Ngày 13/08/2020 Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) kỷ niệm 24 năm thành lập bởi sự kiện đặc biệt Lễ công bố số hóa và kế hoạch chuyển đổi số ngành Dược.

Đây là cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên tại Việt Nam tuyên bố quá trình chuyển đổi số với mục tiêu hoàn thành đến hết năm 2023, về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch chuyển đổi số ngành dược giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính thông qua các dịch vụ công trực tuyến.

Cam kết đồng hành cùng Cục Quản lý Dược trên hành trình chuyển đổi số, phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Đăng Dũng chia sẻ những suy nghĩ và quyết tâm chuyển đổi số quốc gia.

{keywords}
 

Chuyển đổi số phụ thuộc quyết tâm của người lãnh đạo

Ông Lê Đăng Dũng nhớ lại quãng thời gian từ 6 năm trước, năm 2014, Viettel cùng Cục Quản lý Dược khai phá, số hóa các hệ thống quản lý hướng tới chuyển đổi số ngành Dược

Những dự án đầu tiên đã được xúc tiến, từ việc số hóa các quy trình nghiệp vụ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành dược, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa Quốc gia, xây dựng các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp… Cho đến nay, 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp 4 được tích hợp trên Cổng thông tin Bộ Y tế phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Trên thực tế, chuyển đổi số là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn giai đoạn ứng dụng CNTT.

{keywords}
 

Ông Lê Đăng Dũng nhấn mạnh, “Chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không phụ thuộc chủ yếu vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị của chính từng tổ chức, từng cá nhân. Hành trình đồng hành của Viettel cùng Cục Quản lý Dược thời gian vừa qua đã giúp chúng tôi thấm thía điều đó hơn ai hết”.

Là người đứng đầu Tập đoàn Công nghệ, ông Dũng cho hay, Quản lý dược là một lĩnh vực rất khó và phức tạp. Những kỹ sư công nghệ của Viettel dù rất giỏi, nghiên cứu rất sâu về công nghệ, không thể chuyển đổi số ngành dược nếu không được phối hợp với kiến thức ngành, không có trải nghiệm những quy trình thực tiễn.

{keywords}
 

Ông Dũng khẳng định: “Sự thành công của chuyển đổi số hôm nay và ngày mai phải nằm trong chính tư duy, trong cách từng cá nhân trong ngành dược tiếp cận và giải quyết vấn đề hàng ngày, hàng giờ. Chuyển đổi số không chỉ là hoạt động nhằm tối ưu hóa quy trình làm việc, tăng năng suất, tạo lợi nhuận mà hơn hết, nó phải là nền tảng văn hóa của một tổ chức. Và văn hóa đó, phải được xây dựng và thực hành trong một chiến lược lâu dài và kiên định”.

“Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược là những người sẵn sàng thay đổi. Xây dựng lại các quy trình làm việc trên môi trường số, các đồng chí sẵn sàng loại bỏ những công đoạn trung gian rườm rà, hình thức”, ông Lê Đăng Dũng nói, “Quyết tâm này của lãnh đạo các cấp ngành y tế, theo chúng tôi chính là một yếu tố vô cùng quan trọng, là cách làm nền tảng để từng tổ chức, doanh nghiệp muốn chuyển đổi số tham khảo”.

Chuyển đổi số để kết nối, chia sẻ nhiều hơn nữa

Trong hơn 6 năm đồng hành, đội dự án của Viettel và Cục Quản lý Dược đã số hóa hơn 110.000 dữ liệu thông tin chứng chỉ hành nghề, 40.000 loại thuốc, trên 8.000 hoạt chất chuẩn, trên 4.000 nguyên liệu làm thuốc và trên 60.000 thông tin giá thuốc kê khai lưu hành; có trên 100 quy trình tác nghiệp được chuyển hóa thành quy trình số.

Trong tương lai sắp tới, Viettel sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái các sản phẩm, áp dụng công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data)… để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số hiệu quả hơn.

Trong lĩnh vực y tế, việc xây dựng một hệ sinh thái số hóa các sản phẩm nâng cao sức khỏe như dược phẩm, dinh dưỡng, khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử... là xu hướng tất yếu; trong đó các giải pháp chuyển đổi số ngành dược thực sự quan trọng và có cơ hội phát triển lớn. Chuyển đổi số ngành dược thành công sẽ là yếu tố quan trọng để Việt Nam tiến tới một xã hội số, một nền kinh tế số, với những dịch vụ tốt hơn, rẻ hơn và cho mọi người.

Theo đánh giá của người đứng đầu Viettel, chuyển đổi số sẽ không chỉ là số hóa, không dừng ở cắt gọt quy trình, không chỉ giúp kết nối mà còn phải tăng cường chia sẻ dữ liệu, chia sẻ kiến thức, chia sẻ cách làm không biên giới.

Ông Dũng chia sẻ, những tháng ngày vừa qua trong đại dịch Covid-19 đang đòi hỏi chúng ta phải phát triển sáng tạo hơn, đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số để mang lại cơ hội cho người dân không chỉ duy trì được cuộc sống bình thường mà còn được hưởng thụ những tiện ích mà trước kia chưa từng có.

{keywords}
 

Sở hữu các nền tảng công nghệ lõi, Viettel là đơn vị giàu kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn, đã trực tiếp triển khai nhiều dự án CNTT-VT trong các lĩnh vực chính phủ điện tử, giáo dục, nông nghiệp, thành phố thông minh,… từ cấp quốc gia đến từng địa phương, mong muốn giải quyết các vấn đề trong nhiều lĩnh vực cuộc sống. Trong các dự án đó, các kỹ sư của Viettel không chỉ làm chủ các công nghệ lõi mà còn chủ động nâng cao các kiến thức riêng của từng lĩnh vực, chủ động tìm hiểu các tri thức ngành, đi đến từng cơ sở để nghiên cứu nghiệp vụ và nhu cầu của khách hàng, từ đó đưa ra các giải pháp “vừa vặn” nhất với đặc thù của từng ngành, từng đơn vị.

Chủ tịch Lê Đăng Dũng kỳ vọng “lộ trình số hóa và kế hoạch chuyển đổi số ngành Dược sẽ về đích sớm và mang lại nhiều giá trị thiết thực cho ngành Dược, Bộ Y tế và cộng đồng doanh nghiệp, người dân Việt Nam”. Ông cũng khẳng định mục tiêu, con đường và cách làm của Viettel sẽ luôn đồng hành với các tổ chức, doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, hướng tới xã hội số, nền kinh tế số.

Minh Ngọc