Thái Nguyên đang đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước trên bảng xếp hạng chuyển đổi số quốc gia. Mặc dù vậy, vùng đất trung du "nửa đồng, nửa núi" này đã phải vượt qua chặng đường không bằng phẳng để có được kết quả của ngày hôm nay.
Bà con người Dao ở xóm Ba Họ (xã Yên Ninh, Phú Lương) sử dụng Internet di động băng thông rộng để kết nối các tiện ích phục vụ đời sống.
Trở ngại từ nhận thức
Vùng đất Lân Thùng, xã Phương Giao (Võ Nhai), có hơn 90 hộ dân tộc Mông sinh sống. Nhiều năm nay, không ít gia đình ở đây vẫn chịu cảnh chạy ăn từng bữa. Do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên bà con không bận tâm để hiểu CĐS là gì.
Ông Dương Văn Hầu, một người dân ở Lân Thùng: Người dân mình vẫn còn nghèo lắm, chỉ mải lo kiếm tiền chứ chưa quan tâm về CĐS đâu…
Những chia sẻ của ông Hầu là rất thực tế bởi trong suy nghĩ của những hộ dân còn nhiều gian khó, CĐS là một câu chuyện vô cùng mông lung. Điều đáng nói, Lân Thùng không phải là ngoại lệ bởi ở huyện vùng cao Võ Nhai, người dân ở các địa bàn khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đều có chung tư duy như vậy (huyện có 12 bản có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống với trên 1.400 hộ dân, 6.300 nhân khẩu).
Là địa phương khó khăn của tỉnh với trên 17.700 hộ dân, hơn 75.000 nhân khẩu, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 73%, năm 2021, huyện Võ Nhai bắt đầu thực hiện CĐS từ những khó khăn như thế.
Mặc dù không phải là địa bàn vùng cao nhưng ở thời điểm năm 2021, 2022, nhận thức về CĐS của người dân ở các huyện như Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ… cũng không khá hơn Võ Nhai là mấy. Ngay cả ở khu vực trung tâm huyện như thị trấn Chợ Chu (Định Hóa), thị trấn Giang Tiên (Phú Lương), thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), người dân cũng cảm thấy “khó thở” khi đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” phải thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến (online) thay vì nộp trực tiếp đơn và các giấy tờ liên quan.
Bà Nguyễn Thị Thơ, ở tổ dân phố Phú Thịnh, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ): 3 năm trước, mỗi khi giải quyết các thủ tục hành chính, tôi cảm thấy phiền phức khi cán bộ địa phương yêu cầu phải kê khai thông tin trên hệ thống điện tử. Bản thân những người đã nghỉ hưu như tôi thấy rất khó khăn và thiếu tự tin khi thực hiện các thao tác.
Người dân đóng vai trò quan trọng trong quá trình CĐS. Do đó, khi nhận thức của bà con còn hạn chế, đồng nghĩa với việc, CĐS sẽ gặp nhiều trắc trở. Đây chính là một bài toán khá hóc búa khi năm 2021 Thái Nguyên bước vào "đường đua" chinh phục CĐS, chuyển từ lời nói thành hành động, đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào phục vụ đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương...
Còn cán bộ chưa quen làm việc trên môi trường mạng
Năm 2021, khi Thái Nguyên “khởi động” chương trình CĐS với quyết tâm cao nhất, vẫn còn một số đơn vị, địa phương trong tỉnh nhập cuộc khá lúng túng. Ông Lương Văn Lịch, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thượng Nung (Võ Nhai), chia sẻ: Khi ấy, chúng tôi yêu cầu cán bộ, công chức xã ứng dụng CNTT vào phục vụ công việc nhưng do đã quen với việc làm thủ công nên mọi người bắt nhịp khá chậm.
