Từ ngày được lựa chọn là địa phương đầu tiên của tỉnh Bình Dương thực hiện "Đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 kết hợp với triển khai mô hình thử nghiệm làng thông minh”, xã Bạch Đằng đã có sự thay đổi rõ rệt. Chất lượng sống của người dân làng Bạch Đằng ngày càng được nâng cao; cơ sở hạ tầng được thực hiện đầu tư đồng bộ; mạng lưới Internet, wifi được phủ sóng rộng rãi, các ứng dụng IoT (Internet of Things) trong nông nghiệp thông minh và các ứng dụng, nền tảng, số hóa trong y tế, giáo dục, nông nghiệp… được triển khai mạnh mẽ, mang lại diện mạo mới rõ rệt của xã nông thôn mới thông minh.
Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng Nguyễn Minh Sang, cho biết, trên lộ trình xây dựng Làng thông minh xã Bạch Đằng, công tác bảo vệ môi trường luôn được chú trọng. Thời gian qua, có sự đóng góp không nhỏ của Hội LHPN trong việc tạo môi trường xanh, sạch, đẹp thông qua các hoạt động như phân loại rác thải tại nguồn, xây dựng đường hoa… gắn với triển khai cuộc vận động xây dựng "Gia đình 5 không, 3 sạch"; các phong trào văn hoá, văn nghệ đã giúp lan toả và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong xã.
Đến nay, đã có 52,93% hộ gia đình tham gia phân loại rác thải tại nguồn; 77,63% hộ gia đình trong xã đã tham gia mô hình "Xanh, sạch, đẹp, sáng" với các tiêu chí về môi trường và cảnh quan nông thôn. Hiện tại, tỷ lệ thu gom rác thải đạt 93,78%, giúp duy trì vệ sinh môi trường tại địa phương; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 100%, trong đó 98,4% hộ sử dụng từ hệ thống cấp nước tập trung. Ngoài ra, để ứng dụng công nghệ xử lý rác thải hữu cơ và làm phân bón vi sinh, giúp cải thiện chất lượng đất và giảm ô nhiễm môi trường, xã cũng đã thành lập Câu lạc bộ IMO (chế phẩm vi sinh bản địa) với 20 thành viên.
Hiện nay, hệ thống mạng lưới giao thông ấp liên kết với 37 tuyến đường đã được nâng cấp thành đường bê tông hoặc đường nhựa và được trồng thêm hoa, cây xanh hai bên đường, tạo cảnh quan tươi đẹp. Đồng thời, xã cũng đã tiến hành đầu tư mạng điện chiếu sáng tiết kiệm năng lượng bằng đèn LED trên một số tuyến đường; dự kiến đến năm 2025, sẽ có khoảng 80% tuyến đường trong xã được trang bị hệ thống đèn LED.
Xã cũng đã lắp đặt 52 mắt camera tại 38 điểm và wifi công cộng tại 4 địa điểm, tăng cường an ninh và tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân trong việc kết nối mạng, nhanh chóng truy cập tiếp cận thông tin mới.
Trong nông nghiệp, Bạch Đằng là một trong những địa phương tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, xã đã phát triển vườn bưởi VietGAP, có áp dụng hệ thống tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo chất lượng.
Hợp tác xã bưởi Bạch Đằng đã tích cực tham gia dự án ứng dụng công nghệ BlockChain và hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm (mTrace), giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra sản phẩm. Đến nay, hơn 50.000 tem truy xuất nguồn gốc đã được trao cho các hộ dân trồng bưởi.
Bên cạnh sản phẩm bưởi, dự án lúa hữu cơ tại xã cũng thu hút 21 hộ nông dân tham gia, với diện tích 21,9 ha. Vì vậy, Bạch Đằng không chỉ có cây bưởi được chứng nhận VietGAP mà còn có một sản phẩm đạt OCOP 3 sao, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Năm 2019, thu nhập bình quân của người dân Bạch Đằng đạt 60 triệu đồng/người/năm, đến năm 2023 đã tăng lên 88,62 triệu đồng/người/năm. Kinh tế nông thôn phát triển mạnh, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng cũng được đẩy mạnh; chất lượng giáo dục ngày càng tăng. Công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,25%. Các hoạt động quảng bá du lịch sinh thái tại xã Bạch Đằng đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Đầu tháng 9/2024, xã Bạch Đằng được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, Bạch Đằng đáp ứng 29/39 chỉ tiêu thuộc 18 tiêu chí Làng thông minh.
Thời gian tới, xã tiếp tục đầu tư mở rộng và nâng cấp mạng lưới Internet, đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận được Internet tốc độ cao; triển khai các ứng dụng IoT trong nông nghiệp thông minh, giúp người nông dân theo dõi và quản lý sản xuất hiệu quả hơn; triển khai các ứng dụng, nền tảng, số hóa cho các lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục, nông nghiệp và quản lý tài nguyên; đào tạo nâng cao năng lực sử dụng công nghệ số cho cư dân. Qua đó, phấn đấu đạt 100% sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của địa phương được quảng bá, giới thiệu trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử; 80% hộ dân, 100% cơ sở đăng ký kinh doanh sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến; 100% trường học trên địa bàn xã triển khai nền tảng số, dịch vụ giáo dục thông minh…