Các chủ thể OCOP tại tỉnh Bình Thuận, với sự hỗ trợ từ chính quyền và ngành liên quan, đã nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Trong những năm qua, song song với việc xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm, các chủ thể OCOP còn chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Điển hình như Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Thanh long Hữu cơ Phú Hội ở thôn Phú Nhang, xã Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc) canh tác đạt 81,08 ha, trong đó có 12 ha thanh long đạt chuẩn GlobalGAP.

Hợp tác xã cung cấp đơn hàng thường xuyên hàng trăm tấn mỗi năm xuất khẩu đi các nước Ấn Độ, Dubai, Hồng Kông, Malaysia, Nhật Bản, Canada, và Trung Quốc… đồng thời vẫn duy trì thị trường tiêu thụ trong nước.

HTX có sản phẩm quả thanh long ruột đỏ đạt chứng nhận 3 sao OCOP. 

Bình Thuận 1.jpg
Viết nhật ký sản xuất điện tử.

Bà Ngô Xuân Khánh Vân, Giám đốc Kinh doanh HTX Dịch vụ Thanh long Hữu cơ Phú Hội cho biết: “Các thành viên HTX áp dụng viết nhật ký điện tử, HTX cũng chủ động tìm kiếm khách hàng qua các kênh thương mại điện tử và website góp phần xây dựng kênh phân phối vững chắc và mở rộng thị trường”.

Hay HTX Hòa Lệ (thị trấn Ma Lâm - Hàm Thuận Bắc) hiện đã có 9 sản phẩm cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

HTX đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm như đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, kết hợp quảng bá qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, giúp sản phẩm tiếp cận khách hàng rộng rãi và thuận lợi hơn.

HTX còn triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc qua mã QR, gia tăng độ tin cậy với người tiêu dùng. 

Bình Thuận 2.jpg
Đưa các sản phẩm OCOP Bình Thuận lên các sàn thương mại điện tử.

Cùng với sự chủ động của các chủ thể sản phẩm OCOP, các cấp, ngành liên quan cũng đồng hành hỗ trợ các chủ thể OCOP áp dụng chuyển đổi số trong khâu quảng bá, tiêu thụ.

Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh đã triển khai Cẩm nang điện tử về sản phẩm OCOP và tổ chức tập huấn về số hóa quy trình OCOP.

Tổ chức các lớp hướng dẫn giúp doanh nghiệp và hộ sản xuất số hóa hồ sơ sản phẩm và thực hiện bán hàng qua nền tảng thương mại điện tử như: Tik tok Shop tạo hiệu quả trong quản lý và quảng bá.

Sở Công Thương tỉnh cũng tiên phong với Đề án truy xuất nguồn gốc điện tử cho sản phẩm OCOP. Thông qua việc quét mã QR Code được in trên nhãn, người tiêu dùng sẽ truy xuất được thông tin của sản phẩm (về quy trình, nguồn gốc nguyên liệu, giá thành…).

Tính đến nay, 41 cơ sở đã có 160 sản phẩm tích hợp mã QR, hỗ trợ 12 chủ thể OCOP truy xuất nguồn gốc. Việc này không chỉ giúp người tiêu dùng tra cứu thông tin nhanh chóng mà còn khẳng định sự minh bạch và chất lượng sản phẩm.

Nhờ CĐS, sản phẩm OCOP Bình Thuận đã tiếp cận người tiêu dùng trên toàn quốc, đây là nền tảng vững chắc để vươn ra thị trường quốc tế.

CĐS không chỉ giúp nâng cao doanh số mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng với giải pháp truy xuất nguồn gốc minh bạch.

Theo CÁT TƯỜNG (Báo Bình Thuận)