Thư viện ngày càng thu hút nhiều người trẻ. Ảnh: Hà Tuyên.  

Thư viện miễn phí

Nhắc đến thư viện, nhiều người sẽ liên tưởng đến những căn phòng chất đầy sách và tài liệu giấy với nhịp làm việc chầm chậm trong không gian yên tĩnh. Muốn tìm một quyển sách cũng phải mất đến 15 phút lần giở từng thư mục, nhưng nay thư viện đã khác xưa rất nhiều.

Tại Hà Nội, để khuyến khích văn hóa đọc của người dân, các thư viện ngày càng được đầu tư khang trang và miễn phí sử dụng cho bạn đọc.

Ông Nguyễn Thanh Thủy, 87 tuổi (phố Khâm Thiên) “làm bạn” với Thư viện Hà Nội đến nay đã hơn 40 năm. Cứ 2 tuần ông lại đến đến mượn sách một lần.

Ông Thủy cho biết, bản thân rất mừng khi Thư viện Hà Nội hôm nay khang trang, tiện nghi hơn rất nhiều so với trước đó: “Nếu như trước đây tôi chỉ thấy những người cao tuổi đến thư viện thì nay tôi thấy rất nhiều bạn trẻ tìm đến. Sự tiện nghi, cách làm việc hiện đại hơn khiến mọi người vui vẻ, thoải mái khi đọc sách hay làm việc ở thư viện”.

Với mong muốn bạn đọc yêu thích sách giấy, báo in và đến với thư viện nhiều hơn, mới đây (ngày 4/7) HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi quy định về mức phí thư viện, miễn phí sử dụng thư viện công cộng trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, người dân được miễn phí sử dụng tài nguyên thông tin tại thư viện, mượn theo thời hạn quy định trong nội quy thư viện; Tra cứu thông tin trên không gian mạng; Tiếp nhận thông tin về tài nguyên thông tin thông qua hệ thống tra cứu hoặc hình thức tiếp nhận thông tin, tra cứu khác; Được giúp đỡ, tư vấn về tìm kiếm, lựa chọn tài nguyên thông tin phù hợp với yêu cầu.

Hiện có 10 thư viện tại Hà Nội được miễn phí: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Hà Nội, Thư viện Phạm Văn Đồng, Thư viện Tạ Quang Bửu, Thư viện Goethe (Viện Goethe), Thư viện Japan Foundation, Thư viện Hoa Kỳ (American Center), Thư viện Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, TOTO Infomation Center, CA’LIBRARY.

Bạn Đặng Thị Ngọc Linh, sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) thường xuyên đến Thư viện Quốc gia để nghiên cứu tài liệu vui mừng khi biết tin một số thư viện yêu thích được miễn phí. Thư viện đối với Linh không chỉ là nơi học tập mà còn là nơi giúp Linh thư giãn đầu óc bằng những cuốn truyện giải trí.

“Tôi thấy thư viện là nơi bổ ích bởi số lượng sách lớn đồng nghĩa với việc tôi có thể tìm thấy nhiều thông tin, kiến thức cần thiết phục vụ cho việc học. Bên cạnh đó, tôi cũng rất mừng khi nhiều thư viện đã đưa những trang sách giấy lên không gian số để tôi có thể truy cập đọc sách bất cứ khi nào”, Ngọc Linh chia sẻ.

Có thể thấy nhu cầu đọc sách để tìm hiểu kiến thức, thông tin của đa số người dân chưa hề mất đi nhưng để thúc đẩy văn hóa đọc tốt hơn nữa thì bên cạnh việc mở rộng thư viện, miễn phí sử dụng thì công cuộc chuyển đổi số trong hoạt động thư viện đã và đang được triển khai một cách đồng bộ và nhanh chóng để bắt kịp với xu hướng và nhu cầu của người dân, đặc biệt là những người trẻ.

 

Nhân viên Thư viện tỉnh Trà Vinh scan tài liệu chuyển thành bản điện tử phục vụ bạn đọc.

Thúc đẩy văn hóa đọc

Cách đây 2 năm, Chính phủ đã phê duyệt và ban hành “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu chung là ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

Theo Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới, trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thông tin, tri thức trong hệ thống thư viện phải được chuyển tải nhanh chóng tới bạn đọc qua mạng internet.

