- Với việc thay đổi cách dạy và học theo hướng chú trọng phát huy tính tự chủ sáng tạo của học sinh, nâng cao năng lực giáo viên và đội ngũ quản lí, lãnh đạo ngành giáo dục đang đặt ra nhiều kỳ vọng.

Lớp học vui vẻ

Chỉ trong 3 năm số trường tiểu học tự nguyện đăng ký dạy theo mô hình trường học mới của tỉnh đã lên đến gần 50%, cấp THCS có 13/13 huyện, thị xã, thành phố triển khai. Thậm chí một trường THPT cũng mạnh dạn xin sở GD-ĐT cho thực hiện trước.

Thay cho những con số về tỉ lệ các trường học ở Hà Tĩnh triển khai mô hình trường học mới, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh này mong muốn có thể tới bất kỳ trường nào thăm hỏi tình hình thay vì đi theo kế hoạch đã được sắp xếp từ trước.

{keywords}

Học sinh vui vẻ, tự tin trong mô hình trường học mới vừa được áp dụng lên bậc THCS tại Hà Tĩnh. (Ảnh: Văn Chung)

Sáng 8/10, có mặt ở Trường TH Thạch Linh, TP Hà Tĩnh. Năm học 2015- 2016, trường này đã mở rộng mô hình trường tiểu học mới - VNEN đến tất cả các lớp.

Bước vào lớp 2A, cô bé Châu Anh - trưởng ban đối ngoại của lớp khiến mọi người bất ngờ khi đứng giới thiệu về lớp rất tự tin. Sau đó là đến phiên của trưởng ban văn nghệ với những bài hát làm cho không khí của lớp thêm sôi nổi. Đến phần của trưởng ban học tập lên báo cáo tình hình học tập của lớp và mời cô giáo lên điều hành buổi học.

Bài học ở môn tiếng Việt bắt đầu. Sau khi cô giáo hướng dẫn bài học, các nhóm cùng nhau đọc bài, đưa ra các ý kiến, thảo luận và phản biện nhau hết sức sôi nổi. Từ đầu buổi học đến cuối ngày, lớp học lúc nào cũng ồn ã, vui vẻ vì bạn nào cũng muốn được nói, được phát biểu ý kiến.

Đặc biệt là các góc học tập, thư viện lớp học được thể hiện theo chủ đề, chủ điểm giúp học sinh thuận tiện trong việc tra cứu thông tin, nghiên cứu trải nghiệm, học sinh được thể hiện chính bản thân mình trong các hoạt động tìm tòi, khám phá chủ động lĩnh hội kiến thức trong nội dung bài học.

Thầy cô giáo không giảng bài truyền thụ tri thức cho học sinh, mà hướng dẫn học sinh làm việc với bản hướng dẫn học tập.

Em nào khá giỏi được quan tâm thông qua các bài tập hoặc yêu cầu nâng cao được cô khéo léo đặt ở góc học tập của từng em hoặc học sinh được tăng cường yêu cầu giúp đỡ bạn cùng nhóm yếu kém hơn. Cá nhân học sinh được tự nghiên cứu, cùng nhau thảo luận nhóm kết hợp vận dụng các đồ dùng học tập liên quan để tự mình lĩnh hội kiến thức.

Bên cạnh đó, tới thăm một số trường tiểu học ở Hà Tĩnh chúng tôi cũng ghi nhận việc các trường tăng cường các tiết học gắn với điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương như đưa dân ca Ví Giặm, đưa học sinh đến tham quan và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống, danh lam thắng cảnh, di tích của quê hương mình,....

Tại Trường TH Đức Thọ, huyện Đức Thọ dù chưa thực hiện hoàn toàn theo mô hình trường tiểu học mới nhưng nhà trường căn cứ vào điều kiện cụ thể mà từng bước áp dụng một số yếu tố phù hợp thiết thực.

