Nhiều bất cập trong câu chuyện năng lượng xanh
“Tôi đi thăm nhà máy tái chế rác ở Hưng Yên, thấy rất đau lòng bởi vì nước thải, khí thải hàng ngày vẫn đổ ra, trong khi đây là nhà máy tái chế pin chì, công nghệ xử lý rất thấp, vẫn chỉ là đốt lò.
Không có chính sách phù hợp để hỗ trợ cho DN thì chắc chắn các SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa) không “sờ” đến được đến các nguồn vốn xanh”, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, lãnh đạo của một công ty tư vấn năng lượng tái tạo trăn trở chia sẻ tại hội thảo về thúc đẩy chuyển đổi xanh và số, ngày 23/5 tại Hà Nội.
Chia sẻ bản thân từng xây dựng nhà máy, đã đi thăm khoảng hơn 200 nhà máy về sản xuất trên thế giới, và cũng có rất nhiều trải nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, bà Thủy lưu ý: Nhiều nước trên thế giới đạt mức độ tự động hóa rất cao. Chẳng hạn Trung Quốc đạt tỷ lệ hơn 80%. Doanh nghiệp Việt Nam muốn hội nhập thì bắt buộc cũng phải chuyển đổi cách thức sản xuất, phải tự động hóa, chuyển dịch năng lượng để xanh hóa sản phẩm.
“Nhiều khu công nghiệp tại Việt Nam bây giờ không thể xanh hóa được bởi vì “ông chủ” chỉ khai thác thu phí hạ tầng, không đầu tư lưới điện, không đầu tư nhà xưởng, nên không đầu tư được phần điện áp mái. Không thể xanh hóa được những khu công nghiệp đấy nếu không xanh hóa từng nhà máy.
Tôi có hơn 1 năm hỗ trợ cho Văn phòng Hội đồng Năng lượng thế giới, bây giờ đang hỗ trợ cho các quỹ đầu tư của Anh, Malaysia, Đan Mạch, Trung Quốc… muốn đầu tư vào các nhà máy trong các khu công nghiệp dưới dạng đầu tư điện mặt trời áp mái.
Tất cả doanh nghiệp có số tiền điện mặt trời áp mái trên 300 triệu đồng sẽ được các quỹ đầu tư 100%, giá điện bán lại cho nhà máy rẻ hơn giá điện EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cam kết ở phía Bắc là từ 15 – 20%, phía Nam 25 – 30%. Đấy là một giải pháp giúp xanh hóa cho từng nhà máy”, bà Thủy thông tin.
Nhìn nhận sâu hơn câu chuyện xanh hóa từng nhà máy thì những nhà máy lớn sẽ có điều kiện hơn, bởi họ có những sản phẩm xuất khẩu cần xanh hóa để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, với các SME, câu chuyện không đơn giản, dễ dàng.
“Có một vấn đề của ngành dệt may Việt Nam là nhiều nhà máy rất nhỏ, nằm rải rác ở các tỉnh miền núi, không có vị trí cố định nên rất khó xanh hóa, như thế sẽ có thể mất cơ hội xuất khẩu hàng dệt may. Các nhà máy dệt may chỉ vì muốn tận dụng nguồn lao động giá rẻ nên đã chuyển lên vùng cao, không đầu tư được điện mặt trời cố định.
Mỗi hợp đồng điện mặt trời tối thiểu phải kéo dài 25 năm. Nói cách khác, giá điện mặt trời phải ổn định trong vòng 25 năm thì mới thu hồi được vốn. Đấy là cái khó của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp Việt Nam. Còn nếu vay vốn của Chính phủ với giá ưu đãi để đầu tư thì phải gánh thêm một khoản dư nợ tín dụng, cũng là một cái khó của doanh nghiệp”, bà Thủy phân tích.
Nhận định rằng vẫn tồn tại rất nhiều bất cập trong chuyện năng lượng xanh, bà Thủy bức xúc phản ánh thêm một vấn đề còn bỏ ngỏ: “Đối với các nhà máy, cơ quan, công sở, trường học, cần phải có chính sách ưu đãi, ví dụ như mua lại điện thừa cho các cơ sở đó thì các nhà đầu tư mới bỏ tiền ra đầu tư. Tại sao chúng tôi bỏ vốn ra đầu tư xanh hóa nhà máy, đóng góp cho xanh hóa môi trường lại không được bán điện cho EVN?”.
