Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã tạo ra những thay đổi sâu rộng trên toàn cầu, mang lại cả cơ hội và thách thức cho mọi quốc gia và lĩnh vực.
Trong bối cảnh này, lĩnh vực báo chí cũng không ngoại lệ. Để giữ vững vai trò là lực lượng tuyên truyền xung kích, chủ lực của Đảng, Nhà nước, báo chí cần phát triển theo hướng nâng cao chất lượng nội dung gắn với công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất nội dung, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng.
Sự phát triển không ngừng của công nghệ trong lĩnh vực báo chí, thông tin tuyên truyền đã dẫn đến sự thay đổi trong cách tiếp nhận thông tin của công chúng.
Người đọc, người nghe, người xem đã không còn tiếp cận thông tin một cách thụ động như trước đây mà đã chuyển sang chủ động lực chọn, quyết định những thông tin gì họ muốn biết, cần biết mà thậm chí họ còn muốn tham gia vào quá trình tạo lập thông tin, tạo lập thông điệp truyền thông của riêng bản thân mình.
Chính vì vậy, báo chí đang dần chuyển đổi mô hình sản xuất, phân phối nội dung, hướng đến thông tin sâu sắc, xác thực, góc nhìn toàn diện, sinh động là chìa khóa để tạo ra giá trị cho độc giả, khẳng định sự khác biệt của báo chí so với mạng xã hội và đề cao các giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng.
Nâng cao chất lượng nội dung và phương thức sản xuất
Cùng với báo chí cả nước, trong những năm gần đây, diện mạo báo chí Thái Nguyên đã có những bước phát triển mạnh cả về loại hình, nội dung và hình thức truyền thông.
Bên cạnh những loại hình truyền thống, sự phát triển, tích hợp và hội tụ của công nghệ thông tin đang thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Thái Nguyên.
Các cơ quan báo chí đã từng bước làm chủ nền tảng phân phối nội dung số trên không gian mạng, dẫn dắt và đóng góp vào sự phát triển chung lĩnh vực kinh tế truyền thông số.
Xác định nhiệm vụ giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng là nhiệm vụ then chốt, các cơ quan báo chí luôn đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng nội dung và phương thức sản xuất nội dung số.
Hiểu rõ điều này, các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh đã tăng cường sản xuất các tác phẩm báo chí có chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí về tính chính xác, kịp thời, phân tích có ý nghĩa, tạo niềm tin với độc gia, bảo vệ công chúng khỏi bị lừa bởi tin giả và thông tin sai lệch.
Bên cạnh đó, sử dụng các công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm có hình thức hấp dẫn, độc đáo, lan tỏa và phù hợp với nhu cầu của độc giả.
Thông qua phân tích dữ liệu, công nghệ tiên tiến, sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh,… một cách sáng tạo, các cơ các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung tâm thông tin tỉnh đã sản xuất các sản phẩm truyền thông như Infographic, Megastory, Podcast, Emagazine, Multimedia, video ngắn (short video/reel), livestream (phát trực tuyến) ... với thông điệp truyền tải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thể hiện, phù hợp ngôn ngữ của cộng đồng mạng…
Đây là những hình thức phổ biến nhất phù hợp với thị hiếu được cộng đồng mạng đón nhận, tham gia tương tác, tạo môi trường thông tin đa chiều góp phần chuyển hướng sự tập trung của dư luận vào những thông tin tích cực, cô lập những thông tin tiêu cực. Qua đó, truyền bá nội dung thông tin chính thống, tích cực trên môi trường để nhằm bao trùm, lấn át thông tin tiêu cực.
Chuyển đổi số báo chí để giữ vững chủ quyền trên không gian mạng
Các cơ quan báo chí muốn đưa thông tin một cách nhanh nhạy, kịp thời, cạnh tranh với các thông tin trên mạng xã hội thì bên cạnh việc nâng cao chất lượng nội dung cần đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí.
Chính vì vậy, ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, đặt mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Báo Thái Nguyên, Đài PT-TH Thái Nguyên là 2 cơ quan đi đầu triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí. Đài PT-TH đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phát thanh, truyền hình đảm bảo đồng bộ theo công nghệ số tiêu chuẩn độ phân giải cao, thực hiện đồng bộ từ sản xuất tiền kỳ, hậu kỳ, xử lý tín hiệu tổng khống chế trên tất cả các hạ tầng truyền dẫn, phát sóng, truyền hình Internet.
Báo Thái Nguyên xây dựng tòa soạn điện tử với nền tảng công nghệ kỹ thuật tiên tiến để sản xuất các ấn phẩm cho nhiều loại hình, phương tiện báo chí khác nhau.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí xây dựng phần mềm với các tính năng phục vụ quản lý điều hành tòa soạn, ứng dụng CMS Server quản trị phân phối nội dung số; ứng dụng App khai thác nội dung số trên thiết bị di động (IOS, Androi, windown phone); hệ thống phân phối nội dung số trên hạ tầng Internet …
Việc chuyển đổi số báo chí không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là cơ hội để hiện đại hóa báo chí, nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, mở rộng phạm vi cung cấp thông tin chính thống lên các nền tảng mạng xã hội, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của công chúng.
Theo Thu Hương (Trang thông tin điện tử chuyển đổi số Thái Nguyên)