Kinh tế số là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng, …) mà công nghệ số được áp dụng.

Ta có thể bắt gặp các sản phẩm của nền kinh tế số ở bất cứ đâu trong cuộc sống hàng ngày. Đó là các trang thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến hay các ứng dụng giúp tìm địa chỉ ăn uống, vận chuyển, giao nhận hàng hóa.

Nhìn chung, dù ở bất cứ ngành nghề nào thì xu hướng của thế giới trong những tiếp theo cũng là việc tích hợp các công nghệ số vào sản xuất để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.

Sự bùng nổ của nền kinh tế số ở Việt Nam

Ở Việt Nam, kinh tế số xuất hiện từ khi có máy tính, đặc biệt là khi có máy tính cá nhân vào cuối những năm 80. Kinh tế số bắt đầu phát triển mạnh mẽ kể từ thời điểm cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khoảng thời gian Internet bắt đầu có mặt tại Việt Nam.

{keywords}
Nền kinh tế số trong nước đã có rất nhiều thay đổi sau hơn 20 năm Internet có mặt tại Việt Nam. 

Kinh tế số dần được phổ cập là khi mật độ điện thoại thông minh đạt mức trên 50%, vào cuối những năm 2000. Nó được  thúc đẩy mạnh mẽ hơn với sự xuất hiện của cuộc CMCN 4.0, vào cuối những năm 2010.

Trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh.

Năm 2007, số người sử dụng Internet ở Việt Nam là 17,7 triệu người. Đến năm 2017, số người sử dụng Internet ở Việt Nam đã tăng lên mức 64 triệu người, xấp xỉ 67% dân số. Dựa trên số liệu của tập đoàn Miniwatts Marketing, Việt Nam hiện xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới.

{keywords}
Xếp hạng các trang TMĐT có lượt truy cập mỗi tháng thuộc top đầu trong quý III/2018 theo số liệu của Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam vừa được Iprice Insight công bố.

Thương mại điện tử (TMĐT), một trong những cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số ở Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và quy mô thị trường. Quy mô ngành TMĐT Việt Nam hiện ở mức 5,2 tỷ USD.

Năm 2017, 21 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực TMĐT Việt Nam nhận đầu tư nước ngoài với tổng số vốn lên đến 83 triệu USD, cao nhất trong tất cả các ngành nghề nhận được huy động vốn đầu tư. Xu hướng sát nhập và mua lại (M&A) giữa các doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam cũng đã tăng trưởng đều cả ở giá trị và số lượng thuơng vụ.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo bắt đầu hình thành một cách đầy đủ. Hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành trong 2 năm qua, cùng với đó là 40 quỹ tổ chức đầu tư mạo hiểm, mạng lưới đầu tư thiên thần.

{keywords}
Toàn cảnh bức tranh TMĐT Việt Nam với sự xuất hiện của rất nhiều các tên tuổi lớn của thế giới đằng sau các thương hiệu trong nước. 

Theo thống kê của Bộ KH&CN, có tổng cộng 78 công ty fintech (công nghệ tài chính) được thành lập tại Việt Nam. Ví dụ điển hỉnh là sự xuất hiện của ví điện tử MoMo hay hệ thống cầm đồ F88…

Các doanh nghiệp vận tải cũng ra mắt nhiều ứng dụng để cạnh tranh với Grab, Uber. Có thể kể ra rất nhiều tên tuổi trong lĩnh vực này như FastGo, Be, VATO,... Về du lịch, có sự tham gia của một loạt các start-up Việt như Mytour, Luxstay,… cạnh tranh cùng với những tên tuổi lớn như Booking, Agoda hay AirB&B của thế giới.

Những nút thắt của nền kinh tế số Việt Nam

Việt Nam đang phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh với sự phát triển nóng của nền kinh tế số. Trong đó, có vấn đề nổi cộm về pháp lý, an toàn an ninh mạng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực ICT có chất lượng và cả việc triển khai ứng dụng CNTT nhằm phát triển chính phủ điện tử.

Theo thống kê của hãng bảo mật Kaspersky, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất thế giới trong năm 2018. Trung tâm ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết, có tổng cộng 10.000 vụ tấn tấn công mạng nhằm vào Internet Việt Nam năm 2017, gây thất thoát 12,3 nghìn tỷ đồng.

