Những năm qua, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của ngành phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế làm trung tâm.
Với mục tiêu trở thành diễn đàn thường niên và uy tín trong ngành Bảo hiểm, ngày 28/7, lần đầu tiên Hội nghị và Triển lãm cấp cao Bảo hiểm Việt Nam 2023 (Vietnam Insurance Summit 2023) được tổ chức tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tiến sỹ Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: Mục tiêu của sự kiện là tạo diễn đàn để các nhà quản lý, xây dựng chính sách, chuyên gia công nghệ thông tin, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp đối thoại, chia sẻ về chính sách, thể chế, giải pháp quản lý, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm; Tăng cường kết nối giữa các bên liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm; Kết nối đầu tư giữa các doanh nghiệp và các địa phương trong các lĩnh vực liên quan.
Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đánh giá, hiện nay, thị trường bảo hiểm phải đối mặt với nhiều thách thức như: Chuyển đổi mô hình quản lý, điều hành, thay đổi cấu trúc sản phẩm dịch vụ; Hạn chế rủi ro cũng như bảo mật thông tin khi chuyển dần các hoạt động kinh doanh truyền thống lên môi trường mạng.
Cơ quan quản lý lĩnh vực bảo hiểm luôn khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật, hài hòa giữa quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm và lợi ích của khách hàng.
Để thực hiện chiến lược phát triển bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030, thông qua việc đề cập và giải quyết những vấn đề tiêu biểu của ngành Bảo hiểm, hội nghị sẽ thu nhận được những đóng góp, giải pháp thiết thực cho chuyển đổi số ngành Bảo hiểm.
Ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud khẳng định, có thể nâng cao hiệu suất vận hành của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm bằng cách ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong các quy trình, nghiệp vụ của bảo hiểm.
Gia tăng nguồn khách hàng trong giai đoạn tới, doanh nghiệp cần nhắm đến đối tượng gien Z (sinh năm 1997-2012). Đây là những khách hàng tiềm năng của kênh trực tuyến (online) do thói quen sử dụng internet, mạng xã hội, các phần mềm, ứng dụng hiện đại và các thiết bị thông minh.
Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường ứng dụng công nghệ trong các khâu: Tiếp xúc khách hàng, trải nghiệm dịch vụ, mua hợp đồng, hỗ trợ thanh toán các trường hợp được hưởng bảo hiểm…
Ông Trương Tuấn Lâm, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Tập đoàn Bảo Việt chia sẻ về những giải pháp ứng dụng AI giải quyết bồi thường tự động. Trong đó, AI có thể thực hiện tự động các công đoạn như: Phân loại chứng từ, đánh giá kết quả xét nghiệm, phân tích chứng từ và tổng hợp chi phí y tế.
AI cũng có thể tính toán đề xuất phương án bồi thường cho khách hàng. Nhờ ứng dụng AI, có thể giảm 1/ 2 thời gian xác thực hồ sơ so với quy trình truyền thống, đồng thời rút ngắn tới 60% thời lượng giải quyết quyền lợi đối với hồ sơ được hỗ trợ tự động.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia nhận định, chuyển đổi số là tất yếu trong ngành Bảo hiểm để nâng cao hiệu quả, tiết giảm chi phí và mở rộng khách hàng. Tuy nhiên, vấn đề bảo mật cần được thực hiện nghiêm ngặt trong quá trình số hóa dữ liệu khách hàng cũng như khi áp dụng công nghệ mới, ứng dụng mới để tiếp xúc với khách hàng như sử dụng chat-bot tự động, tư vấn trực tuyến…
Quyết tâm chuyển đổi số, các doanh nghiệp bảo hiểm phải chấp nhận khó khăn, sai sót, phải tính đến vấn đề con người, công nghệ và bảo mật an toàn thông tin. Để thành công, các doanh nghiệp cần thực hiện chuyển đổi số đúng thời điểm, chọn đúng bài toán, đúng công nghệ và có đơn vị đồng hành trong quá trình chuyển đổi số.
BHXH Việt Nam vừa nâng cấp chức năng tra cứu thông tin đóng BHXH tự nguyện, BHYT của người tham gia tại các Tổ chức dịch vụ thu trên Cổng TTĐT BHXH Việt Nam từ ngày 03/8/2023.
Với chức năng này, người dân khi nộp tiền đóng BHXH tự nguyện, BHYT cho nhân viên thu của Tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn (Bưu điện, PVI, Viettel…), nhân viên thu sẽ cập nhập thông tin vào hệ thống phần mềm quản lý của Tổ chức dịch vụ thu kết nối tự động với phần mềm quản lý của BHXH Việt Nam.
Hệ thống sẽ cung cấp ngay Mã xác nhận. Người dân có thể dùng Mã xác nhận này để tra cứu trực tuyến thông tin đóng trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam tại địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn.
Cụ thể như sau:
Bước 1: Người tham gia truy cập vào Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam tại địa chỉ https://baohiemxahoi.gov.vn/
Bước 2: Chọn chức năng Tra cứu trực tuyến
Bước 3: Chọn chức năng Tra cứu thông tin ghi nhận đóng BHXH, BHYT
Bước 4: Nhập thông tin để tra cứu bao gồm: Mã xác nhận (do Tổ chức dịch vụ thu cung cấp)
Bước 5: BHXH Việt Nam cung cấp thông tin cho người tham gia theo Mã xác nhận và Mã số BHXH/Số CCCD.
Thông tin cung cấp bao gồm: Thông tin của người tham gia: Mã số BHXH, Họ và tên, Ngày sinh, Giới tính, Số CCCD, Loại hình tham gia (BHXH tự nguyện, BHYT), Số tiền đóng, Số tháng đóng, Ngày ghi nhận; Thông tin của tổ chức dịch vụ thu: Mã tổ chức dịch vụ thu, Tên tổ chức dịch vụ thu, Mã nhân viên thu, Tên nhân viên thu, Mã cơ quan BHXH ký hợp đồng, Tên cơ quan BHXH ký hợp đồng.