Sự kiện do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội và Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.

PGD Quang.jpg
Ông Nguyễn Trần Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Trần Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cho biết: Với vai trò là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Thành phố Hà Nội đang nỗ lực không ngừng để trở thành một thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, phát triển bao trùm, nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển kinh tế tuần hoàn. 

Thành phố cũng đã xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên gồm: Năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, sản xuất chế biến thực phẩm an toàn, và bảo vệ môi trường. 

Cũng theo ông Quang, chuyển đổi xanh đang được toàn cầu hướng đến để giảm thiểu tác động của con người đối với môi trường, với nhiều hoạt động như chuyển dịch năng lượng xanh, công nghiệp xanh, năng lượng bền vững và kinh tế tuần hoàn... Nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất ở Hà Nội đã lựa chọn xu hướng này để phát triển lâu dài.

Tại hội nghị, đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc nhấn mạnh định hướng thu hút doanh nghiệp sản xuất xanh, bền vững. 

Hiện trong Khu đang triển khai 22 dự án nghiên cứu và phát triển (R&D), trong đó 11 dự án đã đi vào hoạt động với nhiều dự án hoạt động trên cả 4 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghiệp vật liệu mới.

Mục tiêu sau năm 2030, Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ trở thành một thành phố khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo sinh thái và thông minh.

Bởi thế, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc rất hoan nghênh các dự án đầu tư đáp ứng các tiêu chí 3 thấp (sử dụng đất, nhân công, phát thải) và 4 cao (công nghệ, suất đầu tư, tự động hóa, giá trị gia tăng).

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, định hướng từ nay tới năm 2030, ngành Dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững dựa trên chuyển đổi số, tăng trưởng xanh. 

Các doanh nghiệp dệt may cần nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, đồng thời tích cực đổi mới công nghệ, áp dụng giải pháp chuyển đổi số để truy soát nguồn gốc nguyên phụ liệu.