Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, xã nông thôn mới nâng cao năm 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá không ngừng nỗ lực, phấn đấu để duy trì và ngày càng nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Năm 2023, Hà Sơn đăng ký xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Hà Trung. Trên cơ sở phát triển các tiêu chí nông thôn mới nâng cao theo chiều sâu, xã chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Đến nay, 95% các tuyến đường giao thông nông thôn của xã được nhựa hoặc bê tông hóa, 85% các tuyến đường có rãnh thoát nước và có nắp đậy chịu lực. Trên các tuyến đường chính của xã và trục thôn có hệ thống cây hoa trang trí, cây xanh, cây bóng mát được chăm sóc thường xuyên, đảm bảo mỹ quan. 100% các tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn đều có điện chiếu sáng công cộng.
Xã Hà Sơn có 3 trường học các cấp, 1 trạm y tế đều đạt chuẩn quốc gia. 8/8 thôn có nhà văn hóa gắn với khu thể dục thể thao khang trang. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra thường xuyên, rộng khắp thu hút trên 60% người dân tham gia. 100% các thôn đạt danh hiệu làng văn hóa, cơ quan văn hóa. 100% các thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được chính quyền xã chú trọng từ nhiều năm qua. Ngoài việc thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng hạ tầng và phát triển kinh tế, xã hội của Trung ương, tỉnh và huyện, cấp ủy, chính quyền xã Hà Sơn đã tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất có ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.
Trong nông nghiệp, xã đã hình thành vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với diện tích 208ha, đưa năng suất từ 61,9 tạ/ha những năm trước đây lên 70 - 80 tạ/ha như hiện nay.
Địa phương tập trung đất đai, hình thành các vùng trang trại, gia trại tập trung với tổng diện tích 120ha. 57 trang trại, gia trại tổng hợp đã và đang góp phần làm chuyển biến nền nông nghiệp địa phương theo chuỗi giá trị, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. Nhiều mô hình trồng nấm sò, mộc nhĩ, nuôi ốc nhồi, ba ba, trồng hoa huệ, chăn nuôi kết hẹp trồng rừng... cho hiệu quả kinh tế cao.
Trên địa bàn xã còn có 500 lao động đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong nước, 200 lao động trong lĩnh vực xây dựng, thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. 225 người đang đi lao động xuất khẩu tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... gửi về nguồn ngoại tệ trị giá 40 - 50 triệu đồng/người/tháng.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Hà Sơn đã đạt hơn 65,6 triệu đồng/người/năm. Từ đó, người dân có điều kiện hơn để chung tay đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Trong lộ trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, Hà Sơn chọn chuyển đổi số và xây dựng thôn nông thôn mới thông minh để đăng ký lĩnh vực nổi trội nhất. Theo đó, UBND xã Hà Sơn đã lựa chọn thôn Chí Phúc để xây dựng mô hình thôn thông minh.
Đến nay, thôn Chí Phúc có đầy đủ hạ tầng Internet và các dịch vụ viễn thông đến từng nhà dân; cán bộ thôn có ứng dụng các nền tảng số để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền trong thôn.
Hệ thống chiếu sáng công cộng trong thôn ứng dụng chuyển đổi số với phần mềm tự bật/tắt tự động, thay vì phải đi 40 cột để bật công tắc như trước kia.
Đài truyền thanh thôn được thay bằng hệ thống không dây, có ứng dụng công nghệ thông tin tích hợp thẻ sim để thu – phát tự động. Hệ thống camera an ninh được kết nối mạng wifi, lắp trên trục đường thôn để giám sát tình hình trật tự an toàn giao thông, an ninh chính trị trên địa bàn.
Với nhiệm vụ chuyển đổi số của toàn xã, để đảm bảo công tác điều hành từ xã xuống thôn, Hà Sơn đã lập 6 nhóm Zalo và 1 nhóm Facebook với tổng 93 thành viên là cán bộ công chức, bí thư chi bộ, trưởng thôn, ban chỉ đạo chuyển đổi số... Hiện trên 95% công việc của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, công chức, cán bộ chuyên trách và cán bộ thôn đều xử lý trên nhóm Zalo, Facebook đồng bộ, thông suốt.
Chuyển đổi số trong cải cách hành chính ở xã Hà Sơn cũng bước đầu giúp người dân và doanh nghiệp không phải đến Bộ phận Một cửa khi sử dụng một số dịch vụ công trực tuyến. Các kiến nghị, gửi/nhận văn bản của cá nhân và tổ chức được xã thực hiện thông qua App ThanhhoaS, Cổng thông tin điện tử xã... Nhờ khuyến khích sử dụng tài khoản điện tử, người dân, doanh nghiệp thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi trả tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh, mua sắm tại chợ, các cửa hàng và một số dịch vụ công.
1.227/1.227 nhà ở cá nhân trên địa bàn cũng đã được gắn số, tổng hợp thông tin cơ sở dữ liệu sẵn sàng cho việc gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số quốc gia.
Việc lựa chọn chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Hà Sơn không chỉ là một xu hướng mà còn là một chiến lược để xây dựng xã hội hiện đại và bền vững. Kết quả là ngày 3/8, xã Hà Sơn, huyện Hà Trung đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.