 2018, đồng tiền giảm về gần 3.000 USD sau khi đạt đỉnh xấp xỉ 20.000 USD vào cuối năm 2017.
Theo đó, một đợt sụt giảm như vậy trong năm 2022 “sẽ đưa Bitcoin này xuống còn khoảng 13.000 USD”, đây cũng là “vùng hỗ trợ quan trọng” đối với đồng tiền.
“Khi dòng tiền đang dồi dào, Bitcoin sẽ hoạt động tốt. Thế nhưng, khi dòng tiền bị rút đi, điều mà các ngân hàng trung ương đang làm như hiện nay, thì áp lực đặt lên những thị trường này là rất lớn”.
Lĩnh vực crypto đang đứng trên bờ vực, khi lãi suất liên tục tăng cao tác động mạnh vào những tài sản từng thăng hoa dưới thời chính sách tiền tệ siêu lỏng.
Tuần trước, Cục dự trữ liên bang Mỹ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994, kéo theo động thái tương tự từ ngân hàng trung ương Anh và Thuỵ Sĩ.
Tính theo năm, Bitcoin đang mất hơn 50% giá trị. Trong khi đó, chỉ riêng 2 tuần qua, vốn hoá các tài sản mã hoá đã bay hơi 350 tỷ USD.
Tình trạng lạm phát không phải là mũi kiếm duy nhất chĩa vào thị trường crypto. Niềm tin của nhà đầu tư cũng đang bị lung lay với hàng loạt những cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên thị trường, như vụ sụp đổ hơn 60 tỷ USD của đồng ổn định phổ biến TerraUSD hay nguy cơ phá sản của những công ty lớn trong ngành như Celsius và Three Arrows Capital.
Vinh Ngô (Theo CNBC)