Cũng bởi cán bộ còn chưa thích nghi được với quá trình làm việc trên môi trường mạng nên đã gây ra những câu chuyện “dở khóc, dở cười”. Ông Bàn Sinh Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ), nói: Năm 2021, trình độ ứng dụng CNTT của đa số cán bộ, công chức xã còn ở bậc “tiểu học”. Nhiều người chỉ quen soạn thảo văn bản trên máy tính; gửi thư qua gmail… chứ chưa chủ động trong việc sử dụng các hệ thống ứng dụng CNTT đã được đầu tư. Đơn giản như việc gửi giấy mời, nhiều người vẫn quen in ra giấy, lấy chữ ký lãnh đạo rồi cho vào phong bì, dán tem gửi đến đơn vị được mời. Họ hầu như chưa quen với việc gửi giấy mời trên hệ thống điện tử…
Không riêng gì cấp xã, huyện, tại cấp tỉnh, một số cán bộ ở các ngành cũng rất áp lực khi ứng dụng CNTT vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, cán bộ kế toán Cục Quản lý thị trường tỉnh, chia sẻ: Là kế toán, khi CĐS, chúng tôi phải làm quen với phần mềm kế toán chuyên nghiệp. Bước đầu thực hiện đúng là rất bỡ ngỡ nên mất nhiều thời gian để thích nghi…
Từ những chia sẻ ở cơ sở cho thấy, khi mới bắt tay vào CĐS, chính quyền các cấp gặp khó khi việc ứng dụng CNTT của nhiều cán bộ, công chức hạn chế. Cùng với đó, một bộ phận cán bộ, công chức chưa nhận thức hết tầm quan trọng của ứng dụng CNTT nên chưa tích cực thay đổi thói quen làm việc, chưa chủ động học tập và trau dồi kỹ năng ứng dụng CNTT vào trong công việc…
Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ
Bước vào thực hiện CĐS, hạ tầng CNTT ở Thái Nguyên còn không ít hạn chế kể cả với các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn. Ngay như với ngành Y tế, một trong những điểm sáng trong CĐS trên địa bàn tỉnh năm 2021, việc đầu tư cho hạ tầng CNTT vẫn gặp vô vàn khó khăn khi thiếu nguồn kinh phí đầu tư mua sắm, trang bị và duy trì các phần mềm, hệ thống máy móc, công nghệ bảo quản, sao lưu dữ liệu và lưu trữ số…
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: 3 năm trước, hạ tầng kỹ thuật CNTT của các đơn vị thuộc Sở vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và hiện đại; mạng nội bộ của nhiều đơn vị chưa đạt chuẩn; công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. 17 đơn vị khám, chữa bệnh của ngành có mức hạ tầng thấp. Phần mềm, cơ sở dữ liệu, định dạng dữ liệu… chưa hoàn toàn đồng nhất giữa các đơn vị và hầu hết chưa đáp ứng các quy định về chuẩn HL7. Đặc biệt, ngành Y tế chưa có các phần mềm quản lý chuyên ngành như quản lý hành nghề y dược, quản lý hoạt động thanh tra y tế…
Là địa bàn khó khăn, trước đây, xóm Khuổi Mèo (xã Sảng Mộc, Võ Nhai) không có đường truyền Internet. Năm 2022, tỉnh tặng máy vi tính cho xóm để giúp người dân tiếp cận với Internet, phục vụ chuyển đổi số.
Tại các huyện, thành phố; các đơn vị cấp xã, hạ tầng CNTT còn khó khăn hơn, đặc biệt là ở huyện vùng cao Võ Nhai. Bà Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai, cho hay: Địa phương có 15 xã, trong đó hầu hết đều khó khăn về hạ tầng số, nhất là những xã xa trung tâm huyện như: Sảng Mộc, Thần Sa, Thượng Nung, Phương Giao, Nghinh Tường… đường truyền Intenet đều ở tình trạng kém. Đặc biệt, nhiều xóm, bản trong huyện không có sóng di động, trình độ dân trí không đồng đều, mức sống của người dân còn thấp, hạ tầng viễn thông, CNTT chưa đồng bộ…
Từ thực tế có thể thấy, Thái Nguyên đã bắt đầu “chinh phục” con đường CĐS đầy trở ngại như thế. Mặc dù vậy, chặng đường nhiều gian nan ấy đã dần được tỉnh “hóa giải” theo thời gian.
Năm 2021, khi CĐS còn là việc làm mới và khó đối với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Thái Nguyên đã xây dựng chương trình hành động với quyết tâm cao nhất bằng nhiều mục tiêu dài hơi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Dù vậy, thời điểm này, xếp hạng về xã hội số của tỉnh còn thấp (đứng thứ 37/63 tỉnh, thành phố); kinh tế số đứng thứ 19/63. Đặc biệt là hưởng thụ về CĐS của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế; một số cơ quan, đơn vị chưa dành sự quan tâm cho Chương trình CĐS.