Du lịch 3.jpg
Bà Tô Thị Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng. 

Du lịch là ngành đi đầu chuyển đổi số tại tỉnh Cao Bằng. Theo bà Tô Thị Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, “chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và rất quan trọng đối với sự phát triển của du lịch nói chung, du lịch Cao Bằng nói riêng. Chuyển đổi số giúp cho việc tương tác giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và du khách dễ dàng hơn, đồng thời tăng hiệu quả tuyên truyền, quảng bá du lịch”.

Trong giai đoạn 2020 – 2023, tổng lượng khách du lịch đến Cao Bằng đạt trên 4 triệu lượt; tổng thu du lịch từ vé tham quan, lưu trú, lữ hành đạt trên 2.400 tỷ, tổng thu nhập xã hội đạt khoảng 5.300 tỷ. Riêng năm 2022, lượng khách du lịch đến Cao Bằng là trên 1,1 triệu lượt. Tính đến cuối tháng 12/2023, lượng khách đến Cao Bằng trong năm đạt khoảng 1,9 triệu lượt.

Một trong những yếu tố góp phần đem lại sự tăng trưởng doanh thu của ngành du lịch địa phương chính là chuyển đổi số. 

Tới thời điểm hiện tại, “bức tranh” chuyển đổi số du lịch của tỉnh Cao Bằng đang có khá nhiều “điểm nhấn” tích cực.

Điển hình như, tháng 4/2023, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch công bố ra mắt Cổng du lịch thông minh Caobangtourism.vn và app (ứng dụng) CaoBang Tourism trên smartphone với các tiện ích như du lịch ảo 360, booking đặt phòng, tra cứu thông tin địa điểm nhà hàng, khách sạn, các khu điểm du lịch…, giúp du khách tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí. 

“Hiện Cổng du lịch thông minh tỉnh Cao Bằng đã triển khai du lịch ảo và thuyết minh ảo với 7 khu/điểm du lịch trọng điểm, gồm 3 khu di tích cấp quốc gia đặc biệt (Khu di tích Bắc Pó, Khu di tích Rừng Trần Hưng Đạo; Khu di tích địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950 huyện Thạch An), và 4 di tích cấp quốc gia (Khu du lịch Thác Bản Giốc, Động Mường Ngao, Mắt thần núi và khu mộ anh Kim Đồng). Ngoài tiếng Việt thì Cổng du lịch thông minh đang có thêm phiên bản tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, thiết kế đơn giản, dễ tiếp cận, dễ tra cứu trên máy tính và điện thoại thông minh. Đến giờ, Cổng du lịch thông minh đã đạt khoảng 3 triệu lượt truy cập”, bà Trang thông tin.

Du lịch 1.jpg
Ứng dụng CaoBang Tourism rất thuận lợi cho du khách cũng như các đơn vị lữ hành trong việc tham quan các khu/điểm du lịch. 

Còn app CaoBang Tourism được thiết kế theo từng lĩnh vực cho du khách dễ tìm hiểu, có nhiều biểu tượng mang đậm bản sắc văn hóa Cao Bằng, thôi thúc du khách đến tham quan, trải nghiệm. Hiện có gần 200 điểm lưu trú được đưa vào ứng dụng. Tất cả khu điểm du lịch cũng như các nhà hàng, nhà nghỉ, cửa hàng ăn khi đưa lên ứng dụng đều có lựa chọn và đều có khảo sát thực tế, đảm bảo tiêu chuẩn.

“Các du khách phản hồi rằng ứng dụng CaoBang Tourism rất thuận lợi cho du khách cũng như các đơn vị lữ hành trong việc tham quan các khu/điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”, bà Trang nói thêm.

Khắc phục khó khăn để tăng hiệu quả chuyển đổi số du lịch

Báo cáo Kết quả triển khai các hoạt động chuyển đối số trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2023 của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số - Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đánh giá: Tỉnh Cao Bằng đã tích cực triển khai kịp thời, hiệu quả các hoạt động chuyển đổi số du lịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Kết quả bước đầu đáng ghi nhận, là cơ sở để triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hoạt động chuyển đổi số du lịch tại Cao Bằng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, nguồn nhân lực về chuyển đổi số, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số du lịch còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu kinh phí thực hiện các dự án, nhiệm vụ về chuyển đổi số du lịch. Số lượng dữ liệu về lĩnh vực du lịch được số hóa vẫn còn hạn chế, nhiều thông tin dữ liệu chưa được tạo lập, chuẩn hóa, số hóa để phục vụ việc tra cứu và chia sẻ…

Du lịch 2.jpg

Để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số du lịch Cao Bằng trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông ưu tiên sử dụng ngồn vốn Quỹ Viễn thông công ích hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đầu tư hạ tầng viễn thông phủ sóng di động băng rộng trong năm 2024 và năm 2025 cho 169 thôn, xóm chưa có sóng di động nhằm thúc đẩy phát triển xã hội số nói chung, phát triển du lịch nói riêng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ về chuyển đổi số; phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành du lịch từ Trung ương đến cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước, truyền thông quảng bá du lịch trên nền tảng số... để các địa phương ứng dụng, sử dụng thống nhất.

Bình Minh