Ứng dụng công nghệ thông minh trong PCTT
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, phòng, chống thiên tai là công tác yêu cầu rất cao mức độ khẩn trương, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Vì vậy, việc áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại và đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong phòng chống thiên tai (PCTT) là rất quan trọng.
Nhận thức được các vấn đề trên, những năm vừa qua Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa (thuộc Sở NN-PTNT) đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp, công việc cụ thể để triển khai chuyển đổi số trong công tác PCTT.
Cụ thể, đã lắp đặt trên địa bàn tỉnh 145 trạm đo mưa tự động ứng dụng công nghệ cao, tự động báo số liệu mưa theo giờ, đồng thời cập nhật số liệu trực tuyến lên các website (Website của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Vrain) để dễ dàng khai thác, sử dụng.
Ngoài ra, đã lắp đặt hệ thống quan trắc cảnh báo sớm lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, bao gồm 15 trạm đo mưa tự động thu thập các số liệu tại 15 xã thuộc 3 huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa để truyền về trung tâm xử lý, tính toán các khả năng gây lũ ống, lũ quét và sạt lở đất; 3 trạm thông tin báo bão và bắn pháo hiệu phục vụ công tác cảnh báo sớm, tham mưu cho việc chỉ đạo điều hành ứng phó với thiên tai.
Theo ông Cường, đến nay các trạm đo mưa tự động sau khi được lắp đặt đã hoạt động rất hiệu quả, làm dày mạng lưới quan trắc mưa trên địa bàn tỉnh, phục vụ đắc lực cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.
Đồng thời, các website liên tục cập nhật lượng mưa theo thời gian thực giúp công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai của Chi cục được sát đúng, hiệu quả. Ngoài ra, các website đều được tích hợp các tính năng số hóa, lưu trữ để tạo thành bộ cơ sở dữ liệu trong công tác PCTT.
Sở cũng đã triển khai rộng rãi ứng dụng Vrain (truy cập trực tiếp trên trình duyệt hoặc qua App trên các thiết bị di động thông minh) đến các cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền địa phương và toàn thể người dân biết, theo dõi và chủ động các biện pháp phòng, tránh phù hợp.
Số hóa trong vận hành hồ chứa, giám sát mực nước sông
Thanh Hóa là tỉnh có hệ thống công trình hồ chứa tương đối lớn (610 hồ chứa, đứng thứ 2 cả nước sau tỉnh Nghệ An), trong đó có 1 hồ quan trọng đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia (Cửa Đạt) và hệ thống các hồ chứa Thủy điện thuộc lưu vực sông Mã.
Hiện nay 11 hồ thủy điện thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã và các hồ chứa thủy lợi lớn đã được lắp đặt hệ thống camera giám sát công trình, theo dõi mực nước, hiện trạng công trình và truyền hình ảnh thực tế theo thời gian thực về Văn phòng thường trực chỉ huy PCTT tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong mùa lũ.
Thanh Hóa là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam, với 4 hệ thống sông chính là sông Hoạt, sông Mã, sông Bạng, sông Yên với tổng chiều dài 881 km, tổng diện tích lưu vực là 39.756km2; tổng lượng nước trung bình hằng năm 19,52 tỉ m3.
Vì vậy, hằng năm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thường xuyên xảy ra các đợt mưa lũ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Việc theo dõi mực nước sông được xác định bằng phương pháp thủ công: Mực nước được đo đạc theo các cung giờ 1h, 7h, 13h, 19h hằng ngày, nếu trong thời điểm xảy ra mưa lũ thì được cung cấp số liệu theo giờ. Việc thu thập các số liệu mực nước rất khó khăn, nguy hiểm và không đảm bảo tính cấp bách, kịp thời theo thời điểm để chủ động trong công tác chỉ đạo điều hành, phát lệnh báo động cấp độ lũ và các phương án ứng phó cho các địa phương.
Để giải quyết vấn đề khó khăn nêu trên, cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại ngày nay, Chi cục Thủy lợi đã trang bị hệ thống camera giám sát mực nước sông, hồ được lắp đặt tại 9 vị trí quan trọng trên địa bàn để theo dõi mực nước sông và diễn biến công trình đê điều.
Hệ thống camera được kết nối và truyền tải tín hiệu qua cổng website, ứng dụng hỗ trợ xem camera được kết nối 24/24 với hệ thống máy tính quản lý của văn phòng và các thiết bị di động kết nối được internet,
Đặc biệt, với camera hồng ngoại cho phép quan sát dễ dàng những gì xảy ra trong phòng ánh sáng yếu lờ mờ vào ban ngày và trong điều kiện ban đêm, đặc biệt với khả năng dịch chuyển 360 độ và độ phân giải hình ảnh cao khi thu, phóng tới vị trí cần quan sát.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong công tác chuyên môn để nâng cao hiệu quả chất lượng công việc. Quan tâm, có chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên môn am hiểu về CNTT làm hạt nhân trong công tác chuyển đổi số”, ông Cường cho biết.