Để chương trình thực sự đi vào đời sống một cách sâu rộng, các cơ quan báo chí cũng đang có những giải pháp bài bản, cụ thể nhằm làm tốt hơn nữa sứ mệnh của mình trong việc đưa chương trình chuyển đổi số xây dựng NTM, hướng tới NTM phát triển mạnh mẽ, rộng khắp.
Báo chí tạo đột phá xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh
Thời gian qua, chương trình xây dựng NTM ở Hà Nam đã đạt được những kết quả rất tích cực, tỉnh cũng đang triển khai thí điểm xây dựng các xã NTM thông minh, nông nghiệp công nghê cao…
Ngoài việc đều dặn đưa tin bài về xây dựng NTM, hiện Báo Hà Nam duy trì hiệu quả 1 tuần 1 trang về chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.
Để có những tin bài hay, các phóng viên đã bám sát cơ sở, đi thực tế các HTX, đồng ruộng để phản ánh cuộc sống người dân nông thôn, đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi số trong xây dựng NTM, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tuyên truyền về hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, chuyển đổi số chương trình OCOP.
Đồng thời, phản ánh những cách làm hay, các điển hình tiên tiến trong xây dựng NTM thông minh, NTM nâng cao, kiểu mẫu, thanh toán không dùng tiền mặt, hiệu quả của Tổ công nghệ số cộng đồng…
Qua đó đã nâng cao nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp và nhất là người dân về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số ngành nông nghiệp; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, góp phần lan tỏa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, kinh doanh cho nông dân toàn tỉnh.
Tổng Biên tập Báo Hà Nam - ông Lê Hồng Kỳ cho biết, để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền về xây dựng NTM, tới đây, báo sẽ xây dựng kế hoạch hằng năm; mở chuyên trang, chuyên mục trên các ấn phẩm và tăng cường thực hiện các tác phẩm báo chí đa phương tiện, đa nền tảng.
Tuyên truyền nhanh, đầy đủ, chính xác, kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM cũng như NTM thông minh đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tại Hà Nội, xác định công tác tuyên truyền về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thông minh là nhiệm vụ quan trọng để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức đúng, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ chuyển đổi số trong xây dựng NTM, thời gian qua, Báo Hànộimới đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, phóng sự về các địa phương với cách làm sáng tạo; phản ảnh những tấm gương điển hình trong công cuộc xây dựng NTM nâng cao, NTM thông minh.
Báo cũng đã thực hiện đa dạng hóa hình thức tuyên truyền và trên nhiều kênh thông tin, những cách làm hay, điển hình và những mô hình nông nghiệp, du lịch, làng văn hóa du lịch cộng đồng được giới thiệu và lan tỏa.
Đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên luôn có sự đổi mới về nội dung và hình thức trong tuyên truyền, thiết kế các chuyên mục, chuyên trang tạo nên những tác phẩm về NTM đặc sắc, thu hút người đọc.
Đồng thời, báo thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm để có nhiều thông tin và thông tin đa chiều, phục vụ tốt, hiệu quả cho quá trình chỉ đạo, điều hành của thành phố cũng như ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ trong một thời gian ngắn chương trình chuyển đổi số nông nghiệp của Hà Nội đã có bước phát triển đáng kể. Thành phố Hà Nội đã có hàng trăm mô hình ứng dụng công nghệ số do nông dân làm chủ được hình thành mang lại hiệu quả; hàng chục Tổ công nghệ số cộng đồng ra đời hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, đưa nhiều sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử…. Chuyển đổi số bước đầu đóng góp hiệu quả trong hoạt động của nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp Hà Nội.
Cần đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền
Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả trong việc tuyên truyền về chuyển đổi số trong xây dựng NTM, ông Mai Vũ Tuấn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Cần đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nhân vật trọng tâm là người nông dân thời đại 4.0 và một môi trường nông thôn mới thông minh, nền nông nghiệp chất lượng cao.
Do đó, đội ngũ phóng viên chuyên trách không ngừng nỗ lực, dành nhiều trách nhiệm, tâm huyết hơn nữa tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đi sâu, đi sát tìm hiểu đời sống người dân để phản ánh diễn biến thực tế đời sống nông thôn.
Các bài viết không chỉ đơn thuần phản ánh sự việc, sự kiện mà còn có những phát hiện nguyên nhân và đưa ra những giải pháp khắc phục; bài viết phải có tính phản biện xã hội cao, định hướng dư luận hiệu quả.
PGS.TS.Nguyễn Đức Dũng (Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định Truyền hình Nhân dân, Báo Nhân dân) nhấn mạnh, trong công tác truyền thông về xây dựng NTM, NTM thông minh cần tận dụng tối đa thành tựu của khoa học kỹ thuật, sử dụng mọi phương tiện thông tin, từ báo in đến báo điện tử, trang thông tin điện tử, các nền tảng mạng xã hội.
Ông Dũng cũng lưu ý, khi thực hiện truyền thông phải căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương để chọn vấn đề và thiết kế thông điệp phù hợp; đồng thời phải đẩy mạnh các phong trào thi đua, tôn vinh cá nhân, tập thể tiêu biểu; khen thưởng, động viên kịp thời những gương điển hình tiên tiến....
Quá trình truyền thông cần hướng dẫn nông dân cách tiếp nhận, xử lý thông tin để chọn lọc, vận dụng trong đời sống và sản xuất. Ngôn ngữ thông tin phải phù hợp với từng đối tượng, dễ hiểu, dễ đọc.
Sau hơn 12 năm thực hiện, chương trình xây dựng NTM đạt kết quả to lớn và toàn diện. Khu vực nông thôn nước ta đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân, góp phần quan trọng phát triển KT-XH của cả nước. Đạt được kết quả đó có sự đồng hành của các cơ quan báo chí. Trên hành trình xây dựng NTM, các cơ quan báo chí đã thể hiện tốt vai trò xung kích đưa chủ trương của Đảng, các chính sách của Nhà nước, của địa phương về chương trình xây dựng NTM đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, đồng thời, cổ vũ mạnh mẽ các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân chung sức, đồng lòng trong xây dựng NTM. |