Vì vậy, việc chuyển đổi số ngành thư viện là xu thế tất yếu nhằm thỏa mãn nhu cầu tra cứu tài liệu từ xa, đọc sách trên mạng của độc giả. Việc chuyển đổi số còn giúp lưu giữ tài liệu cổ, giá trị, đồng thời tăng hiệu quả công việc của người làm thư viện.

Cho đến hiện nay, nhiều thư viện trên khắp cả nước đã chuyển đổi theo hướng thư viện số để thúc đẩy văn hóa đọc, giúp nhiều người dễ dàng có cơ hội được tiếp cận với “kho sách” lớn của quốc gia.

Với định hướng phát triển thư viện trở thành thư viện hiện đại, bằng kinh phí nhà nước và nguồn xã hội hóa, Thư viện Hà Nội đã đầu tư trang bị phần mềm quản lý thư viện SLIB; phần mềm sản xuất sách nói cho người khiếm thị Daisy; cùng hệ thống máy tính, máy scan, máy in laze, máy photo… phục vụ cho việc chuyển đổi số trong thư viện; Thư viện Quốc gia Việt Nam với hơn 180 nghìn sách, số báo được số hóa tương đương 10 triệu trang tài nguyên số: Luận án tiến sĩ, sách, báo, tạp chí Đông Dương, sách Hán Nôm...; Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM tự số hóa 5.812 tài liệu, số hóa sách dự án giai đoạn 2019 - 2022 với 11018 sách, 71.801 số báo...

Không chỉ tập trung số hóa thư viện ở các thành phố lớn, ở các tỉnh công tác chuyển đổi số trong thư viện cũng đang diễn ra một cách mạnh mẽ.

Tại Sơn La, Thư viện tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và vận hành, nâng cao năng lực phục vụ, phát huy giá trị tài liệu, tài nguyên thông tin. Trung bình mỗi năm, Thư viện tỉnh thu hút từ 900.000 đến 1 triệu lượt truy cập. Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh đang ứng dụng các phần mềm, như: Thư viện điện tử Libd 6.0; Thư viện số Liboldigtal 6.0; duy trì website https://thuviensonla.com.vn phục vụ công tác chuyên môn, phục vụ bạn đọc, với 1.305 tài liệu được số hóa là các đầu sách, truyện, chữ Thái cổ, với tổng 251.162 trang và hàng trăm video, audio về các tài liệu, tạp chí, sách, báo...

Đồng thời, thực hiện số hóa nội dung các tài liệu, đầu sách thành dạng trình chiếu, video trên website của thư viện; tích hợp mã QR code cho các tài liệu để bạn đọc dễ dàng tra cứu nhanh chóng, thuận tiện.

Hay Thư viện tỉnh Trà Vinh cũng đã có nhiều đổi mới trong chuyển đổi số hoạt động thư viện, từng bước hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, tạo đột phá cho công tác phục vụ bạn đọc.

Hiện thư viện có khoảng 220.000 bản sách giấy, trên 15.000 bản tài liệu điện tử, trên 800 đầu sách nói thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, thu hút học sinh, sinh viên đến tìm tài liệu phục vụ học tập khá nhiều.

Để khuyến khích học sinh đọc sách, Thư viện tỉnh liên kết các trường để nâng cao số lượng học sinh, khuyến khích học sinh đọc sách nhiều hơn. Có tài liệu điện tử, bạn đọc, nhất là học sinh truy cập vào đọc sách nhiều hơn.

Chuyển đổi số trong hoạt động thư viện đang mang lại những hiệu quả tích cực. Nhưng song song với hiệu quả là những thách thức, khó khăn cần phải vượt qua, đặc biệt là vấn đề bản quyền.

Đối mặt với thách thức

Chuyển đổi số trong hoạt động thư viện là “chìa khóa” trong tiếp cận bạn đọc, góp phần nâng cao dân trí. Tuy nhiên trong quá trình chuyển đổi, các thư viện đang gặp nhiều khó khăn về đầu tư hạ tầng công nghệ, đào tạo nhân lực và đặc biệt là nguồn tài liệu điện tử. Trong đó, vướng mắc về vấn đề bản quyền đang rất cần được tháo gỡ.

Theo quy định của Luật Thư viện, với nguyên tắc lấy bạn đọc của thư viện làm trung tâm; bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng thư viện của tổ chức, cá nhân, thư viện có trách nhiệm phải tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. T

rong đó, việc tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ tập trung bảo đảm thực thi các quy định về quyền tác giả đối với phát triển và phục vụ tài nguyên thông tin, đặc biệt là tài nguyên thông tin số.

