Việt Nam sẽ chuyển đổi số thế nào từ nay đến 2025?
Năm 2018, với tốc độ tăng trưởng 7,08%, nền kinh tế Việt Nam đã đánh dấu mốc mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên, so với các nước phát triển, Việt Nam vẫn là nước có mức thu nhập trung bình, mức độ cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao.
Một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến mức độ thu nhập của người dân là năng suất lao động. Năng suất lao động người Việt Nam còn rất thấp, ngay cả so với các nước trong khu vực.
Nhiều thông tin về hiện trạng chuyển đổi số Việt Nam được chia sẻ tại buổi tọa đàm góp ý cho dự thảo Đề án Chuyển đổi số Quốc gia. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo đánh giá về chỉ số nguồn nhân lực của WEF đối với các nước Đông Nam Á năm 2016, 41% nguồn nhân lực của Việt Nam được đánh giá có kỹ năng thấp, chỉ có 10% được đánh giá có kỹ năng cao.
Báo cáo “Mức độ sẵn sàng cho tương lai của ngành sản xuất” được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố vào tháng 1/2018 cũng cho thấy, Việt Nam không nằm trong nhóm các quốc gia sẵn sàng cho nền kinh tế sản xuất tương lai.
Trong đó, một số chỉ số được đánh giá yếu kém như “Chỉ số công nghệ và đổi mới” (xếp hạng thứ 90/100), chỉ số “Vốn con người” (xếp hạng thứ 70/100). Các chỉ số thành phần như “Tiếp thu công nghệ ở doanh nghiệp”, “Tác động của ICT đến dịch vụ và sản phẩm mới”, “Năng lực đổi mới” xếp hạng lần lượt là 78/100, 70/100 và 77/100.
Một trong những giải pháp căn cơ, nền tảng nhất để Việt Nam có thể phát triển đột phá trong giai đoạn này là phải chuyển đổi số mạnh mẽ, đi đầu khu vực trong cuộc CMCN 4.0.
Theo báo cáo nghiên cứu của Csiro và Data 61 về kịch bản chuyển đổi số của Việt Nam, nếu không chủ động, chuẩn bị và đầu tư trong lĩnh vực chuyển đổi số thì Việt Nam sẽ rơi vào kịch bản lạc hậu, trong đó, nền kinh tế chuyển đổi số chậm và năng suất lao động trì trệ.
Theo ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), quan điểm của Bộ TT&TT là phải tận dụng tối đa cơ hội số để xây dựng xã hội và nền kinh tế số. Ảnh: Trọng Đạt |
Trước tình hình này, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xây dựng Đề án Chuyển đổi số Quốc gia. Tầm nhìn cho Đề án Chuyển đổi số Quốc gia là Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số và nền kinh tế số hàng đầu khu vực, nơi thử nghiệm các công nghệ và mô hình mói.
Đối với Đề án này, quan điểm của Bộ TT&TT là phải tận dụng tối đa cơ hội số để xây dựng xã hội và nền kinh tế số. Theo đó, Việt Nam sẽ đi nhanh, đi trước trong một số lĩnh vực như an ninh mạng, công nghiệp ICT, thương mại điện tử,... Các doanh nghiệp số Việt Nam sẽ trở thành một động lực thúc đẩy chuyển đổi số nền kinh tế.
Muốn làm được điều này, cả hệ thống chính trị và xã hội vào cuộc trong chuyển đổi số, xác định rõ nhiệm vụ từng bộ ngành địa phương. Một trong những giải pháp đặt ra là phải triển khai thành công sandbox như một mô hình mới trong cách tiếp cận, giải quyết các vấn đề mới.
Ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam khẳng định, chuyển đổi số là xu thế toàn cầu và là tiến trình không thể đảo ngược tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo dự thảo về Đề án Chuyển đổi số Quốc gia, quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam sẽ diễn ra theo 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2020 - 2022) sẽ là khoảng thời gian tạo nền tảng (hạ tầng kỹ luật, nhân lực số, hạ tầng pháp lý,...) cho quá trình chuyển đổi số.
Ở giai đoạn 2 (2023 – 2025), Việt Nam sẽ tăng tốc chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế xã hội. Đến giai đoạn 3 (2026 – 2030), nước ta sẽ chuyển đổi số toàn diện nền kinh tế, lúc này, xã hội sẽ vận hành dựa trên công nghệ số, đổi mới và sáng tạo.
