Với tổng diện tích rừng đạt hơn 14,7 triệu ha, độ che phủ rừng gần 42% (theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp năm 2023), ngành lâm nghiệp không chỉ là “lá phổi xanh” của đất nước mà còn là sinh kế của hàng triệu người dân.
Ước tính có khoảng 25 triệu người sống phụ thuộc vào rừng và các hoạt động liên quan. Không chỉ vậy, giá trị xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản năm 2023 đã đạt khoảng 15 tỷ USD, cho thấy tiềm năng kinh tế to lớn của ngành. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hết do những hạn chế trong công tác quản lý, khai thác và chế biến.
Theo Quyết định 523/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu hiện đại hóa và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành lâm nghiệp. Chiến lược này đưa ra cách tiếp cận tổng hợp trong toàn bộ chuỗi giá trị – từ phát triển, bảo tồn và sử dụng rừng đến chế biến và thương mại hóa các sản phẩm lâm nghiệp.
Mục tiêu cuối cùng là tăng giá trị rừng, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy phát triển lâm nghiệp bền vững. Hai lĩnh vực trọng tâm ứng dụng công nghệ thông tin là quản lý rừng và chế biến lâm sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành các chiến lược cụ thể về chuyển đổi số trong ngành, trong đó có lĩnh vực lâm nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất và kinh doanh, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại và bền vững.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ là "bệ phóng" giúp ngành lâm nghiệp Việt Nam tăng tốc phát triển trong kỷ nguyên vươn mình.