Điều này cho thấy, có một lỗ hổng rất lớn của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm an toàn thông tin nếu muốn đưa kinh tế số trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế.

{keywords}
Theo số liệu của Kaspersky, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), Việt Nam nằm trong top những quốc gia dễ bị tấn công mạng nhất thế giới. (Những nước có gam màu xanh an toàn hơn so với những nước có gam màu đỏ).

Sau hơn 10 năm triển khai Chính phủ điện tử, Việt Nam mới cơ bản hoàn thành việc kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ.

Việt Nam đã tiến 10 bậc theo đánh giá của Liên hợp quốc về Chính phủ điện tử. Nhưng thực tế, chúng ta chỉ khiêm tốn xếp ở vị trí thứ 6 trong ASEAN.

Theo Báo cáo của Hội Truyền thông số Việt Nam và Cục Tin học (Bộ TT&TT), việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các tỉnh trong năm 2017 còn chưa cao. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 hoàn toàn không phản ánh đúng thực trạng phát triển Chính phủ điện tử tại các tỉnh. Khoảng cách giữa các tỉnh trong việc phát triển Chính phủ điện tử hiện nay cũng là một vấn đề đáng lưu ý.

{keywords}
Sự xuất hiện của các cổng dịch vụ công trực tuyến đang dần làm thay đổi bộ mặt nền hành chính công Việt Nam. Tuy vậy, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 vẫn còn hạn chế. Người dân cũng chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ này. 

Số lượng dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến năm 2017 tại các tỉnh chỉ chiếm 11,54% tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Điều này dẫn đến tình trạng lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến tại một số tỉnh còn rất thấp so với số lượng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của tỉnh.

Nguyên nhân của tình trạng này là bởi dù sở hữu lượng người sử dụng Internet thuộc top đầu của thế giới, người dân Việt Nam vẫn chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn gặp phải một thách thức lớn đến từ việc xây dựng một hệ cơ sở dữ liệu chung của quốc gia. Hiện một số bộ, ngành đã tự xây dựng cơ sở dữ liệu cho mình nhưng khả năng liên thông chúng với nhau vẫn còn hạn chế.

Đây là nút thắt quan trọng cần phải giải quyết, bởi việc có được nguồn dữ liệu đầu vào tốt là nền tảng căn bản để tạo lợi thế cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước, từ đó giúp họ có thể tìm ra lời giải cho bài toán Việt Nam và cạnh tranh sòng phẳng với các dịch vụ công nghệ xuyên biên giới.

{keywords}
Cuộc chiến giữa taxi truyền thống và các hãng xe công nghệ như Uber, Grab chỉ là một trong số những bài toán về chính sách mà Việt Nam cần giải quyết nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số. 

Những lùm xùm xoay quanh việc cấp phép cho các dịch vụ gọi xe công nghệ cho thấy một rào cản lớn về mặt pháp lý cần được giải quyết ngay lập tức của Việt Nam. Nút thắt này chỉ có thể tháo gỡ thành công khi việc tiếp cận chính sách theo tư duy quản được thì mở, không quản được thì đóng bị loại bỏ.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, kinh tế số Việt Nam thời gian qua cơ bản là phát triển tự phát, nhưng phát triển khá nhanh. Điều này là do Việt Nam có nền tảng hạ tầng Viễn thông - CNTT khá tốt, phủ sóng rộng khắp với mật độ người sử dụng cao.

Một nguyên nhân quan trọng khác là người Việt Nam ham mê công nghệ, thích sử dụng công nghệ vào loại cao nhất trong khu vực. Bên cạnh đó, dân số Việt Nam trẻ, được đào tạo tốt, học toán tốt và lao động chăm chỉ, do tính cách người Việt Nam thích ứng nhanh với sự thay đổi.

Người đứng đầu Bộ TT&TT cho rằng, đây là lợi thế của Việt Nam khi tiến hành chuyển đổi số. Bây giờ là lúc Việt Nam cần có sự dẫn dắt của Chính phủ, cần có một Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế số.

Trọng Đạt