Mục tiêu của đề án này là đến năm 2025, Việt Nam thuộc top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia và nằm trong top 40 về Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia - World Competitiveness Scoreboard của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Đề án Chuyển đổi số phải đi vào thực tế, giải quyết được vấn đề sandbox
Tại buổi góp ý cho dự thảo Đề án Chuyển đổi số Quốc gia, nhiều ý kiến đã được các chuyên gia trong nước chia sẻ nhằm đưa Đề án Chuyển đổi số Quốc gia đi vào thực tế cuộc sống.
Theo đại diện Hội vô tuyến điện tử Việt Nam, Việt Nam đã có những bài học về các đề án được thực hiện rất công phu nhưng sau đó lại không khả thi. Ví dụ nhãn tiền nhất là Đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT và Truyền thông” hồi năm 2010. Sau khi Đề án được đưa ra, chẳng có gì thay đổi, và cũng chẳng có ai đánh giá và đôn đốc việc thực hiện đề án, đại diện Hội vô tuyến điện tử Việt Nam nhận định.
Do vậy, với Đề án Chuyển đổi số Quốc gia, Hội vô tuyến điện tử Việt Nam đề nghị ban soạn thảo cần phải làm sao để Đề án có giá trị pháp lý, và có cách kiểm tra việc thực hiện của các đối tượng liên quan.
Nhóm chuyên gia góp ý cho dự thảo Đề án Chuyển đổi số Quốc gia. Ảnh: Trọng Đạt |
Hội vô tuyến điện tử Việt Nam cũng đề xuất việc đưa ra các chính sách và giao nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ quan trọng điểm của Đề án. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tự mình khảo sát hiện trạng chuyển đổi số trong nước thay vì phụ thuộc vào đánh giá của các tổ chức nước ngoài.
“Cơ sở dữ liệu dân cư là thông số đầu vào cơ bản để thực hiện việc chuyển đổi số quốc gia, thế nhưng chúng ta vẫn chưa làm được đến nơi đến chốn. Nếu không nói được ta đứng ở đâu thì làm sao nói được 5 năm nữa ta sẽ thế nào?”, đại diện Hội vô tuyến điện tử Việt Nam đặt câu hỏi.
Chia sẻ thêm về nhận định này, ông Vũ Kiến Văn - đại diện VNPost cho biết, ở góc nhìn của một doanh nghiệp, khi đọc dự thảo Đề án Chuyển đổi số Quốc gia, bản thân ông cũng chưa biết doanh nghiệp của mình sẽ phải làm gì.
Tuy vậy, ông Văn cho rằng, để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp rất cần những ưu đãi, tạo thuận lợi của nhà nước, đặc biệt là việc giải quyết vấn đề nguồn nhân lực CNTT và đề ra các chuẩn, tiêu chuẩn cho từng lĩnh vực.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Lienviet PostBank, muốn chuyển đổi số thành công, phải giải quyết sớm vấn đề sandbox. Ảnh: Trọng Đạt |
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho rằng, Đề án phải lưu ý hơn tới vấn đề quyền riêng tư và an toàn dữ liệu. Điều này nhằm khuyến khích công dân chia sẻ các dữ liệu của mình. Ông Đồng cũng cảnh báo về vấn đề tranh chấp số, điều sẽ sớm bùng nổ ở Việt Nam trong những năm tới đây.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Lienviet PostBank, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, vấn đề mấu chốt trong đề án Chuyển đổi số Quốc gia là phải giải được bài toán sandbox.
Theo đó, cần đề ra những chính sách cụ thể khi cho phép các doanh nghiệp tiến hành thử nghiệm dịch vụ mới. Điều này nhằm tránh việc hồi tố, nếu không, những người đi tiên phong sẽ phải chịu rủi ro lớn về mặt pháp lý.
Trọng Đạt
Sandbox là gì? Sandbox là khung thể chế thí điểm, cho phép một số doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn. Việc thí điểm này sẽ được triển khai trong một phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý nhà nước. Cơ chế sandbox giúp các doanh nghiệp có thể tránh được rủi ro về pháp lý khi triển khai những dịch vụ và mô hình kinh doanh mới chưa được quy định cụ thể trong các điều luật. Với cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị này sẽ có thời gian để cân nhắc và điều chỉnh các chính sách mới nhằm theo kịp với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ. Việc triển khai sandbox hứa hẹn sẽ góp phần tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh và môi trường đầu tư thông thoáng hơn.
|