Các tiết học về khoa học công nghệ, khoa học xã hội đã dần chuyển sang sinh hoạt theo nhóm, học sinh được mạnh dạn bày tỏ thắc mắc trước các tình huống và đưa ra các nghị vấn cũng như đề xuất phương án thực hiện sao cho hiệu quả. Không gian thư viện là nơi học sinh vô cùng hứng thú với đủ loại sách, truyện tham khảo cùng các tiết học nhập vai, kể chuyện.

Không rập khuôn, "khoán trắng" cho học sinh

Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Tĩnh Nguyễn Thị Hải Lý cho biết, từ 1 trường tiểu học thí điểm được tài trợ kinh phí đến năm 2013-2014 Hà Tĩnh đã nhân rộng tại 11 trường tiểu học của 11 huyện còn lại.

Năm 2014-2015 thêm 36 trường và đến năm học 2015-2016 toàn tỉnh đã có 129/267 (hơn 48%) trường thực hiện VNEN và đều là đăng ký tự nguyện.

{keywords}

Năm học 2015-2016, Hà Tĩnh là một trong các địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện nhân rộng mô hình trường học mới ở bậc THCS. (Ảnh: Văn Chung)

Điều bà Lý lưu ý các trường không làm hình thức, rập khuôn. "Có lớp tôi đến thăm, một nhóm học sinh cùng thảo luận về bài học tiếng Việt. Khi các thành viên phát biểu xong, nhóm trưởng đánh giá, hỏi các bạn có đồng ý không thì nhất loạt nói đồng ý.

Tôi nói với giáo viên, nhà trường như vậy vẫn là cách làm hình thức, chưa đi vào bản chất vấn đề. Cô cần hết sức quan tâm tới từng em, phải biết phát huy bản lĩnh, tính phản biện của các thành viên, giúp các em mạnh dạn phát biểu ý kiến" - bà Lý chia sẻ.

"Có một số ý kiến cũng cho rằng dạy theo VNEN cô giáo khỏe hơn vì không phải soạn giáo án, phải nói ít hơn lớp truyền thống. Nghe tới đây tôi giật mình dù điều đó có phần đúng nhưng dạy mô hình này yêu cầu cô giáo phải biết chuẩn bị, tìm hiểu, dự báo dự đoán tình hình lớp học, nội dung riêng để phát triển năng lực của từng em. Như vậy đòi hỏi trí tuệ và tâm huyết rất lớn ở các cô.

Sợ nhất ở mô hình này là giáo viên khoán trắng, hướng dẫn chung chung cho học sinh khi thấy các em đã hơi quen với cách làm. Năm học này chúng tôi quán triệt, chỉ đạo sâu sát để giáo viên biết quan tâm tới từng em, có những bài tập và nội dung phù hợp để phát huy năng lực của từng em" - bà Lý cho hay.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khái quát, mô hình trường học mới với mô hình nhà trường trước đây cùng chung mục tiêu, đích hướng nhưng cách làm ở mô hình này cụ thể giúp giáo viên, nhà trường đạt mục tiêu.

Trước hướng dẫn ít, năng lực giáo viên hạn chế, thiếu cụ thể nên khó làm. Nay có những cái cụ thể nên dễ làm ví dụ muốn phát huy vai trò học sinh, như thế nào, cho các em tăng cường năng lực tự quản, giao tiếp...

Đổi mới cũng yêu cầu phụ huynh cần thay đổi nhận thức, quan tâm con hơn, gần con hơn chứ không thể "trăm sự nhờ thầy". Đánh giá chất lượng giáo dục hiện nay cũng không chỉ chú trọng kiến thức mà đòi hỏi phải hoàn thiện thêm cả các kỹ năng khác.

"Muốn học sinh thật giỏi Toán, tiếng Việt như cũ thì không phải quan niệm chất lượng giáo dục ngày nay" - ông Hiển nhấn mạnh.

• Văn Chung