Thứ hai tuần này, 30/9, nhà máy sản xuất smartphone cuối cùng của của Samsung ở Huệ Châu, Trung Quốc đã chính thức đóng cửa. Động thái này gần như khép lại cánh cửa bước vào thị trường điện thoại sôi động nhất thế giới đối với gã khổng lồ Hàn Quốc. Tuy nhiên, đối với những công nhân từng làm việc cho Samsung tại nhà máy này, cơ hội và tương lai của họ liệu cũng đã khép lại hay mới chính thức bắt đầu?

Năm 1992, Trung Quốc và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao và Samsung Electronics đã đầu tư 52 triệu USD để thành lập Công ty TNHH Điện tử Samsung Huệ Châu. Tính đến năm 2007, Samsung đã đầu tư tổng cộng 6,1 tỷ USD vào Trung Quốc, sử dụng hơn 60.000 lao động. Ngay cả tên công ty cũng đổi từ "Samsung Trung Quốc" thành "Trung Quốc Samsung", cho thấy quyết tâm "xây dựng một Samsung thứ hai tại Trung Quốc".

Tuy nhiên, ở hiện tại, do các yếu tố như chi phí lao động tăng, Samsung đang tìm kiếm các lựa chọn hiệu quả hơn trong việc sản xuất điện thoại di động. Điển hình như việc mở thêm các nhà máy ở Việt Nam, Ấn Độ...

Chuyện gì xảy ra với những công nhân tại nhà máy smartphone cuối cùng của Samsung ở Trung Quốc? - Ảnh 1.

Nhà máy Samsung ở Huệ Châu, nhìn từ trên cao.

Liên quan đến việc đóng cửa nhà máy thì tháng đầu tháng 3 năm nay, Samsung Huệ Châu đã ngừng tuyển dụng lao động mới và bắt đầu quá trình sa thải bớt nhân sự từ đầu tháng 6. Kể từ đó, ban quản lý nhà máy thường xuyên xuất bản các thông báo tuyển dụng của các công ty điện tử khác trong khu vực, thông qua tài khoản WeChat chính thức của công ty. Nhiều cuộc họp công khai cũng được tổ chức trong thời gian này, nhằm giúp các nhân viên "tìm lối thoát khác".

Do đó theo quan điểm của nhiều người, việc đóng cửa nhà máy từ lâu đã là một dấu hiệu được báo trước, cũng như việc "tái định cư" cho các nhân viên khá hợp lý, khiến quá trình đóng cửa không gây nhiều bất ngờ hay sự tức giận.

Chuyện gì xảy ra với những công nhân tại nhà máy smartphone cuối cùng của Samsung ở Trung Quốc? - Ảnh 2.

Cổng chính nhà máy Samsung ở Huệ Châu đã chính thức khép lại, vĩnh viễn.

Chưa dừng lại ở đó, theo chia sẻ từ một nguồn tin đáng tin cậy thì ngoài khoản bồi thường theo quy định, những nhân viên đã làm việc lâu năm ở nhà máy còn được nhận một phần quà tri ân. Với những người làm việc dưới 10 năm, họ có thể nhận được một chiếc Galaxy A80 còn những nhân viên đã làm việc hơn 10 năm, họ có thể nhận được một chiếc Galaxy S10 +. Đây là hai chiếc smartphone tầm trung và cao cấp của Samsung, dù không phải sản phẩm ra mắt gần đây nhất nhưng đều có cấu hình cao và giá trị không nhỏ.

Mặc dù người dùng Trung Quốc không quá mặn mà với việc sử dụng điện thoại Samsung, nó vẫn được coi là một món quà tri ân có giá trị, bởi các công nhân có thể bán lại chúng để lấy tiền. Có nguồn tin cho biết những kẻ đầu cơ đã bắt đầu lùng mua lại những chiếc smartphone này với giá rẻ, sau đó tuồn chúng ra lại thị trường để ăn chênh lệch.

Trên thực tế, Samsung đã đóng cửa hai nhà máy ở Thâm Quyến và Thiên Tân từ lâu trước khi đóng cửa nhà máy ở Huệ Châu. Samsung Huệ Châu cũng được coi là "vị trí" cuối cùng trên bản đồ định vị Samsung tại Trung Quốc. Từ lâu, hiệu suất của nhà máy này đã không bắt mắt. Theo báo cáo, năm 2017, nhà máy này đã sản xuất 62,57 triệu chiếc điện thoại di động cho Samsung, chiếm khoảng 17% tổng sản lượng toàn cầu.

Chuyện gì xảy ra với những công nhân tại nhà máy smartphone cuối cùng của Samsung ở Trung Quốc? - Ảnh 3.

Samsung đang hướng việc sản xuất sang các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ.

Tuy nhiên, không phải tất cả người dùng ở Trung Quốc đều cảm thấy tiếc nuối với việc này. Một trong những quan điểm có phần mỉa mai của nhiều cư dân mạng là dường như Samsung đã rút điện thoại di động khỏi Trung Quốc sớm hơn so với việc rút các nhà máy khỏi quốc gia này.

Ở góc độ toàn cầu, doanh số của Samsung vẫn đứng đầu thế giới. Quý II năm 2019, Samsung đã bán được 76,30 triệu chiếc smartphone còn Huawei chỉ bán được 58,7 triệu chiếc, Apple là 38 triệu chiếc. Nhưng riêng với thị trường Trung Quốc, dữ liệu cho thấy cũng trong quý này, điện thoại di động Samsung chỉ chiếm được 1% thị phần Trung Quốc, xuất xưởng 800.000 chiếc. Ngược lại, Huawei đã xuất xưởng 35,2 triệu chiếc trong cùng thời gian.

Rõ ràng, sự tụt hậu và đi xuống của thị phần điện thoại di động Samsung tại thị trường Trung Quốc là do sự gia tăng của các thương hiệu điện thoại di động trong nước. Và tất nhiên, hầu hết người dùng Trung Quốc đều thích thú với việc này, trong đó thậm chí bao gồm cả những công nhân từng làm việc tại nhà máy của Samsung tại Huệ Châu.

Tham khảo QQ