Đại diện CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) ông Nguyễn Như So vừa tiết lộ có nhiều tập đoàn lớn đặt vấn đề hợp tác trong lĩnh vực chăn nuôi.
Trong buổi gặp gỡ các nhà đầu tư mới đây, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như So cho biết, có tập đoàn lớn trong nước đặt vấn đề hợp tác trong lĩnh vực chăn nuôi và muốn đầu tư để nắm giữ 60% cổ phần của doanh nghiệp đứng đầu cả nước về năng suất nuôi lợn, với tổng đàn lợn nái hiện hơn 40.000 con và quy mô nhà máy chế biến khép kín với 60.000-70.000 con lợn thịt, chỉ đứng sau tập đoàn Thái Lan CP về thịt lợn tại Việt Nam.
Đây là một thông tin rất đáng chú ý với các nhà đầu tư bởi lĩnh vực chăn nuôi lợn gần đây mang lại lợi nhuận rất lớn do giá thịt cao, đàn lợn suy giảm do dịch tả châu Phi và các tập đoàn Việt Nam đang rất chú trọng vào khâu chế biến nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm.
Trong năm 2020 vừa qua, Dabaco ghi nhận doanh thu vượt 10 nghìn tỷ (tăng gần 40%) và lợi nhuận sau thuế tăng gấp gần 5 lần năm trước lên 1,4 nghìn tỷ đồng.
Các đại gia Việt xây dựng đế chế nông nghiệp. |
Trong khi đó, Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang trong vài năm gần đây đầu tư rất mạnh cho mảng chế biến và phân phối thịt với thương hiệu thịt mát Meat Deli. Gần đây Masan Meatlife mở rộng hoạt động sang thị trường thịt gà thông qua việc góp vốn 51% vào Công ty Cổ phần 3F Việt.
Tính tới cuối 2020, tổng tài sản của Masan Meatlife tăng thêm 3,2 nghìn tỷ đồng so với đầu năm lên gần 18 nghìn tỷ đồng. Masan Meatlife có 3 công ty con sở hữu trực tiếp, 17 công ty con sở hữu gián tiếp và công ty liên kết. Các công ty sở hữu gián tiếp đều là các tên tuổi lớn như CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco), CTCP Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco), hay công ty liên kết như CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) do Masan Meatlife nắm giữ 24,9%.
Mảng thịt của Masan tăng trưởng mạnh, gấp vài lần trong 2020, nhờ mở rộng thương hiệu tại 1.606 điểm bán ở cả hai miền Nam Bắc, trên hệ thống VinMart, VinMart+, chuỗi siêu thị Coopmart, BigC, Lotte, Aeon…
Sự xuất hiện của các DN chế biến thịt lớn Việt Nam là tín hiệu tốt cho thế mạnh như nông nghiệp vốn đang yếu thế về chăn nuôi hiện đại, giết mổ và phân phối.
Cách đây hơn thập kỷ, người Thái đã xuất hiện. Tập đoàn Charoen Pokphand Group (C.P Group) của tỷ phú Thái Chearavanont đã khuấy đảo thị trường nông nghiệp Việt Nam, từ thức ăn chăn nuôi cho tới giết mổ lợn hơi, gà, trứng và các sản phẩm chế biến…
Sau một thập kỷ chờ thời, Masan của ông Quang đã có một sự ra mắt ấn tượng trong cuộc đua trong mảng lĩnh vực chăn nuôi và chế biến thịt lợn trị giá 10 tỷ USD. Sau hơn 5 năm thành lập, Masan MeatLife đã có mặt trên thị trường và chỉ vài tháng ra mắt, doanh nghiệp này đã có doanh thu rất lớn. Quy mô hệ thống phân phối cũng tăng vọt, một phần nhờ mảng bán lẻ mua từ Vingroup.
Trong thập kỷ vừa qua, nhiều đại gia Việt đã đổ tỷ USD vào lĩnh vực nông nghiệp với những tính toán dài hơi, bền bỉ xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, thế mạnh của Việt Nam và không nghĩ tới việc kiếm tiền trong ngắn hạn.
CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam - Vinaseed (NSC) của ông Nguyễn Duy Hưng gần đây thành công với những thương hiệu gạo ngon nhất thế giới (như ST25); hay ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) - bắt tay với tỷ phú Trần Bá Dương Thaco xây dựng đế chế nông nghiệp mới.
Tập đoàn T&T của Bầu Hiển cũng lặng lẽ bước vào lĩnh vực nông nghiệp, đem về nghìn tỷ. T&T xuất hiện trong vai trò là cổ đông chiến lược của nhiều doanh nghiệp Nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa hoặc thoái vốn. Hiện tập đoàn sở hữu chi phối hàng loạt thương hiệu ngành nông nghiệp như Vigecam, Vinafor, Vegetexco, Unimex, Vinafood...
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index ở quanh ngưỡng 1.180 điểm.
Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục dao động trong vùng được giới hạn bởi cận trên là vùng cản 1.185-1.200 điểm và cận dưới 1.150-1.155 điểm. Thị trường nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục dao động trong kênh giá đi ngang này thêm một thời gian.
Nhóm cổ phiếu bluechip vẫn sẽ khó có sự đột biến về mặt xu hướng trong tuần này khi các sự kiện có ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm cổ phiếu này như đáo hạn hợp đồng tương tháng 3 hay hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs sẽ diễn ra vào những phiên cuối tuần. Dòng tiền tiếp tục tập trung sự quan tâm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/3, chỉ số VN-Index giảm 4,66 điểm xuống 1.79,9 điểm; HNX-Index tăng 0,69 điểm lên 275,88 điểm. Upcom-Index tăng 0,11 điểm lên 80,93 điểm. Thanh khoản đạt 19,1 nghìn tỷ đồng.
V. Hà