Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

Phát huy thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng, chị Lê Thị Doan ở bản Cồn Huốt 1 thuộc xã Phiêng Khoài (huyện Yên Châu) đã lấy cây mận hậu làm cây trồng mũi nhọn để phát triển kinh tế gia đình. 

Để trồng và chăm sóc cây mận hậu cho thu hoạch với sản lượng cao, ngoài việc tham gia các lớp tập huấn của địa phương tổ chức, chị Doan còn lên mạng Internet tìm hiểu và đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, nhờ đó mận hậu nhà chị cho ra quả to, chín đều, mọng nước, sản lượng ổn định, được người tiêu dùng ưa chuộng. 

Vào thời điểm vườn mận chín rộ cho thu hoạch, ngoài phương thức bán hàng truyền thống, chị Doan còn ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, internet, sử dụng mạng xã hội, mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng qua các kênh online như: Facebook, Zalo, Tiktok... Ngoài việc đăng giới thiệu sản phẩm mận hậu của địa phương trên trang cá nhân, chị Doan còn livestream để tăng tương tác....

Nhờ bán hàng chất lượng, chị Doan tạo được lượng khách của riêng mình, sản phẩm mận chị bán luôn được giá cao. Với 1.000 cây mận hậu đã cho thu hoạch, bình quân mỗi năm gia đình chị thu hoạch được khoảng từ 90 - 100 tấn quả, thu từ 800 - 900 triệu đồng.

Cũng giống chị Doan, chị Hà Thị Chình ở bản Văng Lùng (Xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu), cũng thường xuyên sử dụng mạng xã hội facebook, zalo để truyền tải các hình ảnh, video chăm sóc, thu hái vườn cây ăn quả và thưởng thức các loại trái cây ngay tại vườn, giúp kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản của gia đình. Từ những clip đăng tải trên mạng xã hội, ban đầu, nhiều người chỉ đặt một ít để ăn; sau đó, giới thiệu thêm nhiều bạn bè cùng mua. Đến nay, nhiều khách hàng ở các tỉnh khác đã trở thành đại lý của chị. Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ ngày một tăng.

Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ được người dân mà các hợp tác xã nông nghiệp khai thác tối đa dựa trên nền tảng công nghệ số. Hợp tác xã nông nghiệp Sơn La ở xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn) là đơn vị chăn nuôi bò thương phẩm, bò sinh sản và nuôi giun trùn quế hữu cơ.

Ông Trần Đức Miền, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Sơn La, cho biết, hợp tác xã đã áp dụng chuyển đổi số trong nuôi trồng và sản xuất. Khi các đơn vị đến thu mua sản phẩm, chỉ cần đánh mã số trên tem hoặc sử dụng điện thoại quét mã QR-Code được gắn trên con bò thì mọi thông tin về giống, quy trình chăm sóc, quá trình phát triển của con bò sẽ hiển thị đầy đủ. 

Sơn La là địa phương có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, với 84.000 ha cây ăn quả các loại, sản lượng khoảng 455.000 tấn/năm; trên 20.700 ha cà phê Arabica; trên 6.000 ha chè; trên 10.000 ha mía; trên 490.000 con trâu, bò, cùng diện tích lớn nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình... 

IMG_4058 used MS dê NTM Sơn La.jpg
Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp đã giúp người dân và các HTX áp dụng các công nghệ hiện đại trong canh tác nông nghiệp, tạo thuận lợi trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo dựng thương hiệu trên thị trường...

Xác định tầm quan trọng trong việc chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh, thời gian qua, tỉnh Sơn La quan tâm triển khai mạnh mẽ. 

Theo đó, tỉnh đã hướng dẫn người dân và các HTX áp dụng các công nghệ hiện đại trong canh tác nông nghiệp, liên kết chuỗi giá trị, thay đổi phương thức quản lý, đưa sản phẩm nông sản cũng như đặc sản địa phương lên các sàn TMĐT như Postmart, Voso...; xây dựng các chợ 4.0 gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm, mua sắm không dùng tiền mặt; định hình các sản phẩm OCOP trên địa bàn toàn tỉnh.

Đồng thời triển khai thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các hộ sản xuất nông nghiệp, tập huấn đào tạo trực tiếp cho các hợp tác xã trọng điểm của tỉnh, quảng bá xúc tiến thương mại, xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La trên sàn TMĐT. 

Tính đến nay, toàn tỉnh có 117.264 số tài khoản hoạt động trên sàn TMĐT; có 140.260 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng; có 2.466 sản phẩm của Sơn La đưa lên sàn TMĐT; có 49.916 giao dịch thành công trên sàn.

Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản tiêu biểu trên Trang thông tin doanh nghiệp và nông sản tỉnh Sơn La; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu đưa lên sàn Alibaba.com, Agrim, EC. 

Vừa qua, Tỉnh đoàn Sơn La đã tổ chức 12 phiên livestream “Chợ phiên OCOP - Sơn La - Về miền nông sản” thu hút hơn 20 triệu lượt tiếp cận, 572.180 lượt xem livestream. Kết quả, có 5 tấn nhãn Sông Mã cùng 2.350 đơn hàng nông sản được bán mang lại 467 triệu đồng doanh thu. 

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp, như mô hình về quản lý mã số vùng trồng; mô hình ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp kết hợp kỹ thuật canh tác trên cây xoài; mô hình ứng dụng IPM vào canh tác cam, quýt, nhãn; mô hình quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh….

Trong phát triển Chương trình OCOP, toàn tỉnh hiện có 154 sản phẩm OCOP được đánh giá và công nhận. Nhờ số hoá trong nông nghiệp góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, từ đó xuất hiện hàng trăm mô hình sản xuất mới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa có giá trị cao như nhãn, xoài, mận hậu, rau sạch… dần hình thành những vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Đời sống nhân dân ở các địa phương trong tỉnh ngày một nâng cao cả về vật chất lẫn văn hoá, tinh thần.

Kinh tế nông thôn ngày một phát triển mạnh là đòn bẩy thúc đẩy hoạt động xây dựng nông thôn mới lan tỏa, góp phần thay đổi diện mạo các vùng nông thôn của Sơn La.