Lời tòa soạn: Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Báo VietNamNet mở mục “Đóng góp ý tưởng Chuyển đổi số”, góp phần lan tỏa những kinh nghiệm tốt, những bài học hay, các nhân vật tiêu biểu và những câu chuyện cả thành công và chưa thành công của các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp cũng như người dân trong hành trình chuyển đổi hoạt động lên môi trường số.
Robot tư vấn tài chính không phải là một khái niệm mới tại Singapore. Từ năm 2016-2017, các công ty khởi nghiệp lĩnh vực này đã xuất hiện tại đây như StashAway, Syfe hay Endowus. Những năm gần đây, lĩnh vực này đang phát triển ngày càng nhanh chóng.
Theo số liệu của Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) vào tháng 1/2022, tính đến hết năm 2020, người dân tại đảo quốc này đã rót xấp xỉ 3,4 tỷ SGD (2,46 tỷ USD) vào các sản phẩm đầu tư vi mô (đầu tư những khoản nhỏ), được quản lý bởi robot. Hãng tư vấn Deloitte dự báo đến cuối năm 2022, sẽ có 6,7% người tiêu dùng tại Singapore sử dụng mô hình quản lý tài sản cá nhân này.
Robo-advisor là nền tảng tài chính kỹ thuật số được tự động hoá, cung cấp các dịch vụ tài chính dựa trên thuật toán. Không giống như cách thức truyền thống, hệ thống tư vấn tài chính tự động yêu cầu rất ít sự giám sát của con người.
Khi khách hàng đăng ký dịch vụ lần đầu tiên, robo-advisor sẽ xây dựng một biểu mẫu đánh giá rủi ro và thu thập thông tin về tình hình tài chính cũng như mục tiêu của từng đối tượng. Các dữ liệu sau đó được xử lý để đưa ra lời khuyên tài chính cũng như tự động phân bổ danh mục đầu tư.
Điểm thú vị của các hệ thống này là chúng không yêu cầu sự giám sát liên tục. Thêm vào đó, khách hàng đầu tư vào các sản phẩm tối ưu bằng robot không cần số vốn lớn để bắt đầu. Bên cạnh tính năng quản lý danh mục, robo-advisor còn có thể được sử dụng để quản lý tài chính cá nhân như mức chi tiêu sinh hoạt hay tiết kiệm.
Trợ lý quản lý đầu tư và chi tiêu cá nhân
Trong thập kỷ vừa qua, Singapore đang phải đối mặt với mức lạm phát đáng báo động. Vào tháng 3, lạm phát đã tăng lên mức 5,4%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Chỉ số lạm phát cơ bản, sử dụng để đo lường mức độ tăng giá của hàng hoá dịch vụ thiết yếu, được dự báo tiếp tục tăng do giá xăng dầu, hàng nhập khẩu và chi phí vận chuyển.
Theo một cuộc khảo sát do Endowus thực hiện vào tháng 2, 45% người Singapore cho rằng lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao là lo lắng hàng đầu liên quan đến tài chính của họ. Người dân đã chuyển sang nhiều loại hình đầu tư với hi vọng đảm bảo an toàn tài chính. 79% người được hỏi khẳng định vẫn tìm kiếm cơ hội đầu tư trong bối cảnh thị trường đang biến động. Và mức phí hợp lý của các tư vấn viên robot đang là điểm cộng để trở thành lựa chọn tối ưu cho các nhà đầu tư cá nhân.
Nghiên cứu năm 2019 của Deloitte cho thấy, thế hệ trẻ Singapore là đối tượng quan tâm tới robo-advisor nhiều nhất. Với khát khao độc lập tài chính và chi tiêu chặt chẽ, tư vấn tài chính tự động là một phần trong chiến lược quản lý tài sản cá nhân của họ.
Ngoài ra, các khách hàng trẻ tuổi thường có thu nhập khả dụng ít hơn, do đó họ thường chọn robo-advisor vì mức phí thấp. Chẳng hạn, Syfe và StashAway không quy định mức sàn số tiền đầu tư và phí quản lý tài sản (AUM) chỉ rơi vào khoảng 0,4% ở Syfe và 0,8% với StashAway.
Đại học quản lý Singapore năm 2018 cho biết, các ứng dụng quản lý đầu tư sử dụng robo-advisor đang trở thành một giải pháp thay thế ngày càng hấp dẫn cho lĩnh vực quản lý tài sản và quỹ thông thường, với chi phí cạnh tranh và lợi nhuận kỳ vọng tốt hơn từ việc sử dụng tài chính định lượng, hầu như không có sự can thiệp của con người.
Tuy nhiên, sự ổn định và lo ngại phụ thuộc quá đà vào các cỗ máy tư vấn là những vấn đề cần được xem xét. Nghiên cứu của Đại học quản lý Singapore cho thấy, các thuật toán khiến nhà đầu tư trở nên thụ động và lơ là bổ sung kiến thức tài chính.
Trong khi đó, MAS cũng lưu ý rằng, các danh mục đầu tư được xây dựng bởi mô hình tư vấn tự động không phải lúc nào cũng phù hợp với thực tế của người dùng, do việc thu thập dữ liệu vẫn thông qua bảng câu hỏi trực tuyến.
Hơn nữa, các robot tư vấn tài chính cũng không thể thay thế hoàn toàn con người trong lĩnh vực quản lý danh mục. Chúng vẫn chưa đạt được khả năng “đọc tình huống” trong các hoàn cảnh cụ thể. Khi số lượng đầu tư tăng lên và các chiến lược tài chính trở nên phức tạp hơn, một số người có thể muốn quay trở lại với các tư vấn viên tài chính truyền thống để có sự giám sát chặt chẽ hơn.
Sự quan tâm ngày càng tăng
Các công ty fintech trụ sở tại Singapore cung cấp dịch vụ robo-advisor ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng. Khối lượng tài sản quản lý của Syfe đã tăng 1.000% trong năm 2020. StashAway cho biết, tài sản trong danh mục quản lý (AUM) của công ty đã vượt 1 tỷ USD vào tháng 1/2021. Sau đó 8 tháng, startup này cũng mở chi nhánh tại Thái Lan. Trong khi đó, Endowus tới nay đã có AUM đạt 1,1 tỷ USD.
Tháng 8/2021, thành viên Quốc hội Singapore Desmond Choo thông tin, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm đầu tư vi mô, bao gồm các nền tảng fintech có sử dụng robot tư vấn tại Singapore “vẫn còn thấp”, nhưng “sự quan tâm ngày càng tăng” đối với các sản phẩm này.
Trong khi đó MAS cũng triển khai sáng kiến MoneySense, chương trình giáo dục tài chính quốc gia, nhằm nâng cao hiểu biết và kiến thức quản lý tài chính cho người dân Singapore.
Các robot tư vấn tài chính, dù không thể thay thế chuyên gia con người khi đến những mức độ nhất định, nhưng với chi phí thấp và nhiều tiện lợi, các hệ thống robot tư vấn này có thể dễ dàng áp dụng đại trà cho những nhà đầu tư có mục tiêu tài chính khiêm tốn.
Vinh Ngô (Theo Kr-Asia)
Báo VietNamNet trân trọng cảm ơn và mời độc giả tiếp tục tham gia viết bài chia sẻ kinh nghiệm, kể những câu chuyện, sáng kiến cho chuyển đổi số quốc gia. Các bài viết vui lòng gửi về địa chỉ: [email protected].