Động lực phát triển toàn diện
Chuyển đổi số được xác định là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra. Để thực hiện nhiệm vụ này, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp.
Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025, chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (bao gồm: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số) nằm trong top 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, không để xảy ra mất an toàn an ninh mạng, thực hiện chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở để tương tác với người dân.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định chuyển đổi số là động lực phát triển toàn diện của tỉnh, vừa cấp bách, vừa lâu dài, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. “Làn gió” chuyển đổi số đã phủ khắp mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội.
Cụ thể, trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, đến nay, Vĩnh Phúc đã tích hợp được gần 800 thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Xây dựng hệ thống hội nghị trực tuyến với hàng trăm điểm cầu tại các sở, ban, ngành, đơn vị cấp huyện và cấp xã trong tỉnh, góp phần triển khai nhiệm vụ một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Nền kinh tế số của tỉnh cũng bắt đầu hình thành với gần 7.200 doanh nghiệp đăng ký ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh, với nhiều mức độ khác nhau. 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt (POS). Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử.
Về phát triển xã hội số, đến nay, tỉnh có hơn 88% dân số sử dụng thuê bao băng rộng cố định và băng rộng di động. Ngành giáo dục tích cực triển khai đào tạo trực tuyến, xây dựng kho dữ liệu ngành, triển khai phần mềm soạn thảo giáo án điện tử.
Về phía Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc, cơ quan này đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể về chuyển đổi số như: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm. Số hóa phần mềm quản lý nghiệp vụ đoàn viên, thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Tổ chức đại hội thanh niên không giấy tờ, quét mà QR đọc tài liệu. Số hóa việc học tập các nghị quyết, tài liệu, văn bản các cuộc họp; vận hành các trang thông tin điện tử trên các Fanpage, Zalo. Tổ chức các cuộc thi, hội nghị, hội thảo theo hình thức livestream hoặc sử dụng các phần mềm online kết nối với các cơ sở đoàn..
Ngành y tế ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học kết hợp với công nghệ số để chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị phù hợp cho từng người bệnh; thực hiện khám chữa bệnh từ xa...
Thời gian qua, một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cũng đã bắt đầu tận dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, xây dựng website bán hàng, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, tìm kiếm thị trường, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất.
Hiện có khoảng 30 hợp tác xã nông nghiệp đang thực hiện ứng dụng một hoặc một số loại công nghệ cao trong sản xuất và quản lý như: Lắp đặt hệ thống tưới tự động, công nghệ nhà lưới, nhà kính, nhà màng có hệ thống điều khiển bán tự động, dán tem truy xuất nguồn gốc; sử dụng các phần mềm quản lý kế toán, kê khai thuế, thư điện tử, lưu trữ dữ liệu, chữ ký số...
Hệ thống ngân hàng, các đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ thiết yếu trong đời sống sinh hoạt cũng đã tích cực, tiên phong trong việc phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng phương thức thanh toán qua tài khoản hoặc các ví điện tử như Momo, Zalo Pay hay Viettel Money, góp phần mở rộng độ bao phủ, tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, tạo nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số.
Kinh tế số chiếm trên 25% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt trên 15%; năng suất lao động tăng bình quân trên 11%. Đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm 35% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt trên 30%; năng suất lao động tăng bình quân trên 13%.
Phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm theo định hướng “Make in Viet Nam” - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam tại các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đóng góp vào phát triển kinh tế số.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số và phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, thay đổi cách thức quản trị hành chính từ truyền thống sang hiện đại, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát triển ứng dụng dịch vụ mới theo hướng dùng chung hạ tầng số, nền tảng số bảo đảm khả năng sử dụng dữ liệu số và công cụ phân tích thông minh để kịp thời đưa ra các quyết sách trong công tác quản lý nhà nước.
Chuyển đổi số là thời cơ, vận hội
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân là do một số đơn vị, doanh nghiệp chưa thực sự chủ động tham gia hội nhập với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đánh giá toàn diện thì chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh Vĩnh Phúc chưa đáp ứng, chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế- xã hội của tỉnh. Năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc xếp hạng rất thấp về chuyển đổi số (DTI).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, trong đó có nguyên nhân chủ quan rất quan trọng là nhận thức của nhiều người, đặc biệt là người đứng đầu trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị còn chưa quyết tâm chính trị, chưa thực hiện công việc đúng vai, đúng mức và đúng tầm; đồng thời chưa sẵn sàng với sự thay đổi liên quan đến chuyển đổi số.
Việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cơ sở hạ tầng thông tin, truyền thông còn lạc hậu, thiếu tính đồng bộ, chưa hình thành được hạ tầng số, nền tảng số.
Tỉnh Vĩnh Phúc vẫn thiếu cơ chế, chính sách mang tính dẫn dắt, định hướng, tổng thể cho việc chuyển đổi số, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin; chưa có nhiều chính sách ưu đãi cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin...
Bên cạnh đó, hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chưa đáp ứng cho các công nghệ điện toán đám mây, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn.
Để hoàn thiện hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Thông tin & Truyền thông xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể trong việc triển khai chính quyền điện tử; bám sát Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Thông tin & Truyền thông để cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, dự án thực hiện sao cho phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Tỉnh đã thực hiện thí điểm chuyển đổi số tại 4 địa phương (cấp xã, phường) ở thị trấn Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường), thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo), xã Hướng Đạo (huyện Tam Dương) và xã Lãng Công (huyện Sông Lô).
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu từng cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, mọi người dân phải luôn sẵn sàng thay đổi nhận thức, coi chuyển đổi số thực sự là thời cơ, vận hội; từ đó ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số đem lại để phục vụ cho chính cơ quan, đơn vị mình, cho cộng đồng và xã hội.
Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể của tỉnh để tạo môi trường pháp lý và các nguồn lực thúc đẩy chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền điện tử, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Quỳnh Nga