Theo bà Kiều Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm trong chuyển đổi số thư viện là cung cấp bản sao tài liệu trên môi trường số nhằm phục vụ bạn đọc.

Hiện nay, các thư viện chủ yếu phục vụ nhu cầu học tập, giải trí tại chỗ; không tổ chức cho mượn hay phân phối bên ngoài thư viện và cũng không nhằm mục đích thương mại.

Tuy nhiên về vấn đề bản quyền, nguồn tài nguyên thông tin số trong các thư viện ở Việt Nam còn nghèo nàn. Nếu các thư viện có nguồn tài nguyên thông tin này cũng chưa chắc có thể đưa ra phục vụ bạn đọc vì một số quy định và thiếu sự đồng thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

“Vì một số quy định hiện hành và nhận thức của tác giả mà một số tài liệu, tác phẩm mới chỉ được đồng ý để các thư viện số hóa rồi lưu trữ. Trong khi đó, tài nguyên thông tin không được đưa ra phục vụ bạn đọc thì không phát huy được các giá trị. Điều này dẫn đến ngay cả với tác phẩm được tạo nên trong quá trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền… dù được đầu tư công phu, có giá trị nhưng không được lan tỏa rộng rãi, nhất là trên không gian mạng vì e ngại vi phạm quyền tác giả”, bà Nga nêu.

Còn ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TTTT) chỉ ra khúc mắc trong vấn đề bản quyền, đó là người giữ bản quyền thường ít khi đồng ý cho các thư viện số hóa tài liệu vẫn đang còn trong thời hạn bản quyền, nếu họ vẫn có ý định in lại hoặc tái bản có sửa chữa tài liệu đó. Ngoài ra, càng khó nhận được sự đồng ý nếu đơn vị giữ bản quyền là các NXB. Bởi lẽ, việc các thư viện số hóa tài liệu sẽ tác động đến thị trường xuất bản và sự tăng trưởng số lượng đầu sách.

Ở góc nhìn khác, TS Lê Tùng Sơn - Khoa Khoa học quản lý, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) phân tích, đặc trưng của thư viện đó là nơi lưu trữ các sản phẩm của tri thức, cũng là đối tượng được bảo hộ bởi quyền sở hữu trí tuệ (quyền tác giả), đây chính là rào cản đặt ra trong quá trình xây dựng nguồn dữ liệu số để chuyển đổi số - khâu đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số ngành thư viện.

Suy rộng ra, đó là rào cản trước yêu cầu thực hiện sứ mệnh phổ biến tri thức đến cộng đồng của thư viện với việc bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ (quyền tác giả) để bảo đảm cho quyền của chủ thể sáng tạo và tổ chức cá nhân đầu tư cho hoạt động sáng tạo. Vì vậy để thực hiện các định hướng của Chính phủ trong chuyển đổi số thư viện, vấn đề đầu tiên của ngành thư viện đó là giải quyết thấu đáo vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong chuyển đổi số thư viện.

Khác với số hóa, chuyển đổi số thư viện nhấn mạnh sự chuyển đổi trong toàn bộ dây chuyền thông tin tư liệu của thư viện, như vậy, khi xem xét những rào cản trong quy định của pháp luật hiện hành về quyền tác giả, cần xem xét trong toàn bộ các công đoạn của hoạt động thư viện, trong đó có thể nhận diện những rào cản như: Việc thực thi quyền sao chép theo quy định hiện hành tạo ra rào cản trong việc cung cấp tài nguyên thông tin dạng số gắn với liên thông thư viện; Việc thực thi quyền làm tác phẩm phái sinh tạo ra rào cản với việc phát triển sản phẩm thông tin thư viện dạng số phục vụ người sử dụng; Việc thực thi quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng và quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng tạo ra rào cản với hoạt động truyền thông của thư viện thông qua môi trường số.

Bên cạnh vấn đề bản quyền thì vấn đề kinh phí để trang bị thiết bị, phần mềm có thể hỗ trợ quản lý truy cập tài liệu số đảm bảo an toàn, an ninh và bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ với các tài liệu cũng là một trong những vấn đề cần sớm có giải pháp thiết thực để hoạt động chuyển đổi số được đẩy nhanh.