SME chuyển đổi số và chuyển đổi xanh: Vừa khó vừa dễ
“Công nghệ cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đắt hay rẻ, khoảng bao nhiêu tiền?” là điều băn khoăn của không ít doanh nghiệp.
Để trả lời câu hỏi nêu trên, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) kể: “Mới đây, tôi đi thăm một trường đại học ở nước ngoài, toàn bộ nước thải rửa mặt của sinh viên được quay vòng qua hệ thống kênh quanh trường được thả bèo và cây thủy trúc. Chạy một vòng quanh trường, toàn bộ nước thải đã đạt loại B đủ để tưới cây, thậm chí đạt loại A đủ để rửa mặt, nuôi cá. Quay lại câu chuyện có tốn không? Rõ ràng là không tốn lắm”.
Theo lãnh đạo NIC, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu; tham gia chuyển đổi xanh, tiết kiệm năng lượng, bớt phát thải là chuyện vừa khó lại vừa rất dễ đối với SME.
Ở khía cạnh “dễ”, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh gắn với hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp và có thể thực hiện được ngay, không cần đến những mô hình hoành tráng, không cần bất kỳ cơ chế, chính sách nào.
“Chúng ta có rất nhiều biện pháp chuyển đổi xanh, nhưng quan trọng là doanh nghiệp phải tự có bộ tiêu chí và phải có văn hóa luôn muốn xanh hóa. Chẳng hạn chỉ cần giám đốc tuyên bố nhân viên đi xe đạp đến công ty sẽ được thưởng 500.000 đồng/tháng thì nhiều nhân viên sẽ sẵn sàng đi xe đạp thay vì xe máy. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh, khi chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cần chọn biện pháp phù hợp, cân bằng chi phí bỏ ra với lợi ích đem lại, có cái dài hạn nhưng có cái phải lấy ngắn nuôi dài, không thể có chuyện chúng ta doanh thu đang èo uột đi xuống mà lại đầu tư dự án chuyển đổi số, chuyển đổi xanh quá kinh khủng được. Phải liệu cơm gắp mắm”, ông Thịnh bày tỏ.
Cũng theo ông Thịnh, nỗ lực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh. Nhờ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trên thế giới hình thành rất nhiều ngành mới, sản phẩm mới mà Việt Nam có lợi thế để tham gia.
Để kéo các doanh nghiệp khởi nghiệp, SME cùng tham gia chuyển đổi xanh, thời gian qua, NIC đã có khá nhiều sáng kiến, hoạt động cụ thể. Chẳng hạn, phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) triển khai dự án tài trợ cho những sản phẩm Việt Nam phục vụ cho phát triển bền vững, trong đó bao gồm cả tiết kiệm năng lượng, xử lý môi trường, mức tài trợ tối đa đến 200.000 USD. Hiện đã có 1 doanh nghiệp Việt được chọn là Selex Motors.
Hoặc chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Năm ngoái đã nhận được gần 800 giải pháp của doanh nghiệp đến từ gần 30 nước.
Ngoài ra, NIC còn có một số không gian ươm tạo cho các doanh nghiệp liên quan lĩnh vực chuyển đổi xanh.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một trong những bộ được Thủ tướng giao làm đầu mối tăng trưởng xanh chứ không chỉ Bộ Tài nguyên và Môi trường hay Bộ Công Thương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ xây dựng chiến lược tăng trưởng chuyển đổi xanh, đồng thời phải xây dựng thống kê xanh trong một số dự án thí điểm xanh. Hiện có tập đoàn đang muốn thí điểm vận hành xe buýt chạy bằng hydrogen trong thành phố Hà Nội”, ông Thịnh cho biết.
Còn về cái “khó”, loạt vấn đề bà Thủy trăn trở phản ánh tại hội thảo là những “bài toán” cần sớm có “lời giải”.
Một tin vui được ông Thịnh chia sẻ: “Trong Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu vừa mới ban hành, sản phẩm xanh sẽ được ưu đãi trong đấu thầu. Ví dụ nhà nước xây tòa nhà, kêu gọi gói thầu làm toàn bộ hệ thống điện. Nhà cung cấp bóng đèn LED tuy giá đắt hơn đèn huỳnh quang nhưng được dán nhãn tiết kiệm năng lượng thì sẽ thuộc diện ưu đãi, có thể bỏ giá thầu cao hơn một chút so với nhà cung cấp bóng đèn huỳnh quang mà vẫn trúng. Đấy là chính sách ưu đãi cho một số SME có giải pháp giúp chuyển đổi xanh khi tham gia các dự án của nhà nước”.