Chuyển đổi số tạo đà cho phát triển
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT): Tính đến thời điểm này, 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đều có mạng cục bộ và kết nối internet; 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng để triển khai các dịch vụ, nền tảng số phục vụ việc quản lý, điều hành chung của tỉnh, bảo đảm an toàn thông tin.
Cùng với đó, 100% xã, phường, thị trấn có hạ tầng mạng cáp quang cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố; 100% khu vực dân cư được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G. Hiện, Viettel Hà Nam cũng đã triển khai phủ sóng mạng 5G tại khu vực trung tâm thành phố Phủ Lý, huyện Lý Nhân.
Dự kiến năm 2025, sẽ tiếp tục phủ sóng 5G trên phạm vi toàn tỉnh, coi đó là hạ tầng số quan trọng góp phần đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh.
Cùng với quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng số, Hà Nam hiện đang duy trì hiệu quả nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp tỉnh (LGSP) và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP).
Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh cũng đã tích hợp, kết nối 10 hệ thống thông tin của các sở, ngành. Một số chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội đã được các ngành cung cấp số liệu và cập nhật vào hệ thống.
Sau thời gian thử nghiệm, Trung tâm IOC đã bảo đảm các điều kiện an toàn, hiện đang chờ Bộ Công an cấp tài khoản để kết nối chính thức. Hoạt động của các hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử, Cổng Thông tin điện tử Hà Nam cũng đã được duy trì và phát huy hiệu quả.
Riêng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã cung cấp tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình; cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính của tỉnh; công khai toàn bộ quy trình giải quyết, kết quả giải quyết.
Tính đến cuối tháng 9/2024, hệ thống đã cung cấp 1.759 bộ thủ tục hành chính; trong đó có 1.193 dịch vụ trực tuyến toàn trình, 491 dịch vụ công trực tuyến một phần và 75 dịch vụ công khác.
Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 84,1%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 76,59%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 92,81%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 79,05%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt 0,23%.
Đối chiếu với Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, Hà Nam hiện xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố (xếp loại tốt); đứng đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình, đạt 66,61% (trung bình cả nước đạt 17%).
Đó chính là nền tảng quan trọng để Hà Nam tiếp tục bứt phá trong phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực thu hút đầu tư.
Tạo “cú hích” trong thu hút đầu tư
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/10/2024, toàn tỉnh thu hút được 71 dự án (tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2023) và thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư 52 dự án (tăng 62,5%) với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 11.260,8 tỷ đồng (tăng 33,6%) và 497,5 triệu USD (tăng 26,3%).
Trong đó, đối với dự án FDI thực hiện cấp mới 21 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 155,5 triệu USD; thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư 31 dự án (tăng 40,9%) với số vốn tăng là 342 triệu USD (tăng 237,6%).
Đối với dự án trong nước thực hiện cấp mới 50 dự án (tăng 127,3%), với tổng số vốn đăng ký là 9.803,4 tỷ đồng (tăng 59%); thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư 21 dự án (tăng 110%) với số vốn tăng là 1.457,4 tỷ đồng.
Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 1.242 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 837 dự án trong nước và 405 dự án FDI với vốn đăng ký là 180.690,6 tỷ đồng và 6.554,7 triệu USD.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 11 tháng đầu năm 2024, nhờ đó cũng ước tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn trong 11 tháng năm 2024 ước tăng 9,61% so cùng kỳ.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp FDI tăng 13,61%, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,77%...
Nhìn vào “bức tranh” thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua có thể khẳng định, CĐS đã góp phần tích cực, tạo “cú hích” trong thu hút đầu tư nói chung và thu hút FDI nói riêng.
Không chỉ giúp giảm thiểu các chi phí tài chính, chi phí nhân công và chi phí cho các sản phẩm trung gian, CĐS đã hỗ trợ các hoạt động tài chính xuyên biên giới trở nên nhanh hơn, tiết kiệm và an toàn hơn so với các loại hình khác.
Các rào cản đối với thương mại quốc tế cũng dần biến mất thông qua quá trình CĐS mang đến những cơ hội đầu tư mới cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Nhờ tận dụng các thành tựu của CĐS, ứng dụng công nghệ cao và giảm thiểu sử dụng công nghệ truyền thống, công nghệ cũ, lĩnh vực thu hút đầu tư của Hà Nam đã và đang hướng tới các giá trị phát triển bền vững.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ dưới tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, CĐS đã trở thành một xu thế mới nhằm thu hút dòng vốn FDI không chỉ riêng đối với Hà Nam.
Vì vậy, để tận dụng và khai thác tiềm năng của CĐS trong việc thu hút dòng vốn FDI, tạo “cú hích” trong thu hút đầu tư của tỉnh, theo ông Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian tới, Hà Nam tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả chương trình CĐS toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường thu hút đầu tư thông thoáng, minh bạch và hiệu quả; kết hợp linh hoạt các hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp và trực tuyến.
Đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng đáp ứng nhu cầu CĐS và phát triển nền kinh tế số; tập trung xây dựng nền hành chính công gọn nhẹ, thông minh, kiến tạo, kỷ luật.
Đẩy nhanh quá trình số hóa bộ máy quản lý nhà nước và thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị điều hành; tăng cường thu hút vốn FDI 4.0 (FDI có hàm lượng công nghệ cao)...
Theo Minh Thu (Báo Hà Nam)