Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề "Thúc đẩy số hoá ngành Nông nghiệp" ngày 14/5/2024, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số Nguyễn Mạnh Hùng, đã chỉ rõ: "Nghiên cứu quốc tế cho thấy, chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp sẽ cho phép lao động nông nghiệp giảm được tới 23% chi phí. Quản lý đất đai nông nghiệp bằng công nghệ số, nhất là GPS, giảm được chi phí tới 14%. Dùng công nghệ số để bón phân tuỳ biến theo từng loại cây trồng thì tiết kiệm được tới 12%. Lái xe tự động trong nông nghiệp cũng giúp giảm tới 13% chi phí. Như vậy, công nghệ số, chuyển đổi số, tự động hoá sẽ giúp ngành Nông nghiệp giảm được rất nhiều chi phí. Chi phí cho công nghệ số, chuyển đổi số sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với phần chi phí tiết kiệm được".

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: 4 năm qua đã cho chúng ta một số kinh nghiệm quý để định ra các cách làm chuyển đổi số hiệu quả. Theo đó:

Thứ nhất là làm thí điểm. Làm thí điểm trước, làm cho đến nơi, cho đến thành công rồi copy ra cả ngành. Chuyển đổi số thì phải làm 100% toàn quốc mới hiệu quả, nhưng không thể đủ kinh nghiệm, nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực để làm ngay cả ngành. Bởi vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung vào làm thí điểm 1 xã, 1 huyện, 1 tỉnh. Làm cho đến tận cùng, làm cho đến thành công, làm cho thuận tiện và dễ dùng, làm cho hiệu quả, làm trên nền tảng số, rồi từ đó nhân rộng, làm nhanh ra cả ngành Nông nghiệp.

Thứ hai là dùng nền tảng số. Thời CNTT thì tất cả các Bộ, ngành và các địa phương đều làm phân tán, hầu như không có các hệ thống, nền tảng dùng chung toàn quốc. Vậy nên các nơi cứ tự làm từ A đến Z. Nhưng thời chuyển đổi số thì xuất hiện các nền tảng số dùng chung toàn quốc, các nền tảng trung ương. Bởi vậy mà phải làm rõ, cái gì là trung ương, cái gì là địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phải làm rõ và công bố cái gì là trung ương, cái gì là địa phương. Để cho địa phương yên tâm biết cái này là mình phải làm và được làm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì làm cái trung ương.

Thứ ba là hướng dẫn chi tiết. Cái gì mới, lại trừu tượng, lại công nghệ, lại chưa làm bao giờ (tức là đang còn lơ mơ) thì ban đầu rất cần hướng dẫn chi tiết giống như cầm tay chỉ việc, nhất là những cái cơ bản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phải làm rõ những cái cơ bản nhất của chuyển đổi số nông nghiệp là gì và có hướng dẫn chi tiết cho các tỉnh: Cái gì, làm như thế nào, ai làm và bao giờ xong? Nếu chúng ta không khởi động chuyển đổi số bằng cách như thế này thì chuyển đổi số sẽ chỉ lỗ chỗ một vài nơi. Khi đã khởi động được những cái cơ bản nhất trên phạm vi toàn quốc, thì các địa phương sẽ tự tin tự làm những cái tiếp theo.

Thứ tư là hợp tác với doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Việt Nam chúng ta có nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, có đủ năng lực giúp ngành Nông nghiệp chuyển đổi số thành công. Với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì công nghệ số là khó khăn. Nhưng với doanh nghiệp công nghệ số thì lại không khó. Nhưng doanh nghiệp công nghệ số thì không biết phải làm gì để chuyển đổi số nông nghiệp, không có nghề nông nghiệp, không có dữ liệu nông nghiệp. Chỉ cần ngành Nông nghiệp biết mình muốn gì, cung cấp dữ liệu nông nghiệp thì doanh nghiệp công nghệ số sẽ giúp được ngành Nông nghiệp chuyển đổi số. Cái gì ngành Nông nghiệp khó đầu tư thì các doanh nghiệp công nghệ số cũng có thể đầu tư để cung cấp lại cho Ngành dưới dạng dịch vụ. Sự hợp tác giữa ngành Nông nghiệp và doanh nghiệp công nghệ số là để mỗi bên cái gì dễ thì tập trung làm, cái gì khó thì không làm, để người kia làm.

Thứ năm là tìm ra các công thức thành công để nhân rộng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên đưa ra các công thức thành công về chuyển đổi số cho các lĩnh vực, các cấp, để có thể truyền thông, nhân rộng. Những công thức thành công ngắn ngọn, đúng bản chất, dễ hiểu, dễ làm theo, sẽ thực sự là một loại sức mạnh mang tính toàn dân. Thí dụ, Bộ Công an có công thức "Đúng, Đủ, Sạch, Sống" khi làm cơ sở dữ liệu dân cư; Chuyển đổi số Việt Nam là: "Chính phủ số + Kinh tế số + Xã hội số"; Kinh tế số Việt Nam là: "Công nghiệp CNTT và truyền thông + Kinh tế số các ngành + Quản trị số + Dữ liệu số"; Chuyển đổi số toàn dân là: "Đi từng ngõ, Gõ từng nhà, Rà từng đối tượng".

Bộ trưởng Bộ TT&TT góp bàn, sau Hội nghị này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có một kế hoạch hành động 2 năm 2024-2025 theo Đề án Chuyển đổi số sẽ được phê duyệt, để tập trung vào các yếu tố nền tảng, xây dựng các nền tảng số, xây dựng các cơ sở dữ liệu ngành, cập nhật đúng, đủ, sạch, sống, làm nền tảng thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, kinh tế số nông nghiệp.