Cách đây hơn một năm, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thành lập Trung tâm Dạy học ảo (UTEx) để tổ chức các khóa học trực tuyến hoàn toàn trong môi trường mạng internet.

Tính đến thời điểm này, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã triển khai quá trình chuyển đổi số được hơn 10 năm. Bên cạnh việc đã xây dựng được nền tảng dạy học số theo mô hình Blended Learning và Trung tâm dạy học ảo (UTEx), trường còn xây dựng được trung tâm dữ liệu lớn (Big data center) và nhiều chương trình chuyển đổi số khác như hệ thống phần mềm quản lý, KPIs, E-Portfolio, Social Media và UTE-TV…

{keywords}
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã bắt đầu chuyển đổi số từ 10 năm trước

Theo ông Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng nhà trường, mặc dù quá trình chuyển đổi số của trường đã diễn ra từ hơn 10 năm nay, nhưng với việc dạy học online, đến năm 2013 nhà trường mới bắt đầu triển khai mạnh thông qua nhận hỗ trợ miễn phí phần mềm quản lý dạy học (LMS) từ Trường ĐH bang Arizona (ASU) - một trường đại học dạy học online hàng đầu ở Mỹ.

Ông Dũng nhớ lại ở giai đoạn đầu, nhà trường bắt đầu chỉ với 17 giảng viên hạt nhân được đào tạo bởi các chuyên gia đến từ ASU. Đến năm 2018, nhà trường tiếp tục nhận hỗ trợ từ BlackBoard. Platform này đang sử dụng dạy học online cho chương trình đào tạo chất lượng cao. Hiện nay, hàng năm có hơn 91 triệu lượt tương tác học tập trên cả nền tảng của hai trang dạy học số sử dụng cho hệ đại trà và hệ đào tạo CLC.

Với Trung tâm dạy học ảo (UTEx), bước đầu nhà trường tập huấn cho 24 giảng viên để xây dựng và tổ chức các khóa học trực tuyến cung cấp cho sinh viên và cựu sinh viên. Sau khi UTEx đi vào ổn định, theo ông Dũng, tham vọng của nhà trường là xây dựng các khóa học bằng Tiếng Anh để cung cấp cho toàn thế giới, thực hiện mục tiêu quốc tế hóa giáo dục.

Để chuyển đổi số thành công, nhà trường đã trang bị cơ sở hạ tầng mạng với những thiết bị hiện đại, bao gồm hệ thống mạng lõi và hệ thống máy chủ. Nhà trường cũng đã xây dựng thành công và đưa vào sử dụng hệ sinh thái phần mềm quản lý, KPIs, E-Portfolio, Dashboard...

Bên cạnh đó, những năm gần đây, trường sử dụng hiệu quả mạng xã hội và kênh truyền hình UTE-TV để kết nối với doanh nghiệp và cựu sinh viên trong việc tài trợ, hỗ trợ đào tạo, định hướng nghề nghiệp và việc làm cho sinh viên; Maketing số giáo dục và tư vấn tuyển sinh…

Với chủ trương số hóa của nhà trường nên tại đây, số giảng viên tham gia dạy học số có sự tăng trưởng mạnh mẽ chỉ sau vài năm.

Theo thống kê của nhà trường, nếu như học kỳ I năm học 2014-2015 chỉ có 17 người thì đến học kỳ 1 năm 2017-2018, hầu hết giảng viên đã sử dụng nền tảng, công cụ dạy học số để tăng cường chất lượng dạy học. Tới nay, con số này là khoảng 700 giảng viên.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Dũng, mặc dù đã chủ động, điều chỉnh từng bước nhưng nhiều giảng viên không thích nghi kịp với công nghệ mới. Vì vậy, điều nan giải cho các trường là tốn thêm chi phí thuê nền tảng công nghệ hằng năm để hoạt động. Trong khi đó, giảng viên phải được tập huấn công nghệ liên tục, đôi khi gây áp lực, quá tải.

“Giảng viên phải năng động, chủ động làm chủ công nghệ. Các trường phải đầu tư server và trung tâm big data tốt, cùng với đó là xây dựng trường quay bài giảng. Tất cả phải thay đổi tư duy về dạy học số mới thực hiện được” - ông Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Dù còn có những khó khăn nhưng đến thời điểm này, việc chuyển đổi số của nhà trường thật sự đã gặt hái được “quả ngọt”.

Ông Bùi Văn Hồng, Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết hiệu quả có thể nhìn thấy rõ của việc chuyển đổi số với sinh viên chính là trong mùa Covid-19 vừa qua, việc học của sinh viên nhà trường đã không hề bị gián đoạn.

Con số ấn tượng nhất là sự tương tác của sinh viên và giảng viên: gần như 100% sinh viên, giảng viên nhà trường sử dụng nền tảng và các công cụ dạy học số.

“Giảm thời gian học trên lớp, tăng thời gian học online. Sinh viên quen dần với việc tự học. Khi lên lớp, giáo viên chỉ hỗ trợ giải quyết các vấn đề gặp khi học online và thực hành các kỹ năng. Nhà trường đang hướng tới mục tiêu chỉ 10% nội dung học trên lớp, còn lại sinh viên tự học, tự trao đổi trên nền tảng số” – ông Hồng chia sẻ...

Phương Chi

Chuyển đổi số: Con đường nhanh nhất tạo ra đột phá cho giáo dục

Chuyển đổi số: Con đường nhanh nhất tạo ra đột phá cho giáo dục

Chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng ban hành đã đặt chuyển đổi số giáo dục lên vị trí ưu tiên cao nhất. Đây con đường đúng và nhanh nhất để tạo ra sự đột phá cho ngành.