Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ tác động rất nhiều đến việc vận hành, phát triển của các cơ quan báo chí.

Trước những thách thức và cơ hội mới, các cơ quan báo chí, thông tin của tỉnh Thái Nguyên đã và đang nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số, thay đổi tư duy, cách làm trong việc chuyển tải thông tin cũng như tiếp cận với độc giả.

Phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc trao đổi với nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, về vấn đề này.

Hệ thống phòng thu, thiết bị sản xuất chương trình của Báo Thái Nguyên điện tử đã được đầu tư bài bản, bảo đảm thực hiện tốt các chương trình trực tuyến, trực tiếp trên mạng Internet, chuyển tải thông tin nhanh nhạy, chính xác, hiệu quả. Ảnh: Trường Sơn

Hệ thống phòng thu, thiết bị sản xuất chương trình của Báo Thái Nguyên điện tử đã được đầu tư bài bản, bảo đảm thực hiện tốt các chương trình trực tuyến, trực tiếp, chuyển tải thông tin nhanh nhạy, chính xác, hiệu quả. Ảnh: Trường Sơn

P.V: Thưa nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2024, công tác chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí, thông tin của tỉnh Thái Nguyên đạt được những kết quả nào đáng ghi nhận?

Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm: Có thể khẳng định cho đến nay, công tác chuyển đổi số của báo chí Thái Nguyên đã và đang có những bước tiến đáng kể, minh chứng cho sự quyết tâm và nỗ lực của đội ngũ những người làm báo trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh báo chí hiện đại yêu cầu không chỉ về tốc độ thông tin mà còn là sự đa dạng về nội dung và phương thức tiếp cận, các cơ quan báo chí của Thái Nguyên đã dần khẳng định năng lực trong việc chuyển tải thông tin đến độc giả một cách nhanh chóng, chính xác và hấp dẫn trên các nền tảng số.

Báo Thái Nguyên - một cơ quan báo chí trọng yếu của tỉnh - là một ví dụ điển hình. Với sự phát triển mạnh mẽ của các tác phẩm đa phương tiện như Emagazine, Infographic, Báo Thái Nguyên đã thu hút được sự quan tâm lớn từ độc giả. Hiện nay, trung bình mỗi tháng có khoảng 10 tác phẩm Emagazine được đăng tải, tăng gần gấp đôi so với năm 2023.

Tính đến giữa tháng 11-2024, số lượng tin, bài, phóng sự, video clip và các tác phẩm báo chí đa phương tiện khác đã vượt con số 13.000. Đây là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng của tập thể phóng viên, biên tập viên trong việc làm mới cách tiếp cận nội dung và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả.

Cùng với đó, Báo Thái Nguyên duy trì và phát triển nội dung thông tin phong phú trên các nền tảng số, thu hút đông đảo công chúng quan tâm.

Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên là một cơ quan thông tin chủ lực, cũng là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất chương trình và phát sóng. Những nền tảng như thainguyentv.vn, Fanpage TNTV, kênh YouTube, TikTok không chỉ được duy trì mà còn ngày càng phát triển với nội dung đa dạng, phong phú.

Các chương trình livestream, phát thanh trực tiếp các sự kiện lớn của tỉnh hay các clip số được thực hiện ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng xu hướng thưởng thức thông tin nhanh gọn và linh hoạt của công chúng.

Không chỉ dừng lại ở báo in hay báo hình, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên - Cơ quan của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh - cũng đã có những thay đổi rõ nét, vừa duy trì tốt các kỳ xuất bản truyền thống vừa phát triển mạnh mẽ trên nền tảng điện tử.

Những chuyên trang như “Muôn nẻo đường quê”, Podcast “Xóm Chòi kể”, hay các sản phẩm Emagazine đã góp phần làm phong phú thêm diện mạo báo chí văn nghệ của tỉnh. Việc đầu tư phòng studio cách âm với trang thiết bị hiện đại cũng mở ra cơ hội sản xuất các sản phẩm báo chí chuyên sâu, mang đậm dấu ấn sáng tạo.

Là cơ quan cung cấp thông tin của tỉnh trên nền tảng Internet, Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên năm 2024 đã sản xuất và cập nhật được gần 20.000  tin, bài, văn bản lên Cổng, tăng trên 3.000 sản phẩm (20%) so với năm 2023. Số lượng người truy cập vào Cổng thông tin tính đến ngày 31/12/2024 dự kiến đạt 50 triệu lượt (nằm trong tốp đầu của hệ thống cổng thông tin điện tử trên cả nước về lượt truy cập)...

