Công ty TNHH thực phẩm Đồng Gia (phường Khai Quang - Vĩnh Yên) có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh được cấp chứng nhận, gồm nem thính tươi, nem thính bùi, nem chua tươi.
Từ năm 2023 đến nay, bên cạnh hình thức kinh doanh truyền thống, công ty còn quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nhiều trang thương mại điện tử (TMĐT) như https://donggiafood.com; Facebook, Zalo, PostMart.com.vn... nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Mới đây, sản phẩm nem Đồng Gia Food của công ty được số hóa thương hiệu trên các trang web của tỉnh.
Sản phẩm của Công ty TNHH thực phẩm Đồng Gia (phường Khai Quang - thành phố Vĩnh Yên) đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao được lên các sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.com.vn. Ảnh: Thế Hùng
Ông Đồng Anh Tú, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH thực phẩm Đồng Gia cho biết: Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số mà nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm của đơn vị nhiều hơn.
Hiện nay, các sản phẩm của Đồng Gia Food có mặt tại các trạm dừng nghỉ trên địa bàn tỉnh, các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, hệ thống siêu thị Đồng Xanh, Co.opmart, Go!Vĩnh Phúc... và tại một số tỉnh, thành trên toàn quốc như Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên…
Trung bình mỗi ngày, Đồng Gia Food cung cấp ra thị trường từ 400 - 700 quả nem và 100 kg giò; doanh thu bình quân đạt 6 - 7 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Chủ động ứng dụng chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm nông sản, Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Tâm Đức (Vĩnh Yên) đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các nền tảng trực tuyến như zalo, facebook, website; xây dựng các app bán hàng riêng.
Ông Lê Đức Minh, Giám đốc công ty cho biết: Mặc dù đã có thị trường tiêu thụ ổn định rau, củ quả tại một số cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, siêu thị mini trên địa bàn tỉnh, song, công ty vẫn áp dụng chuyển đổi số quảng bá, giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm qua kênh online. Đến nay, khoảng 10% sản lượng nông sản của HTX được tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc qua nền tảng số.
Bắt nhịp với chuyển đổi số, bên cạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận sử dụng các sàn TMĐT như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo…, và các mạng xã hội như Youtube, Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok, Twitter... để quảng bá, tìm kiếm thị trường, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất.
Năm 2023, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh hướng dẫn nông dân đăng ký mở 885 tài khoản trên sàn TMĐT Postmart.vn và đưa 207 sản phẩm đủ điều kiện, tiêu chuẩn đưa lên sàn TMĐT.
Cuối năm 2023, Hội Nông dân tỉnh và VNPT Vĩnh Phúc đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số giai đoạn 2023 - 2028.
Theo đó, các đơn vị đã đào tạo, hướng dẫn, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hảnh sản xuất và kinh doanh; triển khai ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, chế biến, quảng bá và tiêu thụ nông sản nhằm nâng cao doanh số tiêu thụ, tăng độ tin cậy cũng như quảng bá các sản phẩm nông sản rộng rãi trên thị trường trong nước và quốc tế.
3 năm liền (2021-2023), tỉnh Vĩnh Phúc luôn duy trì vị trí tốp 15 tỉnh có chỉ số phát triển thương mại điện tử tốt nhất cả nước.
Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, động lực tạo đột phá cho sự phát triển bền vững, toàn diện của tỉnh với mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có 100% các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn TMĐT; hơn 90% các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp quy mô sản xuất nông sản hàng hóa được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an toàn thông tin.
Để thực hiện đạt mục tiêu, Đề án “Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” đưa ra các giải pháp triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ.
Trong đó tập trung kết nối, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn TMĐT; tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho doanh nghiệp, HTX, nông dân; đẩy mạnh không dùng tiền mặt trong mua bán, trao đổi và kinh doanh nông sản; gắn kết phát triển thương mại điện tử với Chương trình mục tiêu quốc gia mỗi xã một sản phẩm.
Từ đó làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh, giá trị kinh tế cao.
Theo Mai Liên (Báo Vĩnh Phúc)