Tiến ra biển, làm chủ biển, khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển để làm giàu từ biển là xu hướng tất yếu của nhân loại trong thế kỷ 21 - Thế kỷ của đại dương.
Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, các nước có biển và nhiều nước không có biển đều quan tâm xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan nhằm hiện thực mục tiêu chiến lược đó. Vấn đề lớn là ở chỗ làm sao để phát triển bền vững kinh tế biển, không làm ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái, đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường biển; làm thế nào để huy động sự chung tay vào cuộc tích cực của Nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt là của cộng động nhân dân ven biển, các bên liên quan trong công tác bảo tồn biển nhằm phát triển bền vững kinh tế biển.
Tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông diễn ra tại TP.HCM, trong Phiên thứ 6 thảo luận về “Thời điểm quyết định: Năng lượng truyền thống hay năng lượng tái tạo?”, các học giả quan tâm việc phát triển điện gió ngoài khơi, chuyển đổi năng lượng và khai thác tài nguyên đất hiếm.
Theo đó, việc chuyển đổi xanh và bền vững trong khai thác, sản xuất và sử dụng năng lượng, tài nguyên biển là xu hướng tất yếu. Các nước phải cân bằng giữa khai thác và bảo tồn hệ sinh thái biển, góp phần đạt được mục tiêu thứ 7 của các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) vào năm 2030 và mục tiêu của COP26 về phát thải ròng bằng không (net-zero) vào năm 2050.
Hầu hết đại biểu đánh giá cao tiềm năng điện gió của Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn và tài nguyên đất hiếm đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Có ý kiến khuyến nghị về việc khai thác đồng bộ năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng truyền thống thành năng lượng xanh thông qua sử dụng công nghệ và khả năng tích trữ CO2.
Chia sẻ bài học kinh nghiệm thu hút đầu tư điện gió ngoài khơi, đại biểu cho rằng, cần có khuôn khổ thể chế nhất quán, tin cậy, bớt thủ tục hành chính, cập nhật thông tin và sự tham gia của người dân. Việc khai thác điện gió ngoài khơi cũng cần chú ý quy định của UNCLOS 1982 liên quan đến khu vực an toàn 500 mét và các biện pháp phù hợp để bảo đảm an toàn giao thông hàng hải.
Tham dự Hội thảo khoa học, PGS.TS Nguyễn Xuân Huy, Trưởng Phòng thí nghiệm tính toán mô phỏng Khoa Kỹ thuật địa chất và dầu khí – Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết: trong các nước ASEAN, Việt Nam hiện đứng thứ hai về trữ lượng dầu khí, chỉ sau Indonesia.
Nước ta có khí hậu nhiệt đới nên việc phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch rất tốt, đặc biệt là khu vực Biển Đông với tốc độ gió rất cao, có nhiều tiềm năng phát triển điện gió: "Ở Việt Nam, từ Vũng Tàu đi ra ngoài 30 - 40 cây số thì mực nước biển vẫn dưới 50 mét nên phát triển điện gió rất tốt, khu vực gió rất nhiều. Cho nên đó là thuận lợi, Việt Nam hiện chỉ sau Trung Quốc về phát triển điện gió ngoài khơi. Ở châu Á – Thái Bính Dương, hiện nay Việt Nam đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo, tuy nhiên sự phát triển quá nhanh dẫn tới sự cố như tắc nghẽn lưới điện, cho nên phải làm sao hài hòa lại".