Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, việc ứng dụng AI vào vận hành tạo đòn bẩy cho các công ty bảo hiểm đáp ứng kì vọng của khách hàng, giải quyết nhiều thách thức mới. AI và AI tạo sinh (viết tắt là GenAI), có tiềm năng tích hợp vào tất cả các bước trong hành trình mua của khách hàng. Từ gia tăng nhận thức, tìm hiểu, cung cấp thông tin về các gói bảo hiểm, quyền lợi bảo hiểm với Trợ lý ảo đa kênh (chatbot, voicebot); đến cách thức mua bảo hiểm trên nền tảng số cùng giải pháp định danh trực tuyến eKYC.
Thực tế, nhiều quy trình dịch vụ, quản lý khiếu nại bảo hiểm đã được tối ưu, mang đến trải nghiệm tiện lợi cho khách hàng. Theo báo cáo “Insurance CEO Outlook” thực hiện bởi KPMG tháng 12/2023, 75% CEO trong ngành bảo hiểm khẳng định triển vọng tăng trưởng của ngành sau khi ứng dụng AI vào thực tế; 58% CEO tự tin đạt lợi nhuận đầu tư cho AI trong 5 năm tới.
Trong sự kiện Insurance Summit 2024 với chủ đề “Hành trình chuyển đổi số ngành Bảo hiểm lấy khách hàng làm trung tâm”, Giám đốc Tư vấn chiến lược AI, FPT Smart Cloud - ông Lê Dương Minh Đức cũng khẳng định: “Từ khoản đầu tư ban đầu vào AI, các công ty bảo hiểm có thể khai thác giá trị gia tăng và nhận được vô số lợi ích tiềm năng mà AI mang lại, từng bước đổi mới, tái tạo doanh nghiệp, bởi đầu tư cho AI là đầu tư lâu dài vào một hệ thống vận hành tự động, có khả năng thông minh hơn theo thời gian.”
Gây ấn tượng mạnh và nhận được nhiều sự quan tâm trong phần triển lãm công nghệ tại Insurance Summit 2024 là nền tảng Trí tuệ nhân tạo dành cho doanh nghiệp FPT.AI, được phát triển bởi công ty FPT Smart Cloud, thành viên tập đoàn FPT. Hiện nay, FPT.AI là đối tác công nghệ, cung cấp các giải pháp AI tiên tiến nhất cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam như Bảo Việt, Prudential, AIA, FWD, Dai-ichi Life...
FPT.AI cung cấp giải pháp Trợ lý ảo AI gồm chatbot (FPT AI Chat) và voicebot (FPT AI Engage) có khả năng tự động hỗ trợ khách hàng giải quyết các tác vụ sơ cấp thường gặp trên nhiều kênh như Facebook Messenger, Zalo, Livechat website và tổng đài chăm sóc khách hàng, nhằm tối ưu khối lượng công việc của các tư vấn viên, gia tăng hiệu suất làm việc.
Gần đây, FPT.AI đã triển khai chatbot cho công ty bảo hiểm Dai-ichi Life, có khả năng hỗ trợ quy trình bán hàng và chăm sóc khách hàng, trả lời thông tin sản phẩm bảo hiểm mới..., giúp tăng 38% năng suất hoạt động nội bộ với 98% các yêu cầu được xử lí.
Công tác số hoá hợp đồng bảo hiểm và xử lý hàng trăm loại giấy tờ trong khiếu nại, bồi thường cũng được giải quyết hiệu quả với giải pháp FPT AI Read, cho phép công ty bảo hiểm tự động hoá việc xử lí các tài liệu có cấu trúc và phi cấu trúc theo đặc thù của doanh nghiệp. Ngoài ra, khách hàng có thể dễ dàng định danh điện tử với FPT AI eKYC và video KYC để yêu cầu bồi thường trực tuyến một cách vô cùng đơn giản, tiện lợi.
Bên cạnh đó, AI và GenAI có thể giúp các công ty bảo hiểm đánh giá rủi ro chính xác hơn bằng cách phân tích lượng lớn dữ liệu như dữ liệu yêu cầu bồi thường lịch sử, điểm tín dụng..., từ đó có những chiến lược phù hợp nhằm cung cấp các sản phẩm bảo hiểm được cá nhân hóa tới khách hàng, với chính sách giá hợp lý hơn. Đặc biệt, AI là công cụ vô cùng quan trọng trong quản lý tuân thủ và giảm thiểu rủi ro của các công ty bảo hiểm. Bằng cách tự động hoá giám sát, phân tích nhiều mẫu dữ liệu để xác định hoạt động đáng ngờ, hệ thống AI sẽ nhanh chóng đưa ra các cảnh báo, giúp công ty bảo hiểm đánh giá chính xác yêu cầu bồi thường, hạn chế phí bồi thường gian lận bảo hiểm.
Hàng loạt công ty bảo hiểm lớn trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đang chuyển trạng thái từ cân nhắc thành trạng thái cấp thiết trong việc ứng dụng AI, nhằm duy trì khả năng cạnh tranh, giữ chân khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới. Đây được coi là cơ hội để các doanh nghiệp xem xét lại quy trình vận hành, giải phóng sự sáng tạo và khai phá tối đa hiệu suất hoạt động, đồng thời giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số và hiện đại hoá ngành bảo hiểm.
Tìm hiểu thêm về các giải pháp AI cho ngành bảo hiểm tại: https://fpt.ai/vi/use-cases/bao-hiem/ |
Bích Đào