Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Chương trình Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 - Techconnect and Innovation Vietnam 2023 được tổ chức tại Quảng Ninh. Đây là dịp các nhà quản lý, doanh nghiệp cùng trao đổi, thảo luận toàn diện về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tập trung vào các biện pháp thực thi chính sách, các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, xu thế này không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới mà Việt Nam ký kết tham gia có nhiều tiêu chí liên quan về phát triển xanh, phát triển bền vững, cũng như có các điều khoản thành lập các cơ quan liên quan đến chuyển đổi số.
Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 569/QĐ-TTg Ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 với quan điểm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Thứ trưởng kỳ vọng các diễn giả tại sự kiện sẽ tập trung thảo luận về các biện pháp thực thi chính sách và cụ thể hoá các chương trình hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các ngành chuyển đổi xanh.
Diễn đàn gồm hai phiên với các chủ đề "Bài học kinh nghiệm và cam kết hỗ trợ cho Việt Nam chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững" và "Các giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp".
Trong phiên tham luận về “Bài học kinh nghiệm và cam kết hỗ trợ cho Việt Nam chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững” có sự tham gia của các cơ quan và tổ chức quốc tế như: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình Horizon Europe, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC). Nội dung của phiên này giúp các nhà hoạch định chính sách, đơn vị quản lý nhà nước, chuyên gia tư vấn chiến lược và cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học trong và ngoài nước tiếp cận, nắm bắt và phân tích các bài học kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi xanh và các giải pháp, chương trình, mô hình, cơ chế hỗ trợ quốc tế để thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam chuyển đổi xanh nhanh và bền vững hơn.
Phiên 2 có nội dung về giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp, tập trung vào các giải pháp công nghệ cho chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp. Mở đầu phiên là bài chia sẻ từ Công ty Rạng Đông, một trong những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong chuyển đổi số với bài trình bày “Chiến lược chuyển đổi số của Rạng Đông, một doanh nghiệp sản xuất truyền thống”. Tiếp đến là các chia sẻ về các giải pháp chuyển đổi số của các doanh nghiệp như: VNPT, 1Office, Base, SIEMENS Việt Nam...
Tại diễn đàn, 8 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác giữa các bên đã được trao như: Chuyển giao công nghệ nuôi yến, cá lăng và trồng cây tuần hoàn theo mô hình nông nghiệp hữu cơ và công nghệ lượng tử; Chuyển giao công nghệ bảo vệ dữ liệu Nand Flash và Hợp đồng xây dựng nền tảng quản trị du lịch toàn diện...
N.M