Với Phú Yên, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đang mang lại sức bật, cơ hội để tỉnh bứt phá trong thời kỳ mới.
Hòa vào dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Phú Yên đang khắc phục khó khăn, tận dụng lợi thế của người đi sau triển khai các giải pháp số hóa, tạo sức bật mạnh mẽ để bứt tốc vươn lên.
Sở TT&TT tuyên truyền về chuyển đổi số cho lực lượng đoàn viên thanh niên, cán bộ phụ trách chuyển đổi số ở miền núi. Ảnh: THỦY TIÊN
Bắt nhịp chuyển đổi số
Chỉ sau vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, chị Trần Thị Ngọc Giàu ở phường 5 (TP Tuy Hòa) đã hoàn tất việc nộp hồ sơ thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công của thành phố. Bây giờ chị chỉ cần theo dõi online tình trạng hồ sơ trên cổng hay mạng xã hội zalo, chờ các cơ quan quản lý nhà nước trả kết quả giải quyết qua tài khoản dịch vụ công của mình.
Chị Giàu cho biết: Việc nộp hồ sơ thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến mang lại nhiều thuận tiện, người dân không cần phải xếp hàng chờ đợi hàng giờ liền. Tôi mong chất lượng mạng kết nối giữa các hệ thống thông tin liên thông, ổn định, giúp người dân nộp hồ sơ trực tuyến được nhanh chóng, thuận lợi.
Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, chuyển đổi số (CĐS) không còn là xu hướng mà đã trở thành nhu cầu tất yếu đối với sự phát triển bền vững của các địa phương. Tại Phú Yên, CĐS đang được coi là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh. Những năm qua, Phú Yên đã có những kết quả đáng kể trong xây dựng hạ tầng CNTT và triển khai các ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành.
Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, toàn tỉnh đã thiết lập các hệ thống thông tin dùng chung đồng bộ, thống nhất, 100% cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo quản lý và điều hành qua môi trường mạng, hình thành nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của trung ương.
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành liên thông qua trục liên thông văn bản điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử được xây dựng tập trung, thống nhất liên thông từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Hệ thống thư điện tử công vụ cấp phát hơn 10.000 tài khoản.
Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến cấp huyện và kết nối trung ương, tích hợp phần mềm MS Teams đến cấp xã và hỗ trợ trực tuyến mở rộng đến cá nhân, tổ chức; hệ thống phòng họp không giấy đã triển khai tại HĐND và UBND tỉnh; hệ thống IOC TP Tuy Hòa; hệ thống camera giám sát trên địa bàn đã đi vào hoạt động và hỗ trợ cho công tác quản lý, điều hành đô thị…
Phụ nữ ở làng nghề dệt Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) hướng dẫn nhau cách quảng bá sản phẩm thổ cẩm của làng nghề trên mạng xã hội. Ảnh: THỦY TIÊN
Cơ hội vươn mình
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TU, ngày 21/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Phú Yên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Phú Yên đã đạt nhiều thành tựu CĐS, tạo ra những thay đổi toàn diện trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, xây dựng cuộc sống hiện đại, tiện ích để có thể vững vàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông Lê Tỷ Khánh, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Một trong những kết quả nổi bật của tỉnh là việc triển khai Chính phủ điện tử, với Hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, LGSP hoạt động ổn định, kết nối thông suốt Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia và các bộ, ngành trung ương hỗ trợ tích cực trong triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh (nằm trong nửa tốp trên so với các địa phương trong cả nước).
Đến nay, Phú Yên đã có 718 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành được duy trì triển khai đồng bộ cho 100% công chức, đảm bảo gửi, nhận liên thông 4 cấp từ trung ương đến địa phương qua Trục liên thông văn bản quốc gia; tỉ lệ trao đổi văn bản điện tử có ký số đạt 100%...
“Với lợi thế người đi sau, đúc rút kinh nghiệm từ các tỉnh, thành phố cả nước, nhất là các tỉnh lân cận và tương đồng, năm 2024, Phú Yên đã triển khai có kết quả nhiều hạng mục trong Đề án CĐS của tỉnh. Trong năm 2025, tỉnh sẽ tăng tốc hoàn thành các nhiệm vụ còn lại”, ông Lê Tỷ Khánh nhấn mạnh.
Ở các lĩnh vực KT-XH, CĐS cũng đã thúc đẩy nhiều thay đổi trong hoạt động của doanh nghiệp và thói quen sinh hoạt hằng ngày của người dân. Bà Lê Thị Hằng, chủ cửa hàng đặc sản Lê Hằng (TP Tuy Hòa) cho hay: CĐS đã giúp thế giới trở nên phẳng hơn, không còn giới hạn về không gian và thời gian, giúp cơ sở tiếp cận và mở rộng thêm tệp khách hàng.
Nếu như trước đây, việc kinh doanh chủ yếu từ mua bán trực tiếp tại cửa hàng và khách hàng chủ yếu là khách du lịch; còn nay khi mua bán trên môi trường mạng, khách hàng của cơ sở được mở rộng ra khắp cả nước. Hiện hơn 50% đơn bán của cửa hàng đến từ việc mua bán trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội và các trang thương mại điện tử. CĐS đã mang lại cơ hội mở rộng kinh doanh theo cách giản đơn nhất, hiệu quả vượt trội mà lại ít tốn chi phí.
Tỉnh tập trung khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc đầu tư phát triển hạ tầng số và cung cấp dịch vụ công nghệ; hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn… để tận dụng nguồn lực, kinh nghiệm và chuyên môn, tạo nên sức bật mới.