P.V: Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi có bước phát triển nhanh, đặc biệt là về chuyển đổi số. Theo ông, đội ngũ những người làm báo của tỉnh cần thay đổi tư duy, cách làm như thế nào để đáp ứng yêu cầu trong cuộc cách mạng số hóa về báo chí hiện nay?

Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm: Nhìn chung, công tác chuyển đổi số của báo chí Thái Nguyên trong giai đoạn vừa qua, nhất là năm 2024, không chỉ phản ánh sự thay đổi về công nghệ mà còn cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ về tư duy của đội ngũ những người làm báo.

Tuy nhiên, thực tế này cũng đặt ra không ít thách thức khi yêu cầu về kỹ năng đa nhiệm, sự am hiểu công nghệ và khả năng sáng tạo nội dung của các nhà báo ngày càng trở nên khắt khe, nhất là vấn đề phát triển kinh tế báo chí trong thời kỳ chuyển đổi số.

Báo chí Thái Nguyên không chỉ cần thích nghi mà còn phải tiên phong trong cuộc cách mạng số hóa để đáp ứng sự kỳ vọng của công chúng. Điều này đòi hỏi đội ngũ những người làm báo phải thay đổi tư duy một cách toàn diện.

Trước hết, nhà báo cần mở rộng khả năng sáng tạo nội dung, không chỉ dừng lại ở các thể loại truyền thống mà còn phát triển các sản phẩm báo chí hiện đại, đa phương tiện. Việc kết hợp giữa thông tin chính thống và cách truyền tải mới mẻ như video ngắn, podcast, hay các clip tương tác trên mạng xã hội sẽ giúp thông tin lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Song song với đó, khả năng sử dụng công nghệ và dữ liệu là yếu tố then chốt. Trong thời đại mà trí tuệ nhân tạo (AI) và các nền tảng số như YouTube, TikTok, Zalo ngày càng đóng vai trò quan trọng, nhà báo không chỉ cần làm chủ các công cụ kỹ thuật mà còn phải biết khai thác dữ liệu để hiểu rõ hơn về nhu cầu của công chúng. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng cần đi đôi với việc duy trì đạo đức nghề nghiệp.

Trong một môi trường mà thông tin sai lệch và nội dung giật gân dễ dàng lan truyền, nhà báo cần giữ vững tinh thần trách nhiệm, tính chính xác và trung thực của thông tin để xây dựng niềm tin bền vững với độc giả. Để phát huy hết tiềm năng, đội ngũ những người làm báo trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan báo chí lớn và các tổ chức công nghệ, đồng thời không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng thông qua các chương trình tập huấn và thực tế tại cơ sở...

P.V: Trong giai đoạn phát triển tới, ông có kỳ vọng gì đối với báo chí Thái Nguyên, nhất là trong năm 2025 - năm kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam?

Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm: Trong giai đoạn phát triển tới - giai đoạn vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên mới - nhiệm vụ của báo chí đứng trước nhiều thời cơ và thách thức mới; đội ngũ những người làm báo cần nỗ lực vươn lên để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cùng với đó, điểm nhấn quan trọng trong năm 2025 là kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Đây là một cột mốc quan trọng, không chỉ để nhìn lại lịch sử 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam mà còn là cơ hội để báo chí cả nước nói chung, báo chí Thái Nguyên nói riêng khẳng định vị thế của mình trong thời kỳ mới.

Có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức mới, nhưng đồng thời đây cũng là thời cơ, thời điểm để đội ngũ những người làm báo tỉnh nhà tiếp tục phát huy truyền thống nơi khởi nguồn báo chí cách mạng, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để bắt kịp xu thế chuyển đổi số đối với toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có báo chí.

Tin rằng, với nền tảng đã xây dựng trong những năm qua, các cơ quan báo chí, truyền thông của Thái Nguyên sẽ tiếp tục có những bước tiến đột phá. Sự nhạy bén về công nghệ, khả năng sáng tạo không ngừng và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ những người làm báo sẽ là “chìa khóa” để báo chí Thái Nguyên không chỉ đáp ứng sự kỳ vọng của công chúng mà còn góp phần vào sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam...

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 Theo Thành An (Báo Thái Nguyên)