Qua 2 năm thực hiện, công tác chuyển đổi số (CĐS) đang tác động tích cực, mang lại hiệu quả cao trong quản lý và dạy học của các trường.
Trường THPT Lê Quí Đôn (Bình Đại) ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
Xây dựng nền giáo dục thông minh
Xác định nền tảng cơ bản của CĐS trong giáo dục là phải dựa vào cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu số chuyên ngành, tỉnh đã ưu tiên bố trí kinh phí 68 tỷ đồng thực hiện các dự án CĐS ngành giáo dục. Đến nay, các trường đã đảm bảo điều kiện triển khai ứng dụng CNTT; 100% cơ sở giáo dục công lập có kết nối Internet, trang bị phần mềm nền tảng dạy học trực tuyến (LMS) và các thiết bị kỹ thuật số khác đáp ứng việc dạy học trực tuyến.
Theo Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Công nghệ thông tin, Sở GD&ĐT Võ Thanh Vương Đạo: Mục tiêu CĐS của ngành GD&ĐT là chuyển đổi các quy trình quản lý, nội dung dạy học sang quy trình nghiệp vụ trên môi trường mạng, hình thành kho học liệu số nhà trường. Đồng thời, tích hợp, kết nối liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu giữa các trường học và với cơ quan quản lý giáo dục.
Với mục tiêu đó, ngành GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng kế hoạch để tổ bộ môn xây dựng các bài dạy trực tuyến và tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp ở một số bài học, chuyên đề, chủ đề học tập các môn học của các khối lớp học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đảm bảo tỷ lệ nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai dạy học bằng hình thức trực tuyến đạt ít nhất 5% ở cấp tiểu học, từ 7 - 10% ở cấp THCS và THPT.
Kết quả đến nay, 100% tổ bộ môn nhà trường có cung cấp các khóa học, tài liệu tham khảo, video dạy học, bài tập... cho học sinh (HS); 50% giáo viên thực hiện theo dõi quá trình học tập, tương tác, nhận/trả lời các câu hỏi hỗ trợ HS học tập trên hệ thống LMS. Các trường đã xây dựng quy định cho phép HS mang thiết bị phục vụ học tập trực tuyến để thực hiện học tập, kiểm tra, đánh giá... trên LMS của nhà trường với sự hướng dẫn và quản lý của giáo viên dạy lớp.
Đầu năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT đã hoàn thành việc trang bị hệ thống kho học liệu dùng chung. Hiện nay, các cơ sở giáo dục đã lựa chọn các bài dạy, nội dung ôn tập, câu hỏi, đề kiểm tra có chất lượng cung cấp lên kho học liệu. Sắp tới, Sở GD&ĐT sẽ từng bước cung cấp tài liệu học tập mở cho HS, giúp các em có thêm cơ hội tiếp cận nội dung, tài liệu dạy học từ giáo viên các trường khác trong tỉnh.
Hiệu quả quản lý và dạy học
Theo đánh giá của ngành GD&ĐT, nội dung CĐS của ngành rất rộng, đa dạng, nhiều cơ sở giáo dục có nhiều cách làm hay, sáng tạo, góp phần hình thành bức tranh toàn cảnh CĐS của ngành. Ngoài việc tác động lớn đến quá trình dạy và học, công tác quản lý còn là một trong những nội dung chịu sự chi phối mạnh mẽ của CĐS, giúp giảm tải gánh nặng và khối lượng công việc mà công tác quản lý truyền thống mang lại.
Tại Trường THCS Lê Hoàng Chiếu (Bình Đại) đã và đang tập trung vào 2 nội dung chính: CĐS trong quản lý và CĐS trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá. Trong quản lý giáo dục, nhà trường rà soát, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu ngành thật chính xác để liên thông lên phòng, sở, Bộ GD&ĐT, triển khai các dịch vụ công trực tuyến trong tuyển sinh lớp 6, ứng dụng các phầm mềm để quản lý, điều hành như: quản lý tài chính, quản lý cơ sở vật chất, thiết bị, thời khóa biểu, VnEdu... Trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá nhà trường triển khai hệ thống dạy học trực tuyến LMS.
Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hoàng Chiếu Uông Quang Minh cho biết: Xác định CĐS có tầm quan trọng cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong lĩnh vực giáo dục, nhà trường đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện cho 23 lớp, với 878 HS và 53 giáo viên, nhân viên. Hàng năm, ngoài trang thiết bị được cấp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường dành khoảng 85 triệu đồng đầu tư mua sắm trang thiết bị, phần mềm, bảo trì... để thực hiện CĐS phục vụ công tác quản lý và dạy học.
Trường THCS Lê Hoàng Chiếu xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng nền tảng LMS năm học 2022-2023 định hướng đến năm 2025 và triển khai đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ HS và HS. Kết quả, trường cấp 929 tài khoản cho giáo viên và HS. 100% GV đưa kế hoạch bài dạy lên hệ thống để kiểm duyệt, 100% HS được kiểm tra trực tuyến trên hệ thống LMS và bước đầu đã đưa một số chủ đề dạy học lên kho tài liệu dạy học trực tuyến để chia sẻ cho HS nhằm đa dạng hóa nguồn tài liệu dạy học phục vụ đổi mới phương pháp dạy học.
Giáo viên Trường THPT Lê Quí Đôn (Bình Đại) Lê Thị Xuân Diễm chia sẻ: Thông qua các nhóm Zalo, giáo viên có thể thông tin một cách chính xác và nhanh chóng các thông tin cần thiết đến với phụ huynh HS và HS cũng như nhận được phản hồi từ các bộ phận có liên quan. Thông qua việc ứng dụng CNTT vào trong quản lý và giảng dạy giúp cho nhà trường thực hiện tốt công tác quản lý trong nhà trường, công tác thông tin, báo cáo cũng nhanh chóng, chính xác...”, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quí Đôn Nguyễn Văn Bé cho biết.
Bài, ảnh: Phan Hân (Báo Đồng Khởi)