Chuyển đổi số trong hợp tác xã (HTX) nông nghiệp giúp HTX thay đổi phương thức quản lý và phương thức tổ chức sản xuất kinh doanh nhằm sản xuất ra sản phẩm chất lượng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết, hiện cả nước có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 1.342 HTX trồng trọt, 74 HTX chăn nuôi, 74 HTX thủy sản, 04 HTX diêm nghiệp, 223 HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp. Trong số 17.777 HTX nông nghiệp có 21% HTX lập kế hoạch tổng thể cho thƣơng mại điện tử; 23% HTX bán các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử; 14% HTX thực hiện livestream; 7% HTX thực hiện quảng cáo trên Facebook...
Để đánh giá hiện trạng và hiệu quả của việc áp dụng công nghệ số tại các HTX nông nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ NN&PTNT đã thực hiện điều tra đánh giá tại 50 HTX nông nghiệp trên cả nước. Kết quả khảo sát cho thấy, các HTX đều được trang bị thiết bị công nghệ thông tin như: Máy tính để bàn, Laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng. Trung bình mỗi HTX được trang bị trung bình 2-3 cái máy tính để bàn và laptop. Khả năng ứng dụng công nghệ số trong HTX cho thấy, đa số các HTX ở các lĩnh vực đã được kết nối Internet và trang bị máy tính có cầu hình phù hợp để áp dụng phần mềm quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc.
Mức độ sử dụng Internet tại các hộ thành viên HTX ở mức cao, từ 70,5 - 81% số hộ thành viên. Tuy vậy, tỷ lệ hộ thành viên sử dụng điện thoại thông minh cho mục đích sản xuất lại tương đối thấp và biến động, dao động từ 34 - 60%. Đa phần các hộ thành viên thuộc các nhóm HTX khác nhau đều sử dụng các thiết bị thông minh phục vụ sản xuất kinh doanh ở mức dễ hoặc bình thƣờng. Tỷ lệ thành viên khó sử dụng các thiết bị này dao động ở mức 24 - 35% tùy loại hình HTX, cao nhất tại nhóm HTX thủy hải sản và thấp nhất ở nhóm HTX cà phê.
Đối với vấn đề truy xuất nguồn gốc, đa phần các hộ thành viên trong HTX đã biết đến khái niệm truy xuất nguồn gốc. Các nhóm HTX rau củ quả, cây dược liệu, nhóm HTX cây ăn quả, nhóm HTX cà phê, nhóm HTX chăn nuôi và nhóm HTX thuỷ hải sản đều có trên 70% số hộ thành viên biết đến khái niệm này. Nhóm HTX lúa gạo thấp hơn đáng kể khi chỉ có trên 50% số hộ thành viên biết đến khái niệm này. Sự khác biệt này có thể do đặc thù hàng hoá, sản phẩm của HTX. Tỷ lệ hộ thành viên có sử dụng tem nhãn cho sản phẩm dao động từ 25,8 - 69,2%.
Đối với việc sử dụng tem nhãn đã có mã truy xuất nguồn gốc, tỷ lệ sử dụng của các hộ thành viên dao động từ 5,8 - 33,3%. Cao nhất là tại nhóm HTX cà phê với 33,3% số hộ thành viên, tiếp đến là nhóm HTX cây ăn quả và nhóm HTX rau củ quả, cây dược liệu.
Từ kết quả khảo sát này, Bộ NN&PTNT cho rằng, chuyển đổi số trong phát triển HTX nông nghiệp là vấn đề mới, đòi hỏi phải được bắt đầu từ sự chuyển đổi trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý, thành viên của HTX. Hầu hết các HTX nông nghiệp đang hoạt động với phương thức thủ công, truyền thống, ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.
Để khắc phục vấn đề này, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 19/CT-TTg về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX… Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số…
Tăng cường huy động các nguồn lực, kết nối các đối tác trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã chuyển đổi số; kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua chuyển đổi số thể hiện qua việc tham gia các sàn thương mại điện tử, xây dựng website giới thiệu sản phẩm...
Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, các chính sách giúp các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX chuyển đổi số; nhận thức đầy đủ về xu thế tất yếu, thách thức và cơ hội của chuyển đổi số.
Chỉ thị cũng nêu rõ, Bộ NN&PTNT nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, quy định cho việc thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản bằng công nghệ số để bảo vệ và khuyến khích các nhà đầu tư, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao, hữu cơ và tuần hoàn; Triển khai số hóa cơ sở dữ liệu, thông tin về HTX nông nghiệp. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất kinh doanh; Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 (OCOP).