Số liệu thống kê cho thấy trong vòng 6 tháng qua, giá trị thị trường của Tesla đã giảm gần một nửa từ 62 tỷ USD xuống còn 33 tỷ USD bất chấp mọi nỗ lực lèo lái công ty của Elon Musk. Barclays thậm chí còn dự báo giá hợp lý của công ty sẽ giảm thêm 22% (tức là chỉ còn khoảng 26 tỷ USD).
Nhà phân tích Brian Johnson cho biết: "Nhu cầu về Model 3 đang chững lại ở Mỹ và công ty dường như chưa có một lối đi hiệu quả để đem lại lợi nhuận đáng kể. Hơn nữa, việc lắp đặt bộ lưu trữ năng lượng mặt trời đã giảm liên tục trong hai quý vừa qua. Tháng trước, Elon Musk đã công bố kế hoạch triển khai dịch vụ gọi xe tự lái (robo-taxi) tuy nhiên khả năng tự lái của Tesla vẫn bị hoài nghi về tính hiệu quả và an toàn".
Một số nhà đầu tư cho biết Elon Musk từng tự tin tuyên bố rằng dự án robo-taxi sẽ giúp Tesla trở thành công ty có vốn hóa thị trường đạt mức 500 tỷ USD. Cổ phiếu Tesla đã giảm 40% trong năm nay và 20% chỉ trong tháng này trong bối cảnh các nhà đầu tư thường xuyên đặt câu hỏi về khả năng xử lý vấn đề chi phí tăng cao ngay cả sau khi hãng vừa gọi vốn thêm hơn 2 tỷ USD.
CEO Elon Musk phát biểu trong một sự kiện.
Ngày 27/5, CEO Elon Musk đã gửi email cho toàn thể nhân viên công ty yêu cầu đẩy mạnh kiểm soát chi phí và cho rằng quý II năm nay có thể đạt kỷ lục giao xe của hãng nếu họ thực hiện tốt.
Barclays nhận định: "Cách đây hai năm, chúng tôi đã đưa ra quan điểm thực tế vì lý do tại sao chúng tôi không đồng ý với những suy nghĩ lạc quan của người hâm mộ Tesla và nhận thấy rằng công ty này được định giá quá cao. Họ đang trở thành một nhà sản xuất ô tô đình trệ".
Chỉ trong quý I năm nay, Tesla đã thua lỗ 702 triệu USD và tiêu tốn tổng cộng 1,5 tỷ USD. Theo các nhà phân tích, hãng sẽ không thể triển khai các kế hoạch để tăng trưởng doanh số nếu không có vốn mới.
Chính vì vậy, ngày 2/5, công ty tuyên bố sẽ gọi thêm hơn 2 tỷ USD vốn mới bằng cách phát hành 1,84 tỷ USD trái phiếu chuyển đổi và 900 triệu USD cổ phiếu. Bên cạnh đó, Elon Musk cũng sẽ bỏ ra 10 triệu USD tiền túi để đầu tư cho hoạt động của công ty.
Động thái này được cho là để công ty có thêm thời gian xoay chuyển tình hình kinh doanh từ thua lỗ sang có lãi. Thế nhưng đến ngày 22/5, giá trị vốn hóa của Tesla đã "bốc hơi" khoảng 20% do cổ phiếu sụt giảm mạnh sau khi hãng bị ngân hàng Citibank đưa ra dự báo không mấy khả quan. Theo thống kê, từ khi trở thành công ty đại chúng vào tháng 6/2010 đến nay, Tesla mới chỉ có 4 quý làm ăn có lãi.
Một nhà phân tích của Citibank khuyến nghị bán cổ phiếu Tesla đồng thời giảm mức giá mục tiêu của cổ phiếu này về 191 USD/cổ phiếu từ 238 USD/cổ phiếu trước đó.
Tháng 4/2017, Tesla từng vượt qua tập đoàn General Motors (GM) để trở thành nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất nước Mỹ nhưng giờ đây sau nhiều biến động thị trường cũng như chính sách hoạt động, giá trị thị trường của công ty đã giảm mạnh, đặt ra không ít lo ngại cho các nhà đầu tư và giới phân tích.
Ngoài Tesla, startup xe điện NIO của Trung Quốc cũng ở trong tình trạng tương tự. Nhà sản xuất có trụ sở tại Thượng Hải được coi là đối thủ nhăm nhe soán ngôi Tesla về doanh số tại đất nước tỷ dân trong tương lai gần với sự hậu thuẫn của quỹ đầu tư nhà nước Singapore và gã khổng lồ công nghệ Tencent.
NIO là một hãng xe điện từng gây được tiếng vang lớn tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau khi IPO vào tháng 9 năm ngoái với giá trị công ty ở mức hơn 11 tỷ USD thì nay công ty này đã mất khoảng 70% giá trị, còn khoảng 3,3 tỷ USD. Điều đáng nói là số tiền đổ vào NIO là 4 tỷ USD, hay nói cách khác giá trị của công ty ở thời điểm hiện tại còn nhỏ hơn số tiền đầu tư.