Hợp tác xã (HTX) có vai trò rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp. Với đặc thù sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay, các HTX chính là “cánh tay nối dài” giữa các hộ nông dân với các doanh nghiệp, đồng thời giúp cung cấp các vật tư đầu vào, hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình, đảm bảo đầu ra cho các nông sản. 

Chính vì vậy, việc tháo gỡ các khó khăn nội tại hiện có của HTX là điều cần thiết để đưa sản xuất của ngành nông nghiệp ngày càng có hiệu quả, gia tăng và ổn định thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như tác động của dịch COVID-19 đang đòi hỏi các HTX cần có nhiều thay đổi để thích ứng, phù hợp với tình hình, bắt nhịp với thời cuộc.

Thời cơ "vàng" của kinh tế tập thể

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã khẳng định: "Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân". Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Phấn đấu mục tiêu chung là đến năm 2030, cả nước sẽ có 45.000 hợp tác xã với 2 triệu thành viên tham gia.

Thời gian qua, được tiếp sức từ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, khu vực này có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, khu vực kinh tế này vẫn chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao; mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp với xu thế phát triển; nguồn lực tài chính và trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế…

Bởi vậy, chuyển đổi số được xem là thời cơ "vàng" để khu vực kinh tế tập thể được tiếp thêm nguồn lực mạnh. 

Chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã gắn kết chặt chẽ với các chiến lược, chính sách về chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, định hướng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia; huy động mọi nguồn lực, phát triển theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng với các khu vực kinh tế khác.

W-congnghecao-1.png
Nông dân Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) vận hành máy cấy

Chuyển đổi số nhằm chuyển đổi mô hình quản trị sản xuất, kinh doanh trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã một cách linh hoạt, phù hợp đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực. Quá trình chuyển đổi này đòi hỏi sự tham gia, chung tay của cả hệ thống chính trị, các hợp tác xã, người dân và doanh nghiệp.

Cuối năm ngoái, phát biểu khai mạc Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chúng ta có mặt ở đây hôm nay để truyền tải thông điệp của tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá đối với mô hình kinh tế tập thể (nòng cốt là các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã) là thành phần kinh tế quan trọng. Tinh thần đổi mới bao gồm thay đổi tư duy nhận thức và hành động để thay đổi phương thức hoạt động, quản lý sự thay đổi gắn với chuyển đổi số để tạo ra những giá trị mới, chuyển đổi mô hình kinh tế tập thể một cách linh hoạt, phù hợp đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực.

Nghị quyết 20-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu rõ quan điểm: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.

Những vấn đề đang đặt ra hiện nay là tìm ra các giải pháp phù hợp để thúc đẩy chuyển đổi số, tạo động lực cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển nhanh và bền vững, gắn với việc cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW.

83,5% HTX đánh giá việc chuyển đổi số là cần thiết

Theo thống kế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 1.718 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 1.342 hợp tác xã trồng trọt, 74 hợp tác xã chăn nuôi, 74 hợp tác xã thủy sản, 4 hợp tác xã diêm nghiệp, 223 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp.

Các hợp tác xã tập trung áp dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực như kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản (1.490 hợp tác xã, chiếm 78,4%); áp dụng công nghệ tự động hóa (151 hợp tác xã, chiếm 12,5%); áp dụng công nghệ sinh học (60 hợp tác xã, chiếm 7,1%); ứng dụng công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp (16 hợp tác xã, chiếm 1%)… Trong tổng số 1.718 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có 240 hợp tác xã ứng dụng phần mềm quản lý.

Trong số 17.777 hợp tác xã nông nghiệp có 21% hợp tác xã lập kế hoạch tổng thể cho thương mại điện tử; 23% hợp tác xã bán các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử; 21% hợp tác xã tạo một website đơn giản; 7% hợp tác xã có website được xuất hiện hàng đầu trong kết quả tìm kiếm trên Google; 14% hợp tác xã thực hiện livestream; 7% hợp tác xã thực hiện quảng cáo trên Facebook…

Khảo sát của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, 83,5% HTX đánh giá việc chuyển đổi số là cần thiết; 18,9% HTX đã có kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể; 68% HTX có sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán sản phẩm trực tuyến...

Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ 4.0, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý vận hành và tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các HTX. Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể vẫn còn không ít khó khăn.

Kết quả khảo sát các HTX cũng cho thấy còn hơn 50% HTX chưa có định hướng về chuyển đổi số, trong đó, 37,5% HTX có chủ trương, quyết tâm nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu và 18,9% HTX chưa xây dựng kế hoạch về chuyển đổi số.

Quyết Thắng và nhóm PV, BTV