Chiều 15/10, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn” với sự tham gia của UBND tỉnh, Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) và các doanh nghiệp.
Đồng Tháp tổ chức hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn” |
Bộ TT&TT hỗ trợ, Đồng Tháp tự tin chuyển đổi số
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết tỉnh đã nguyên cứu rất sâu dự thảo Nghị quyết, văn kiện của Đại hội 13. Trong đó, Đảng đề ra chủ trương phải thực hiện mạnh chuyển đổi số và áp dụng mô hình kinh tế số. Trong tháng 9, tỉnh đã ký thoả thuận với Bộ TT&TT và Bộ sẽ hỗ trợ xây dựng chiến lược chuyển đổi số và phát triển mô hình kinh tế số.
Đồng Tháp đã tổ chức hội thảo khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo và được các chuyên gia chuyển tải các nội dung về những lĩnh vực có liên quan đến chuyển đổi số và phát triển mô hình kinh tế số.
Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên sâu đi vào từng lĩnh vực.
Ông Nghĩa giải thích thêm, sau khi Bộ TT&TT xây dựng chiến lược, tỉnh sẽ bắt tay ngay vào làm sâu về chính quyền số. Trong lĩnh vực kinh tế doanh nghiệp, Đồng Tháp cũng chọn lĩnh vực trọng tâm đầu tiên là nông nghiệp.
Ông Nghĩa khẳng định, Đồng Tháp kiên quyết đẩy mạnh việc áp dụng, chuyển đổi số trong thời gian tới |
Trước đó, tỉnh đã "ươm mầm" những tiền đề để đủ điều kiện phát triển như thành lập các hội quán. Trong đó, các hội quán đều có trang bị điện thoại thông minh, hệ thống truyền trực tiếp màn hình.
"Đừng nghĩ làm nông nghiệp không liên quan tới chuyển đổi số và kinh tế số, tất cả đều có liên quan nên chúng ta không thể đứng ngoài”, Phó Chủ tịch UBND Đồng Tháp khẳng định.
Chuyển đổi số nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng, Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) cho biết, Đồng Tháp có nhiều thế mạnh về nhân lực và nguồn lực trong chuyển đổi số, cùng với đó Đề án Chuyển đổi số quốc gia sẽ là cơ sở thuận lợi để tỉnh thực hiện mục tiêu này.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh trình bày về định hướng chuyển đổi số cho Đồng Tháp |
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Hạnh cũng đưa ra nhiều lợi ích khi chuyển đổi số, đó là dự báo nhu cầu thị trường chính xác, dự đoán nguồn cung sản phẩm, giảm thiểu chi phí sản xuất, tối ưu chi phí phân bón, tưới tiêu, đặc biệt là giúp hoàn thành những việc con người không làm được như: Giám sát tình trạng cây trồng, vật nuôi một cách liên tục, phân tích diện rộng tình hình thời tiết, độ ẩm, sâu bệnh; từ việc chuyển đổi số nông nghiệp sẽ tạo ra những giá trị gia tăng, có thể truy xuất nguồn gốc, theo dõi quá trình tăng trưởng, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp Võ Thành Ngoan cho biết, bước đầu đã ứng dụng một số công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp.
Đơn cử như ứng dụng công nghệ thông tin kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, hạ tầng thủy lợi đã được số hóa và ứng dụng phần mềm MapInfow để quản lý và giám sát hệ thống đê điều; ứng dụng phần mềm báo cáo dịch bệnh trực tuyến trong báo cáo dịch bệnh trên đàn vật nuôi…
Tuy nhiên, theo ông Ngoan, hững kết quả bước đầu của việc chuyển đổi số trong NN&PTNT là đáng trân trọng, song chưa nhiều, việc thích ứng với kinh tế số để vận dụng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới hiện nay vẫn còn là thách thức, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn khá khiêm tốn.
Tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Công ty cổ phần Rynan Technologies Vietnam giới thiệu đến nông dân và các đại biểu những thiết bị hiện đại mới như: công nghệ đóng gói khí cải tiến, màng và khay đa lớp cản khí cao nhằm giúp tăng thời gian bảo quản sản phẩm nông nghiệp, máy đóng gói với khí cải tiến, máy in truy xuất nguồn gốc, đáng chú ý là thiết bị thông minh kết hợp trí tuệ nhân tạo trong sản xuất tôm...
Giải “nỗi đau” tụt hậu cho Đồng Tháp bằng chuyển đổi số
Dám xung phong thí điểm những việc mới để bứt phá trong chuyển đổi số sẽ là cách thức nhanh nhất để tỉnh Đồng Tháp giải được “nỗi đau” tụt hậu.
Hoài Thanh