Từ ngày xã Thiên Lộc được huyện chọn làm điểm trong xây dựng nông thôn mới thông minh, công tác điều hành của đội ngũ cán bộ các thôn đã có nhiều đổi mới.

Hà tĩnh 1.jpg
Người dân thôn Trung Thiên, xã Thiên Lộc cập nhật tình hình, sự chỉ đạo của thôn qua nhóm zalo chung.

Thay vì đến nhà văn hóa để thông báo trên loa truyền thanh hoặc “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để báo tin như trước, giờ đây, chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh, cán bộ thôn Trung Thiên có thể đăng tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như văn bản chỉ đạo của địa phương lên nhóm zalo của thôn.

Thông tin sẽ nhanh chóng được người dân tiếp nhận. Các hoạt động của thôn cũng được theo dõi kịp thời qua hệ thống camera giám sát an ninh. Nhờ đó, mọi nhiệm vụ, công việc chung của thôn được triển khai kịp thời, thuận lợi.

Tại thôn Hòa Thịnh, xã Thiên Lộc, một trong những thuận lợi, tiện ích mà chuyển đổi số mang lại cho người dân đó là mua sắm thông qua các phương tiện thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt.

Theo đó, thời điểm hiện tại các quán ăn, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn thôn đều trang bị bảng quét mã QR. Người mua hàng chỉ cần quét mã qua điện thoại là có thể thanh toán chi phí.

“Xây dựng NTM thông minh gắn với chuyển đổi số đã tác động tích cực đến cuộc sống người dân, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Chúng tôi ai nấy đều phấn khởi bởi những tiện ích thông minh đang được “phủ sóng”, bà Đặng Thị Hương - thôn Hòa Thịnh, xã Thiên Lộc chia sẻ. 

Hà tĩnh 2.jpg
Người dân thôn Hòa Thịnh mua sắm không dùng tiền mặt.

Nhận thấy rõ chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu tạo ra giá trị gia tăng mới cho nông sản, thời gian qua, nhiều nông dân Can Lộc đã mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Các công việc trước đây được thực hiện thủ công như tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật nay được thực hiện bằng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới thông minh, quy trình canh tác tiên tiến.

Nhiều sản phẩm chủ lực của các địa phương như cam, bưởi, mật ong, dưa lưới... được đăng ký tem mác, mã vạch, thuận tiện cho giao dịch.

Ông Lê Vạn Hải - Giám đốc HTX nông nghiệp Gia Phúc, xã Thường Nga chia sẻ: “Việc sử dụng các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livetream) đăng các sản phẩm lên Facebook, Zalo, Tiktok để quảng bá sản phẩm giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm bớt khâu trung gian, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn".

Hà tĩnh 3.jpg
HTX Gia Phúc, xã Thường Nga thực hiện công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây.

Xác định chuyển đối số nhằm thay đổi phương thức làm việc, sản xuất kinh doanh của người dân, chính quyền, doanh nghiệp, từ đó mở ra cơ hội phát triển bền vững, Can Lộc đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tốt việc chuyển đổi số trên địa bàn.

Cùng với hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, huyện cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ quan hành chính; tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh lựa chọn các sản phẩm nông sản để quảng bá, tiếp thị và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm VNeID trên thiết bị di động thông minh để thuận tiện trong các giao dịch cơ bản...

Trên tinh thần chỉ đạo của huyện, các xã, thị trấn cũng đã đầu tư, nâng cấp hệ thống mạng nội bộ đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đáp ứng nhu cầu công việc chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong giao dịch.

Hà tĩnh 4.jpg
Cán bộ địa phương hỗ trợ người dân chuyển đổi số.

 Ông Nguyễn Hữu Sơn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nghèn cho biết: "Tại bộ phận một cửa, thời gian qua, địa phương cũng đã đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bố trí đầy đủ trang thiết bị, máy tính, máy in phục vụ cho công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. 100% văn bản đi, đến của cơ quan được xử lý qua môi trường mạng. 100% cán bộ, công chức xã có tài khoản thư điện tử công vụ, được trang bị máy tính phục vụ công việc".

Từ những giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong đẩy mạnh chuyển đổi số ở Can Lộc đang góp phần tạo chuyển biến sâu sắc về tư tưởng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, là động lực để cấp ủy, chính quyền, Nhân dân trên địa bàn thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

"Để tăng cường công tác chuyển đổi số, thời gian qua Can Lộc đã đẩy mạnh truyền thông về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chuyển đổi số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; phát động và triển khai chiến dịch ra quân hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số như: sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn mua bán trên các sàn thương mại điện tử, bảo vệ bản thân và gia đình trên môi trường mạng, tìm kiếm thông tin hiệu quả trên môi trường mạng internet.."

Ông Mai Khắc Trung - Trưởng Phòng VH-TT huyện Can Lộc.

Theo ANH THƯ - ĐÌNH NHẤT (Báo Hà Tĩnh)