Để tạo đà cho thư viện số thúc đẩy văn hóa đọc trước hết vẫn cần xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực liên quan để theo kịp với tình hình thực tế. Chẳng hạn như vấn đề bản quyền tác giả, khi có được hành lang pháp lý vững chắc, các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả sẽ có niềm tin các tác phẩm của mình không bị vi phạm bản quyền sau khi được số hóa, cung cấp đến bạn đọc. Các thư viện cũng có căn cứ để thực hiện, triển khai các giải pháp chống vi phạm bản quyền trong quá trình chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT): Đưa sách đến gần hơn với người đọc trên không gian mạng 
Thư viện số đối với các nước không mới vì điều kiện, cách tiếp cận với dịch vụ công nghệ mới đã phát triển trước chúng ta một giai đoạn dài, còn với Việt Nam đây mới là điểm xuất phát, để xây dựng và phát triển được thư viện số và cung cấp dịch vụ thư viện số là cả một vấn đề phức tạp, ràng buộc nhiều quy định của pháp luật liên quan.

Vấn đề số hóa sách, tài liệu đòi hỏi một nguồn lực khá lớn cả về tài chính, chuyên môn, công nghệ, quản lý; vì vậy không thể triển khai một cách dàn trải, thư viện nào cũng làm sẽ là sự lãng phí, không hiệu quả và việc xử lý vấn đề bản quyền sẽ rất phức tạp. Bên cạnh đó việc liên thông chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý, các thư viện, các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành cần phải đồng bộ, tránh sự chia cắt.

Tuy nhiên, đây là một bài toán khó, vì trên thực tế việc luân chuyển, khai thác sử dụng sách in trong hệ thống thư viện phục vụ bạn đọc chỉ dừng lại ở phạm vi hạn chế; nay chuyển đổi số, không còn giới hạn về không gian và thời gian, đặt ra yêu cầu lưu trữ, khai thác, truy cập mở thì việc đảm bảo bản quyền số như thế nào khi thư viện cấp mã truy cập cho bạn đọc? Việc liên thông giữa các thư viện và sử dụng chung nguồn tài nguyên số cần xác lập tính pháp lý phù hợp, đảm bảo không tạo rào cản sự phát triển.

Vì vậy các cơ quan quản lý chuyên ngành nghiên cứu trong quá trình triển khai xây dựng thư viện số cần đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ thư viện của người dân trên các phương tiện công nghệ, góp phần đưa sách đến gần hơn với người đọc trên không gian mạng; tận dụng tốt thời cơ cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chuyển đổi phương thức hoạt động của hệ thống thư viện.

Ông  Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam: Thư viện không chuyển đổi số thì rất lãng phí 
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, ngành thư viện đã có tương đối đầy đủ hành lang pháp lý để hiện đại hóa thư viện, điều này đồng nghĩa với việc ngành thư viện từ Trung ương đến các địa phương sẽ chuyển dần từ “quản lý thư viện” sang “quản trị tri thức” và tài nguyên thông tin trong các thư viện và trung tâm thông tin - thư viện. Đây có thể coi là bước ngoặt quan trọng nhất, có tính chất quyết định nhất đối với ngành thư viện Việt Nam trong kỷ nguyên số, đồng thời cũng là bước đi phù hợp với quy luật phát triển của thời đại, phù hợp với xu thế phát triển ngành thư viện trên thế giới, phục vụ tối ưu cho bạn đọc.

Tuy nhiên chuyển đổi số trong công tác thư viện liên quan đến nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan, đó là: Nguồn lực tài chính, thời gian, trang thiết bị công nghệ và cơ sở vật chất..., song còn có một yếu tố rất quan trọng, liên quan đến công tác chuyển đổi số ở mỗi thư viện nước ta: Vấn đề bản quyền tác giả - một lĩnh vực thuộc sở hữu trí tuệ - cũng là một vấn đề có tính pháp lý mang tầm quốc gia và quốc tế.

Bản quyền tác giả trong chuyển đổi số hoạt động thư viện là vấn đề cần đặc biệt lưu ý khi chúng ta chuyển tài liệu từ dạng giấy sang dạng điện tử và chia sẻ tài nguyên thông tin, liên thông thư viện để tránh bị xử phạt theo quy định pháp luật.

Ngược lại, nếu các thư viện e ngại, sợ vi phạm mà không tiến hành chuyển đổi số mạnh mẽ theo lộ trình, kế hoạch hoặc tiến hành chuyển đổi số chỉ để phục vụ tại chỗ ở thư viện, không chia sẻ liên thông, không phục vụ qua mạng cho bạn đọc thì rất lãng phí và không hiệu quả.

Theo Phạm Ngọc Hà (Báo Đại doàn kết)