Với sự nỗ lực của cán bộ, công chức Thủ đô, mô hình tuyến phố, chợ, gửi xe, đi xe buýt… không dùng tiền mặt được triển khai góp phần tạo sự tiện lợi cho người dân, đồng thời tránh thất thu ngân sách.
Lời tòa soạn:
Cùng với nhiều tỉnh thành trong cả nước, hơn 1 năm qua, chuyển đổi số ở Thủ đô Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã đáp ứng được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Để có được kết quả đó, Sở TT&TT Hà Nội đã tham mưu Thành ủy, UBND thành phố ban hành những chính sách lớn với mục tiêu cụ thể về chuyển đổi số trên địa bàn. Cùng với đó, Sở TT&TT luôn nỗ lực đồng hành cùng các đơn vị để nghĩ ra cách làm hay, mô hình sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn về chuyển đổi số. VietNamNet giới thiệu tuyến bài viết về chuyển đổi số ở Hà Nội.
UBND TP Hà Nội cho biết, hiện nay, các đơn vị được cấp phép trông giữ xe tổ chức thu giá dịch vụ trông giữ xe chủ yếu bằng tiền mặt. Tính trong 3 năm (từ 2021-2023), 101 điểm giữ xe trên địa bàn Hà Nội thu phí được 248 tỷ đồng.
Để việc thu phí gửi xe được minh bạch, tăng nguồn thu ngân sách, các sở, ngành của thành phố đang hoàn thiện ứng dụng thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt.
Thực tế, từ đầu tháng 2/2024, thực hiện Đề án 06 về chuyển đổi số quốc gia, Công an quận Tây Hồ đã thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ phương tiện khu vực phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc. Kết quả bước đầu ghi nhận 50% người gửi xe máy, 70% người gửi ô tô thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo ông Nguyễn Danh Thụ - Chủ tịch UBND phường Quảng An (quận Tây Hồ), việc thí điểm thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt ở các bãi xe trên nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trên địa bàn thành phố. “Đây cũng là bước kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với hoạt động trông giữ phương tiện”, ông Thụ chia sẻ.
Để triển khai kế hoạch thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt, UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT phối hợp Sở Tài chính, Cục Thuế xây dựng cơ chế, chính sách về thu phí, lệ phí, thuế khai thác điểm đỗ xe, bãi đỗ.
Từ ngày 15/4, TP Hà Nội đã thí điểm thu phí không bằng tiền mặt tại 16 bãi xe trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Sau đó, Hà Nội sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng toàn thành phố.
Trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đến nay ghi nhận 80% người gửi ô tô và khoảng 60% người gửi xe máy thanh toán không dùng tiền mặt. "Bước đầu cho thấy cả người dân và doanh nghiệp đều ủng hộ phương thức gửi xe không dùng tiền mặt. Một đồng người dân trả phí gửi xe không dùng tiền mặt đều được ngành thuế nắm rõ. Do vậy, với phương thức thanh toán này sẽ tránh thất thu ngân sách", vị lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ.
Ngày 14/3, trong buổi làm việc với TP Hà Nội, ông Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP, cho rằng, việc thu phí không dùng tiền mặt sẽ có hiệu ứng giảm ùn tắc và đặc biệt hạn chế được tội phạm có tổ chức.
Ông Nguyễn Duy Ngọc lưu ý cần phân biệt rõ bãi đỗ và lòng đường. Trong đó chú ý các bãi trông giữ xe ở lòng đường với phương châm “dứt khoát ai có năng lực mới được làm, kết hợp với kinh nghiệm sử dụng camera, phạt nguội để triển khai”.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, trên địa bàn hiện nay 57 bãi đỗ xe (trong trung tâm thương mại, chung cư, bệnh viện, trường học…) và 639 điểm đỗ (dưới lòng đường) với tổng diện tích khoảng 135.000 m2.
QUẸT THẺ ĐI XE BUÝT, NHÀ NƯỚC BỚT GÁNH NẶNG TRỢ GIÁ
Mạng lưới xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 150 tuyến và nhánh tuyến với hơn 2.000 phương tiện. Năm 2023, TP Hà Nội trợ giá cho hệ thống xe buýt khoảng 2.750 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, nếu Hà Nội bỏ được hình thức ‘xé vé’ thu tiền hành khách, cắt giảm được hàng nghìn nhân viên, Nhà nước sẽ bớt gánh nặng tiền trợ giá.
Theo ông Lã Văn Chăm - Giám đốc Công ty Tư vấn và xây dựng Đại học GTVT, hệ thống vé giấy xe buýt là hình thức cổ điển, không thể ứng dụng máy móc và công nghệ thông tin, mà cần có nhân viên để bán/kiểm soát vé giấy nên sẽ làm tăng chi phí vận hành.
“Sử dụng vé giấy như hiện nay sẽ làm cho công tác thống kê sản lượng, quản lý doanh thu và dịch vụ phát hành thẻ vé phải thực hiện theo hình thức truyền thống, không ứng dụng được công nghệ quản lý tiên tiến, không hợp nhất được hệ thống vé chung cho toàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) của thành phố”, ông Chăm cho hay.
Trước thực trạng trên, Sở GTVT Hà Nội đã nghiên cứu và thí điểm hệ thống vé điện tử liên thông cho mạng lưới xe buýt. Hà Nội thí điểm vé điện tử cho 24 tuyến xe buýt. Hành khách có thể đăng ký vé, mua vé, thanh toán online (qua website, qua app mobile) hoặc trực tiếp tại các quầy vé. Hệ thống chấp nhận nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện tử, QR code...
Sau khi hoàn thành thí điểm, Sở GTVT sẽ cùng với các đơn vị liên quan tổ chức tổng kết đánh giá toàn diện các ưu nhược điểm, bất cập tồn tại để đưa ra phương án tối ưu về kỹ thuật, công nghệ đối với hệ thống thẻ vé điện tử liên thông làm cơ sở đề xuất tổ chức triển khai áp dụng đối với toàn mạng lưới VTHKCC trên địa bàn thành phố.
Theo Sở GTVT Hà Nội, sử dụng vé điện tử giải quyết được nhiều bất cập, trong đó có tiết giảm kinh phí ngân sách nhà nước thông qua việc không sử dụng nhân viên phục vụ. Cụ thể, nếu tính riêng hơn 130 tuyến xe buýt trợ giá, với hơn 2.000 đầu xe và có tới 4.000 nhân viên phục vụ. Nếu thực hiện đồng bộ vé điện tử các tuyến xe buýt này, Hà Nội sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng tiền lương trả cho nhân viên bán vé mỗi năm.
Bài 4: 'Từ cái tâm phục vụ người dân, doanh nghiệp, chuyển đổi số sẽ thành công'