Chiều 30/12, tại Thái Nguyên đã diễn ra Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 01 ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Thái Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực về chuyển đổi số
Trong năm 2021, công tác xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số của Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Hệ thống Quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh đã vận hành ổn định với 2,1 triệu lượt gửi/nhận văn bản, giúp tiết kiệm trên 8 tỷ đồng tiền gửi/nhận văn bản qua đường bưu điện.
Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 01 ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên. |
Ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, xây dựng phòng họp trực tuyến đến 178/178 xã, phường, thị trấn.
Tổng cộng đã có hơn 200 cuộc họp trực tuyến được thực hiện trong năm qua. Hiện 100% thủ tục hành chính công đủ điều kiện của Thái Nguyên đã được cung cấp ở mức độ 4 trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Thái Nguyên đã triển khai thí điểm Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh (IOC), thí điểm thành phố thông minh tại thị xã Phổ Yên và thành phố Sông Công. Tỉnh còn thí điểm chuyển đổi số tại 2 xã Sảng Mộc (huyện Võ Nhai) và xã La Bằng (huyện Đại Từ). Hoạt động quản lý, làm việc hàng ngày của chính quyền địa phương được tích hợp công nghệ nhiều hơn. Người dân 2 xã được tiếp cận gần hơn với Internet, khám chữa bệnh từ xa thông qua hệ thống TeleHealth.
Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên. |
Thái Nguyên cũng là địa phương tích cực tích hợp các giải pháp công nghệ vào công tác phòng chống dịch.
Trong chương trình chuyển đổi số của mình, Thái Nguyên cũng rất chú trọng việc phát triển kinh tế số thông qua việc triển khai các giải pháp thanh toán trực tuyến và giúp người nông dân đưa nông sản của mình lên các sàn thương mại điện tử.
Theo ông Đỗ Xuân Hòa - Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên: “Chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát vào định hướng của Bộ TT&TT, Nghị quyết số 01 về chuyển đổi số và Kế hoạch số 80 của Ủy ban tỉnh để làm tốt công tác tham mưu, thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả như kế hoạch đã đề ra với mong muốn có sự tham gia tích cực từ người dân, doanh nghiệp vào sự nghiệp chuyển đổi số”.
Chuyển đổi số là con đường ngắn nhất để Thái Nguyên phát triển
Sau một năm thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên được Bộ TT&TT đánh giá, xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn an ninh mạng thuộc nhóm 7 địa phương xếp hạng A, dẫn đầu cả nước.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên, Đảng bộ tỉnh lựa chọn chuyển đổi số để đưa vào Nghị quyết đầu tiên bởi nhận thức được đây là xu hướng tất yếu, là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để giúp phát triển kinh tế xã hội, giúp tỉnh cất cánh, thay đổi thứ hạng.
Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải. |
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực chuyển đổi số, lấy đây làm kim chỉ nam, làm chìa khóa, làm nền tảng, đòn bẩy để phát triển.
Chuyển đổi số sẽ giúp Thái Nguyên thực hiện giấc mơ của mình, đó là trở thành trung tâm phát triển kinh tế, xã hội lớn, không chỉ của vùng Trung du miền núi phía Bắc mà còn của vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Thái Nguyên là hình mẫu về chuyển đổi số tại địa phương
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau một năm quay lại, đã có nhiều thay đổi trong công cuộc chuyển đổi số của Thái Nguyên.
Bộ TT&TT đánh giá Thái Nguyên đã có những chuyển biến rất tích cực về chuyển đổi số. Tỉnh đã làm tốt những vấn đề liên quan đến sự khởi động, dẫn dắt, định hướng của tỉnh ủy.
Ngay từ năm 2020, Thái Nguyên đã bắt đầu khởi động chuyển đổi số với Nghị quyết số 01 ngày 31/12/2020 và lấy đó làm kim chỉ nam cho hoạt động chuyển đổi số. Đây là một trong những địa phương đầu tiên ban hành nghị quyết chuyên đề về chương trình chuyển đổi số.
Về sự quyết tâm của người đứng đầu, Thái Nguyên cũng là địa phương đầu tiên có ngày chuyển đổi số (ngày 31/12).
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. |
“Kết quả chuyển đổi số của Thái Nguyên cho thấy một bài học về niềm tin. Đây là hành trang lớn nhất đối với tỉnh Thái Nguyên, tạo cảm hứng cho 62 tỉnh thành còn lại để vững bước đi nhanh hơn trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Nhiều người nói muốn phát triển bứt phá phải có một giấc mơ lớn. Bí thư Nguyễn Thanh Hải đã khơi dậy được một khát vọng lớn của tỉnh.
Chuyển đổi số cũng giống như đi khai phá một vùng đất mới, một thế giới mới. Nếu muốn chuyển đổi số, phải đi học hỏi tinh thần của những người đi khai phá, di cư, tìm đến thế giới mới lập nghiệp.
Chuyển đổi số là một con đường dài, không có kết thúc. Cách để học hỏi nhiều nhất là chia sẻ. Bộ TT&TT sẽ chia sẻ câu chuyện thành công về chuyển đổi số của Thái Nguyên ra toàn quốc và kinh nghiệm của các tỉnh thành khác cho Thái Nguyên.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng máy tính bảng cho một số em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. |
Để tạo ra bước đột phá tiếp theo cho chuyển đổi số Thái Nguyên, tỉnh cần trở thành một thị trường số rộng lớn. Dữ liệu giống như một loại tài nguyên mới. Nếu Thái Nguyên đưa mọi hoạt động lên môi trường số sớm, tỉnh sẽ trở thành địa phương giàu tài nguyên nhất Việt Nam.
Chuyển đổi số cần một hạ tầng số hiện đại. Thái Nguyên có thể trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành các chỉ tiêu về hạ tầng số. Thái Nguyên cũng cần nâng cao kỹ năng số cho mọi người dân và phổ cập hơn nữa các nền tảng chuyển đổi số quốc gia.
Theo người đứng đầu Bộ TT&TT, Thái Nguyên nên tự tìm ra cho mình một khái niệm, cách tiếp cận riêng về chuyển đổi số, tạo ra “chuyển đổi số phiên bản Thái Nguyên”. Nếu làm được điều này, đây sẽ là sự đóng góp lớn nhất của tỉnh cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Trọng Đạt - Kiên Trung
Thái Nguyên chuẩn bị gì cho cuộc cách mạng chuyển đổi số?
GĐ Sở TT-TT Thái Nguyên Đỗ Xuân Hoà chia sẻ, Thái Nguyên đã biến Nghị quyết Chuyển đổi số thành chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, cách làm rất chặt chẽ, chắc chắn, bài bản.